Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi): Tiếp thu ý kiến và nghiên cứu, điều chỉnh một số nội dung
Liên quan đến Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), UBND Thành phố Hà Nội gần đây cho biết, Thường trực Thành ủy, Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố sẽ tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung một số nội dung tại dự thảo Luật.
Trước đó, tại Kỳ họp thứ 6 - Quốc hội khóa XV, Chính phủ đã trình Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi). Dự án Luật Thủ đô gồm 7 chương, 59 điều (tăng 3 chương, 32 điều so với Luật Thủ đô 2012, trong đó giữ nguyên 3 Điều; sửa đổi, bổ sung 18 điều; quy định mới 38 điều). Ngay sau khi Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) trình Quốc hội lần đầu, đã nhận được sự quan tâm của dư luận xã hội, các chuyên gia và nhà khoa học, đồng thời nhiều ĐBQH đã có những ý kiến tâm huyết để hoàn thiện Dự án Luật, giúp Dự án Luật đạt chất lượng nhất để tới đây Quốc hội khóa XV thông qua.
Tiếp tục hoàn thiện Luật Thủ đô (sửa đổi), vừa qua tại Hà Nội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đã có cuộc làm việc với Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Bộ Tư pháp và Thành phố Hà Nội về tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật (sửa đổi). Tại cuộc làm việc này, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn cho biết, từ trung tuần tháng 12/2023 đến nay Hà Nội đã tổ chức 20 cuộc hội thảo, cuộc họp tiếp thu, giải trình, chỉnh lý hoàn thiện dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) với sự tham gia của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Bộ Tư pháp và một số Bộ, ngành Trung ương, các Sở, ban, ngành Thành phố.
“Việc xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) không phải cho riêng Hà Nội mà là phục vụ sự phát triển của quốc gia”
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định.
Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố đã báo cáo Thường trực Thành ủy Hà Nội cho ý kiến đối với nội dung Báo cáo về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) và các hồ sơ kèm theo. Thường trực Thành ủy Hà Nội cơ bản thống nhất với những nội dung dự kiến tiếp thu, chỉnh lý tại Báo cáo và Tờ trình của Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố; đồng thời, chỉ đạo tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung một số nội dung tại dự thảo Luật.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn cho biết thêm, Hà Nội dự kiến tại Chương I (những quy định chung) được chỉnh lý: “Luật này quy định vị trí, vai trò của Thủ đô; chính sách, trách nhiệm xây dựng, phát triển, quản lý, bảo vệ Thủ đô”. Tại Điều 2, bổ sung nội dung, khẳng định Thủ đô “là đô thị loại đặc biệt” nhằm tạo thuận lợi cho Thủ đô trong việc lập, triển khai thực hiện quy hoạch và đô thị hóa.
Điều 4 Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) dự kiến chỉnh lý theo hướng, cho phép chính quyền Thành phố được ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết các điều khoản được giao hoặc để thực hiện thẩm quyền được giao trong Luật Thủ đô có thể khác với văn bản quy định của Trung ương và trong trường hợp có sự khác nhau, HĐND Thành phố có thể lựa chọn việc áp dụng pháp luật.
Trong nội dung về tổ chức chính quyền Thủ đô, tên chương được chỉnh lý là: “Tổ chức chính quyền”. Đối với thẩm quyền thành lập, tổ chức lại, giải thể các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính đã chỉnh lý rõ hơn, phân quyền mạnh mẽ hơn cho HĐND Thành phố, hoàn toàn chủ động trong việc thành lập, tổ chức lại, giải thể các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính thuộc UBND TP. Hà Nội, quận, huyện, thị xã, không bị giới hạn bởi khung số lượng cơ quan, tổ chức theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hoặc quy định của cấp có thẩm quyền. Đồng thời, quy định bổ sung một số yêu cầu, điều kiện để tránh sự tùy tiện, lạm dụng trong việc áp dụng quy định này.
Về tổ chức, bộ máy của HĐND Thành phố Hà Nội, so với dự thảo trình Quốc hội, đã chỉnh lý theo hướng tăng số đại biểu chuyên trách từ ít nhất 25% lên ít nhất 40%, quy định số lượng Thường trực HĐND Thành phố có không quá 9 thành viên và giao HĐND bầu. Đồng thời, giao quyền cho HĐND Thành phố quyết định cụ thể ủy viên hoạt động chuyên trách ở các Ban của HĐND Thành phố.
Trong nội dung về quy hoạch, xây dựng, cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị, UBND Thành phố Hà Nội đã tiếp thu, chỉnh lý theo hướng bổ sung làm rõ hơn về yêu cầu quản lý đô thị, xây dựng Thủ đô theo quy hoạch, quy chế quản lý kiến trúc và quản lý đô thị; biên tập lại, chỉnh lý các điều khoản theo ý kiến thẩm tra, ý kiến của đại biểu Quốc hội.
Để tiếp tục phối hợp nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) trong thời gian tới, UBND TP. Hà Nội có một số đề xuất Quốc hội tiếp tục quan tâm chỉ đạo định hướng việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) theo hướng phân quyền mạnh mẽ cho Thành phố và bổ sung những quy định đặc thù để giải phóng, phát huy mọi nguồn lực, tạo thể chế thuận lợi cho xây dựng và phát triển Thủ đô.
Tại cuộc làm việc với Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Bộ Tư pháp và Thành phố Hà Nội về tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật (sửa đổi) ngày 25/1, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ một số định hướng mang tính nguyên tắc trong việc tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).
Theo đó, trước hết là phải bám sát các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị về Hà Nội bảo đảm thống nhất quan điểm, kể cả câu chữ; xác định rõ Luật Thủ đô (sửa đổi) là đạo luật phân quyền, trao quyền mạnh mẽ cho Hà Nội, nhưng đồng thời giao thêm nhiệm vụ, ràng buộc trách nhiệm nặng nề hơn cho Hà Nội; giao quyền phải bảo đảm điều kiện có thể thực hiện được quyền; bảo đảm sự đồng bộ thống nhất của Luật Thủ đô trong hệ thống pháp luật nói chung và nội tại luật này nói riêng.