Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân điều hành phiên họp.
Trình bày báo cáo tổng kết kỳ họp thứ chín, Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, kỳ họp được chuẩn bị và tổ chức trong điều kiện đặc biệt, đó là vừa phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, vừa hoàn thành các nhiệm vụ trên cả 3 lĩnh vực lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Dù chỉ diễn ra trong 19 ngày làm việc, nhưng với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm và đổi mới, kỳ họp đã thành công tốt đẹp, hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình.
Về việc chuẩn bị kỳ họp thứ mười, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, dự kiến kỳ họp sẽ khai mạc vào ngày 19-10-2020 và tiếp tục được chia làm hai đợt, gồm: Họp trực tuyến và họp tập trung; tổng thời gian làm việc là 18 ngày.
Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc báo cáo tại phiên họp.
Trong đó, đợt 1 với hình thức họp trực tuyến (9 ngày), dự kiến Quốc hội sẽ dành 1 ngày cho phiên trù bị, khai mạc; nghe trình bày các tờ trình, báo cáo; dành 3 ngày để tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn; dành 3,5 ngày thảo luận 6 dự án luật, 1 dự thảo nghị quyết và 1,5 ngày để thảo luận các báo cáo về công tác tư pháp.
Đợt 2 với hình thức họp tập trung (9 ngày) tại Nhà Quốc hội (Hà Nội), dự kiến Quốc hội dành 3,5 ngày để thảo luận các báo cáo về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước; 3 ngày thảo luận về các dự án luật. Bên cạnh đó, Quốc hội dành thời gian còn lại để thảo luận các dự thảo văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; quyết định ngày bầu cử toàn quốc đối với cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026…
Thảo luận về vấn đề này, đa số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao sự đổi mới trong việc tổ chức kỳ họp thứ chín, đồng thời bày tỏ sự đồng tình với việc tiếp tục tổ chức kỳ họp thứ mười thành hai đợt. Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh và một số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, thời gian giữa hai đợt họp cần bố trí 1 tuần làm việc để các Ủy ban của Quốc hội chuẩn bị chu đáo các nội dung để báo cáo trình Quốc hội.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng đề nghị giảm thời gian thảo luận tại tổ để tăng thời gian thảo luận tại nghị trường.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, cần định lượng cụ thể hơn việc tiết kiệm chi phí trong đợt họp trực tuyến vừa qua, đồng thời tiếp tục quan tâm nâng cấp phần mềm để đại biểu dễ dàng sử dụng hơn trong các kỳ họp tiếp theo.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh.
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng, tại kỳ họp thứ mười, nội dung thảo luận, không quyết nghị thì cần đưa lên đợt họp thứ nhất để dành đợt họp thứ hai cho quyết nghị về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, nhân sự… Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng đồng tình với việc giảm thời gian thảo luận tổ và linh hoạt về thời gian giữa hai kỳ họp.
Kết luận nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, cơ bản Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với báo cáo tổng kết kỳ họp thứ chín. Trong đó, đại biểu Quốc hội và cử tri đánh giá cao công tác tổ chức đợt họp trực tuyến đã bảo đảm hiệu quả, chất lượng. “Kỳ họp đã đánh dấu bước đổi mới quan trọng, tạo tiền đề cho Quốc hội cải tiến các kỳ họp tiếp theo”, đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh.
Chỉ ra một số hạn chế còn tồn tại ở kỳ họp thứ chín để rút kinh nghiệm trong công tác chuẩn bị kỳ họp thứ mười, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất tổ chức thành hai kỳ họp và các nội dung kỳ họp. Trong đó, các nội dung thảo luận, cho ý kiến sẽ được đưa vào đợt 1 và hoạt động chất vấn, quyết nghị, kinh tế - xã hội sẽ được đưa vào đợt 2; giảm thời gian thảo luận tại tổ để tăng thời lượng thảo luận tại hội trường… Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan liên quan tiếp thu các ý kiến để tiếp tục hoàn chỉnh dự kiến chương trình kỳ họp thứ mười để Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục xem xét tại phiên họp sau.