Dòng họ Phùng làng Chảy

Thạc sĩ Phùng Quang Trung | 05/01/2021 16:00

Dòng họ Phùng làng Chảy
Quán bồ đề làng Chảy

Làng Văn Minh, xã Nam Tiến (Văn Nhân), huyện Phú Xuyên, TP. Hà Nội xưa còn gọi là Kẻ Chảy, thuộc xã Do Lễ, tổng Vạn Điểm, phủ Thường Tín, đạo Sơn Nam. Tổ tiên nơi đây xưa từ thời Tiền Lê đã khai phá đất đai, đắp đê trị thủy, tạo dựng thành 3 xóm: Nho Tống, Văn Minh, Chanh Thôn và lập thành làng Do Lễ gắn với tên “Kẻ Chảy, Kẻ Trên, Kẻ Dưới”… 

Làng Do Lễ ban đầu có ngôi đình cổ (ở khu Quán Đá) thờ Thành hoàng làng là Đoàn Thượng Đông Hải Đại Vương, sau tách ra: Làng Chanh Thôn vai “anh cả” do giữ bát hương, làng Nho Tống vai “anh hai” giữ bộ long ngai, làng Văn Minh vai “em út” giữ các đồ khí tự. Với phong tục tập quán thuần hậu qua vần thơ cổ: “Hỡi cô thắt dải lưng xanh/ Có về làng Chảy với anh thì về/ Làng Chảy có quán Bồ Đề/ Có sông tắm mát có nghề trồng dưa”, trên bến dưới thuyền, hàng ngày có phiên chợ Chảy buôn bán thương mại tấp nập, dịch vụ trung chuyển từ xứ Đoài sang xứ Đông, bên sông Hồng Hà nặng phù sa… Khi vua Quang Trung hành quân qua đây hạ trại để chỉnh đốn binh mã, tiếp vận binh tiến đánh thành Thăng Long và hiện làng vẫn lưu một số địa danh. Đặc biệt, làng có nhiều dấu tích vị anh hùng hào kiệt thờ làm Thành hoàng làng là Nguyễn Phục Đông Hải Đại Vương phò nhà Lê, Đoàn Thượng phò nhà Lý và Triệu Quang Phục, Đường Vương Thượng Tướng chống nhà Đường, Trung Thành Phổ Tế Đại Vương mệnh danh là Thủy thần của người Lạc Việt (thời Hùng Vương)… đều là các bậc Phúc thần đã có công với dân, với nước, với làng xóm quê hương. 

Theo bản thần tích, thần sắc làng Chảy thờ Nhị vị Đức Thành hoàng làng (Nguyễn Phục và Đoàn Thượng) hiệu là Đông Hải Đại Vương tại đình, miếu và cấm không được làm nhà kế bên. Trong năm, đồ lễ các ngài là gà, lợn, xôi, rượu, cau, chuối, thanh bông, hoa, quả, thực, những người được vào lễ chỉ có: Tiên chỉ, thứ chỉ, kỳ mục và tư văn - nhớ khi đọc lễ, nói gì phải kiêng tên húy của ngài, khách qua đường vào đình, đền, miếu không được chít khăn màu đỏ. 

Theo gia phả Hán Nôm để lại thì dòng họ Phùng Thế Tài có cách đây khoảng gần 300 năm, do cụ tổ là Thái Cao Tổ Phùng Tôn Công Tự Pháp Thông - Là người có công lập ra làng Chảy từ thời vua Lê Dụ Tông niên hiệu Vĩnh Thịnh (1679 - 1731) - cụ sinh ra 7 người con trai, sau thành 7 chi (chi 1 là cụ Pháp Nhạc, chi 2 là cụ Pháp Sơn, chi 3 là cụ Phúc Thiện, chi 4 là cụ Đăng Thế, chi 5 là cụ Đăng Quang, chi 6 là cụ Đình Thuyên và chi 7 là cụ Đình Xuyên - chi cụ Phùng Thế Tài thuộc chi 5 của cụ Phùng Đăng Thịnh, tự Đăng Quang). Ngày 16/9/1996, các cụ tộc họ Phùng thống nhất dịch gia phả truyền lại cho con cháu và quyết định đóng góp xây mộ cụ Tổ tròn dật 7 cấp tượng trưng cho 7 chi. Theo “Danh thần, danh nhân họ Phùng đất Việt” của Phan Thị Bảo, khởi nguồn họ Phùng từ cụ Phùng Văn Bổng thân sinh nữ thần tướng thời Hai Bà Trưng là Phùng Thị Chính, cụ Phùng Trí Cái - cụ tổ 7 đời của Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng (761 - 802 ở Đường Lâm), lưỡng quốc Trạng nguyên Phùng Khắc Khoan (1528 - 1613) ở làng Bùng Thạch Thất, Phùng Thanh Hòa thời Tiền Lý… Họ Phùng thôn Văn Minh hiện có trên 1000 trai đinh, con cháu có mặt ở khắp các tỉnh, thành trên cả nước. Cuối năm 2013, họ đã đồng tâm, tự nguyện đóng góp quỹ họ nâng cấp xây dựng, bảo quản phần mộ cụ Tổ. Trên mộ khắc đôi câu đối “Cúc dục ân thâm đông hải khoát - Sinh thành nghĩa trọng thái sơn cao” và khắc chữ “Phùng Tổ mộ”, “Uống nước nhớ nguồn”.

Thượng tướng Phùng Thế Tài  một người con ưu tú của dòng họ Phùng ở làng Văn Minh. Cụ sinh năm 1920, thuở nhỏ nhà nghèo, cụ lưu lạc sang Vân Nam (Trung Quốc) kiếm sống. Năm 1936, cụ tham gia tổ chức Việt Nam Độc lập Đồng minh hội hải ngoại và được cử đi học ở Trường sĩ quan Hoàng Phố, tốt nghiệp với quân hàm Trung úy. Năm 1939, cụ gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương và được cử làm bảo vệ cho nhà yêu nước Nguyễn Ái Quốc, lúc đó lấy tên là Hồ Quang trong vai thiếu tá Bát lộ quân. Cụ được Bác Hồ đặt cho bí danh là Phùng Hữu Tài. Bố đẻ của Thượng tướng Phùng Thế Tài là Phùng Văn Dụ sinh ra được 6 anh em trai: Phùng Văn Thụ (con trưởng), Phùng Văn Trụ, Phùng Văn Đống, Phùng Văn Lâm, Phùng Văn Tiên và Phùng Văn Biểu - 2 người con nuôi là Phùng Văn Đạo và Phùng Tiến Tố (liệt sĩ hy sinh ở Điện Biên Phủ). Năm 1946, hai cụ thân sinh ra tướng Tài đều chuyển lên sống ở (xóm Lưỡng Sơn, Văn Phú, Trấn Yên, Yên Bái), các con trai và con nuôi đều vào bộ đội. Năm 1954 cả gia đình lại chuyển về ở quê hương (sau này tại ngũ còn Thượng tướng Phùng Thế Tài và Thiếu tá Phùng Văn Đống). Năm 1952, cụ xin Hồ Chủ tịch cho đổi thành Phùng Thế Tài; năm 1941 theo Bác Hồ về nước tham gia hoạt động xây dựng cơ sở tại Cao Bằng; kinh qua các chức vụ: Tiểu đội trưởng trong Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, Ủy viên quân sự Việt Minh, Chi đội phó Chi đội Lạng Sơn, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 28, Ủy viên quân sự trong Ủy ban Hành chính Kháng chiến Hà Nội, Đại đoàn phó Đại đoàn 320, Đại đoàn trưởng Đại đoàn Pháo binh 349, Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Pháo binh kiêm Tham mưu trưởng Binh chủng Pháo binh, Tư lệnh Binh chủng Phòng không rồi Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam; cụ có công rất lớn trong việc chống chiến tranh phá hoại bằng không quân của Mỹ trong suốt những năm từ 1964 - 1973, đặc biệt trận Điện Biên Phủ trên không cuối năm 1972; cụ được phong quân hàm Thượng tá (1958), Đại tá (1967), Thiếu tướng (1974), Trung tướng (1980) và Thượng tướng (1986). Cụ Phùng Thế Tài đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhất, 2 Huy hiệu Bác Hồ và nhiều phần thưởng cao quý khác.  

Thượng tướng Phùng Thế Tài thọ 95 tuổi. Chăm lo xây dựng, giữ gìn gia phong dòng tộc trong họ Phùng còn có cụ Phùng Văn Phước thọ 93 tuổi, cụ Phùng Văn Hách thọ 86 tuổi. Trong quân đội có Thiếu tướng Phùng Thế Quảng, Đại tá Phùng Văn Nam, Đại tá Phùng Văn Bài, Đại tá Phùng Văn Toản. Nhiều con cháu thành danh hiện là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ, kỹ sư, bác sĩ, nhà văn, nhà báo, nhà giáo, giám đốc các doanh nghiệp… giữ nhiều chức vụ quan trọng ở các cơ quan Trung ương, các tỉnh, thành phố, quận, huyện, xã, phường. Hiện nay cả 7 chi họ Phùng đều xây dựng Quỹ Khuyến học, Khuyến tài, Quỹ hiếu, tổ chức thăm hỏi con cháu khi ốm đau, tập trung xây dựng cuốn gia phả dòng tộc, cuốn sổ vàng truyền thống và quyết tâm xây dựng nhà thờ họ nhằm di huấn tiếp nối truyền thống “Lấy đức làm trọng, chung tay xây nền tảng Tổ tiên là gốc”. Họ Phùng có 25 liệt sĩ, 2 bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, 19 thương binh, 15 bệnh binh. 

Dòng họ Phùng làng Chảy
Ngôi đình cổ ở làng Chảy

Làng Chảy có hệ thống giá trị văn hóa lịch sử lâu đời mà các bậc tiền nhân để lại như: Đình, miếu, chùa Lưu Ly, quán đá Bồ Đề (quán chính giác, giác ngộ, theo thuyết Tam giáo đồng nguyên), đền Trung Lân, đền Đề Thám, nhà thờ Đạo Thiên Chúa, 5 giếng cổ và khu văn chỉ cuối làng. Chùa Lưu Ly tự còn lưu bức hoành phi đắp cốt giấy bản thổ cổ chữ đại tự “Văn Minh Lạc Thổ” nghĩa là: Vùng đất văn học, vùng đất vui, trù phú, nơi chốn tổ, an lành, thanh tịnh, giàu có, điền viên, mỹ tục khả phong, khoa bảng từ ngàn xưa - Thật là một làng Việt cổ độc đáo. Làng Chảy Văn Minh đã 2 lần được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) công nhận đạt danh hiệu Làng Văn hóa, liên tục được UBND huyện Phú Xuyên công nhận giữ vững danh hiệu Làng văn hóa. 

Được sự quan tâm của cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc các cấp, sự cố gắng tích cực của các đinh trai tráng, dòng tộc đã đồng thuận cùng nhau giải quyết những ách tắc, tháo gỡ khó khăn mâu thuẫn khúc mắc xảy ra tại các gia đình. Vào tiết thanh minh hàng năm, dòng họ tụ họp duy trì tổ chức đi tảo mộ để tưởng nhớ các bậc sinh thành, củng cố nếp nhà có văn hóa “Gia truyền thanh bạch thi thư hữu - Thế xuất anh hoa phúc lộc trường” để cây có ngàn cành muôn lá, nước có lắm lạch nhiều sông. Dòng tộc họ Phùng Thế Tài “Kẻ Chảy” ngày nay xứng danh là dòng họ văn hóa đáng tin cậy trong vùng, được cấp ủy đảng, chính quyền, ban công tác Mặt trận Tổ quốc cấp cơ sở khen thưởng. 
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Dòng họ Phùng làng Chảy
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO