Theo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (Bộ LĐTB&XH), Đối thoại Chính sách cao cấp về Phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số là diễn đàn thảo luận, chia sẻ mối quan tâm, nhận định, đánh giá về tương lai việc làm và tác động của số hóa, kinh nghiệm thực tiễn về phát triển thị trường lao động bền vững và toàn diện; về tăng cường giáo dục và đào tạo kỹ năng và các khía cạnh về an sinh xã hội.
Phát biểu khai mạc Đối thoại, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định, nguồn nhân lực ở bất kỳ thời gian nào cũng là yếu tố trung tâm, là động lực của phát triển. Điều này thể hiện tầm quan trọng, ý nghĩa của Đối thoại với chủ đề “Phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số”. Bước sang thế kỷ 21, thế giới đã chứng kiến sự bùng nổ của mạng internet, tự động hóa, số hóa, phát triển dựa trên tri thức, trí tuệ nhân tạo và bước nhảy vọt về công nghệ thông tin, đặc biệt là công nghệ thông tin đặt ra nhiều yêu cầu mới đối với phát triển nguồn nhân lực và cần tạo điều kiện, phương tiện mới để thực hiện những yêu cầu đó.
Nhấn mạnh tại Đối thoại, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, trong kỷ nguyên số, công nghệ thông tin không chỉ giúp tăng năng suất lao động, tăng trưởng kinh tế, mà còn là phương tiện kết nối, mở ra chân trời, thế giới mới để mọi người được tiếp cận, được chia sẻ, được giao lưu, được phát huy sáng tạo và khẳng định giá trị cá nhân của mình và đóng góp vào thành tựu chung, vào văn minh nhân loại.
Theo Phó Thủ tướng, công nghệ thông tin giúp thị trường lao động được tổ chức, vận hành hiệu quả, tiết kiệm thời gian kết nối việc làm. Việt Nam hiện đang duy trì hệ thống gần 130 Trung tâm giới thiệu việc làm công lập, hàng năm tư vấn và giới thiệu việc làm cho khoảng 3 triệu lao động. Đặc biệt, những năm gần đây, Việt Nam đã triển khai, thành lập nhiều sàn giao dịch việc làm trực tuyến với bộ máy gọn nhẹ hơn nhiều.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu tại Đối thoại
Phát biểu tại Đối thoại, Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH Đào Ngọc Dung cho rằng, chúng ta đang sống và làm việc trong thời đại có sự tác động mạnh mẽ của tiến bộ khoa học công nghệ. Do đó, đối với lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực, chúng ta đều nhận thức rõ rằng, ứng dụng công nghệ và số hóa là cơ hội góp phần quan trọng trong việc nâng cao năng suất lao động, tăng sản lượng kinh tế, tạo điều kiện cho việc ra đời và phát triển các mô hình kinh doanh mới, thị trường mới và cơ hội việc làm, nhưng cũng đặt ra không ít những thách thức mới do sự gia tăng tính phân đoạn trong quy trình sản xuất, chế tạo.
Mặc dù phải đối mặt với những thách thức trong việc đáp ứng nhu cầu nhân lực của nền kinh tế kỹ thuật số ở các mức độ khác nhau, nhưng các nền kinh tế thành viên APEC đã và đang thể hiện quyết tâm mạnh mẽ hơn trong việc thúc đẩy các nỗ lực để đảm bảo tăng trưởng bền vững và toàn diện, trong đó tập trung mạnh vào việc nâng cao khả năng thích ứng của lực lượng lao động để nhanh chóng đáp ứng với sự thay đổi của phát triển công nghệ.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Đối thoại chính sách Cao cấp APEC về phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số là một bằng chứng về cam kết của các nền kinh tế APEC nhằm tăng cường và thúc đẩy hợp tác phát triển nguồn nhân lực phù hợp với nhu cầu phát triển, phù hợp với yêu cầu của người lao động và người sử dụng lao động, nhằm vun đắp tương lai chung về một APEC năng động, hòa bình, đi đầu trong tăng trưởng và liên kết toàn cầu, có khả năng ứng phó với những biến đổi kinh tế - tài chính và những thách thức do thiên nhiên và con người gây ra.
“Tôi tin tưởng, những sáng kiến, kinh nghiệm và bài học tốt về các chính sách và thực tiễn từ các nền kinh tế APEC hướng tới tương lai việc làm tốt đẹp hơn. Trong đó, chủ động đào tạo nguồn nhân lực, điều chỉnh chính sách an sinh xã hội sẽ góp phần quan trọng vào nỗ lực chung nhằm tiếp tục cụ thể hóa và hiện thực hóa những chỉ đạo, định hướng của Lãnh đạo cấp cao, đồng thời bổ sung cho các sáng kiến và chương trình hành động hiện hành của APEC hướng tới việc làm bền vững, bao trùm cho tất cả mọi người” – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ.
Tại Đối thoại, các đại biểu và diễn giả đã tập trung thảo luận, chia sẻ quan điểm thực tiễn cấp quốc gia và khu vực về các vấn đề liên quan đến tương lai của việc làm, kỹ năng nghề, thị trường lao động và an sinh xã hội trong kỷ nguyên số; cũng như những hàm ý của số hóa đối với việc làm tương lai, những thách thức và cơ hội đối với người lao động và cộng đồng. Để giải quyết những thách thức này, các nền kinh tế APEC khuyến nghị: cần tập trung đặc biệt vào các kỹ năng, giáo dục và đào tạo để đảm bảo những người tham gia thị trường lao động có khả năng tận dụng tốt những cơ hội mới với mục tiêu không để ai bị bỏ lại phía sau.
Tại phiên thảo luận cuối cùng của Đối thoại, đại diện 21 nền kinh tế thành viên đã thống nhất thông qua Tuyên bố chung của Đối thoại cao cấp về Phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số. Tuyên bố này sẽ được báo cáo lên Hội nghị Bộ trưởng APEC và Hội nghị các nhà Lãnh đạo Kinh tế sẽ được tổ chức tại Đà Nẵng, Việt Nam vào tháng 11 tới đây. Khung thời gian đề xuất để thực hiện Tuyên bố này là từ năm 2017 đến năm 2025, sẽ được các Bộ trưởng phụ trách phát triển nguồn nhân lực đánh giá lại vào năm 2022.