Đổi mới tư duy về văn hóa, nuôi dưỡng khát vọng dân tộc

HNM| 20/03/2022 17:35

“Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”, “phát triển văn hóa đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ, công bằng xã hội” được Đảng ta xác định là nhiệm vụ quan trọng trong nhiệm kỳ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII và các năm tiếp theo. Làm tốt được điều đó cần bắt đầu từ việc đổi mới tư duy về văn hóa, nuôi dưỡng khát vọng dân tộc.

1. Trải qua hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam đã tự tạo cho mình bản sắc văn hóa của một nền văn minh nông nghiệp đa dạng, phong phú gắn với đặc thù vùng miền. Theo đó, cộng đồng tộc người trên khắp mọi miền đời này qua đời khác, định cư lâu dài hay di cư tự nhiên, hết thảy đều hình thành những mối ràng buộc tự nhiên và xã hội, cố kết cộng đồng dân tộc, vì thế mà có được văn hóa nguồn cội, là nhân lõi đại đoàn kết toàn dân tộc. Trong đời sống lao động đã sản sinh ra nhiều giá trị tinh thần, để lại cho muôn đời kho báu văn hóa dân ca, dân vũ, trò chơi dân gian, thành ngữ, ca dao, tục ngữ hồn nhiên, đằm thắm, trữ tình, vừa làm dịu mát tâm hồn vừa ẩn chứa triết lý nhân sinh, truyền dạy đạo lý làm người.

Hồn cốt dân tộc Việt Nam được hun đúc từ thời Hùng Vương dựng nước đến thời đại Hồ Chí Minh tinh hoa văn hóa yêu nước, thương nòi, ý chí tự lực, tự cường, khát vọng hòa bình, tự do, khát vọng tự chủ, độc lập, tự do, phồn vinh, hạnh phúc. Dù trong bất kỳ thử thách lịch sử nào, hồn cốt văn hóa bất tử của Việt Nam vẫn là mạch nguồn lưu giữ, bảo tồn, tiếp biến hội tụ và lan tỏa chân dung một dân tộc Việt Nam kiên trung, bất khuất: Ý chí Việt Nam, tinh thần Việt Nam chính là bản sắc văn hóa nâng tầm dân tộc Việt Nam trong thời đại ngày nay.

Đảng ta xác định: Kinh tế - Chính trị - Văn hóa - Xã hội là 4 trụ cột của chế độ. Phát triển kinh tế là trung tâm, nhằm làm cho dân giàu, nước mạnh, đáp ứng yêu cầu nâng cao đời sống vật chất cho con người và xã hội. Phát triển kinh tế ở Việt Nam chính là tiếp tục thực hiện ham muốn tột bậc của Bác Hồ là làm cho dân ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc; trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và xu thế toàn cầu hóa, phát triển kinh tế còn là một phương kế bảo đảm an ninh kinh tế, là vốn liếng quốc gia khi tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Xây dựng thể chế chính trị của dân, do dân, vì dân là nhân lõi của tiến trình kiến tạo chế độ mới ưu việt ở Việt Nam. Trong thể chế chính trị mà Việt Nam đã và đang kiến tạo thì việc xây dựng Đảng là then chốt; Đảng cầm quyền phải thực sự là tinh hoa văn hóa chính trị của dân tộc. Từng đảng viên, mỗi tổ chức cơ sở Đảng phải là một tế bào trong sạch, vững mạnh của chế độ, Đảng vĩ đại trước hết vì Đảng là hiện thân của các giá trị đạo đức, văn minh dân tộc và thời đại. Sự kiên định nền tảng tư tưởng của Đảng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân là giữ được ngọn đuốc lý tưởng cách mạng xã hội chủ nghĩa. Không ngừng hoàn thiện hệ thống pháp luật, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là tự gột rửa bụi bặm, "vết nhọ trên trán" người cộng sản, làm cho Đảng gắn bó máu thịt với nhân dân.

Tiếp tục xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, chính là bồi đắp, tôn vinh những giá trị sống của con người Việt Nam vốn có trong lịch sử, được nâng tầm trong thời đại hội nhập, toàn cầu hóa. Kinh nghiệm lịch sử cho thấy, chính lòng yêu nước thương nòi, văn hóa làng xã, văn hóa cộng đồng là bảo bối cho sự tồn vong dân tộc.

Trong tiến trình lịch sử, việc không ngừng sáng tạo các giá trị văn hóa mang hơi thở thời đại là một trong những kế sách dựng nước gắn liền với giữ nước. Nhìn từ góc độ sinh hoạt đời sống thường nhật, văn hóa là lời nói, hành vi con người ứng xử với thiên nhiên, vạn vật, con người ứng xử với con người. Nhìn từ góc độ kinh tế, văn hóa là phương thức lao động, sản xuất, lưu trữ, chế biến, bảo đảm lương thực, thực phẩm, sáng tạo những món ẩm thực hấp dẫn, làm nên những công trình kiến trúc độc đáo. Nhìn từ góc độ chính trị, văn hóa biểu hiện trong mối quan hệ giữa công dân với bộ máy chính quyền, giữa bộ máy chính quyền với người dân, tinh thần thượng tôn pháp luật là biểu thị cao nhất, văn minh nhất của văn hóa chính trị. Nhìn từ góc độ xã hội, văn hóa là tổng hòa các mối quan hệ giữa người với người, giữa người dân với Nhà nước, giữa con người với môi trường tự nhiên; và quan trọng nhất là sự đối diện với lương tri và phẩm giá của cả một dân tộc trước thời đại, trong chính mỗi con người.

Thời đại ngày nay, sức mạnh tổng hợp của một dân tộc được định danh bởi sự hội tụ của nền kinh tế mở, kinh tế thông minh, tăng trưởng xanh, dựa vào thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến hiện đại; cùng với đó là tính ưu việt của chế độ chính trị mà người dân cảm thấy mình thực sự ở trung tâm mọi sự phát triển tiến bộ; và toàn bộ hoạt động xã hội được tổ chức dựa vào pháp luật, đạo đức; tín ngưỡng, tôn giáo. Như thế là văn hóa thực sự hóa thân vào đời sống xã hội và mỗi con người để nuôi dưỡng khát vọng dân tộc. Muốn đặt văn hóa ngang hàng với kinh tế - chính trị - xã hội trước hết là phải thay đổi tư duy coi văn hóa chỉ là giải trí, tiêu khiển, “mua vui” đơn thuần. Cần phải nhận thức sâu sắc rằng, văn hóa là giá trị phổ quát, bao trùm, định hướng, soi đường cho con người và toàn xã hội biết sống, làm việc và ứng xử sao cho có tính người, tình người, thể hiện trình độ văn minh của quốc gia, dân tộc, nhân loại. Đầu tư nguồn lực cho văn hóa phải xứng tầm cả về tài chính, con người, cơ chế, chính sách và các điều kiện hỗ trợ liên quan. Đo lường, định dạng, đánh giá kết quả, thành tựu văn hóa không chỉ dừng lại ở các phong trào, cuộc thi, mà quan trọng nhất là sự cảm nhận một xã hội có kỷ cương phép nước, có cương thường đạo lý.

2. Trong cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” vừa xuất bản, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định một cách logic, khoa học, biện chứng về vai trò, vị trí và mối quan hệ của luận điểm “Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”.

Cần phải thấy rằng, đặt văn hóa ngang hàng với kinh tế - chính trị - xã hội không đơn giản là xếp các lĩnh vực đó thành hàng ngang theo tư duy cơ học mà phải đặt các giá trị văn hóa thẩm thấu tinh tế trong hoạt động kinh tế - chính trị - xã hội. Dùng chuẩn mực văn hóa để điều tiết bên trong hoạt động kinh tế - chính trị - xã hội. Thông qua đó, làm toát lên văn hóa Việt Nam thời hiện đại: Yêu con người, yêu cuộc sống, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, ý chí phi thường, khát vọng trường tồn, tự chủ, tự lực, tự cường, hòa bình, phồn vinh, hạnh phúc.

Văn hóa chẳng những phải đặt ngang hàng với kinh tế - chính trị - xã hội mà đúng hơn là phải đặt trước để soi đường, chỉ lối cho mỗi người và toàn xã hội biết làm điều hay lẽ phải giúp ích cho đất nước, biết tránh điều xấu để giữ thanh danh cho Đảng, cho chế độ. Việt Nam có thể còn nghèo về vật chất, nhưng không vì thế mà mải mê làm kinh tế, vì lợi nhuận, vì lợi ích vật chất mà đánh đổ lợi ích tinh thần. Việt Nam là một dân tộc nghèo vật chất nhưng chắc chắn rất giàu văn hóa tinh thần, giàu chiến công lịch sử vẻ vang, giàu giá trị văn hóa mang tầm quốc gia, nhân loại. Đó là vốn tài nguyên riêng có của dân tộc Việt Nam. Muốn phát triển, cần phải biết trân quý, bảo tồn, tiếp biến nguồn tài nguyên văn hóa dân tộc một cách thông minh, không dừng lại ban hành văn bản mà phải biết tổ chức khoa học các hoạt động có văn hóa trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - chính trị - xã hội, ngăn chặn, đẩy lùi những lối sống phi văn hóa, phản văn hóa.

Với nhận thức mới, chúng ta hoàn toàn tin tưởng dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chung sức đồng lòng của muôn dân, Việt Nam sẽ phục hưng và thăng hoa văn hóa trong thời đại mới, xứng tầm một dân tộc thông thái, văn minh, góp phần làm giàu các giá trị sống phổ quát của nhân loại.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Khám phá Tây Bắc tại triển lãm "Tây Park - Ngàn"
    Triển lãm thị giác "Tây Park - Ngàn" được thực hiện dựa trên quá trình 10 năm đi và trải nghiệm tại Tây Bắc (Việt Nam) kết hợp sáng tạo nhiếp ảnh của Nguyễn Thanh Tuấn.
  • Khúc ca tình mẫu tử khi đối thoại với thời gian
    Bài thơ “Mẹ” của Đỗ Trung Lai thuộc đề tài quen thuộc nhưng luôn mang sức gợi lớn: đề tài người mẹ. Bài thơ được chọn vào sách giáo khoa Ngữ văn 7 (tập 1, bộ Cánh diều). Xuyên suốt bài thơ là bóng dáng vất vả, tảo tần của người mẹ gắn liền với tình cảm thiêng liêng, sâu đậm mà người con dành cho mẹ. Bằng nét bút tinh tế và nghệ thuật biểu đạt đầy sáng tạo, bài thơ tựa như một khúc ru trầm, nhẹ nhàng mà da diết, chạm đến từng góc khuất trong tâm hồn người đọc.
  • Trường đại học đầu tiên đạt chứng chỉ EDGE uy tín toàn cầu
    Sở hữu khuôn viên xanh rộng 6.5 hecta với tổng vốn đầu tư 165 triệu USD, Trường Đại học Anh Quốc Việt Nam (BUV) mới đây đã đạt chứng chỉ xanh EDGE uy tín, “bảo chứng” của nhiều công trình xanh quy mô trên toàn cầu.
  • Chung kết cuộc thi: Đổi mới phong cách của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh
    Ngày 21/11, Công đoàn Y tế Việt Nam tổ chức Chung kết Cuộc thi tuyên truyền kết quả thực hiện kế hoạch “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ Y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh” và giải pháp giai đoạn 2 “Thấu hiểu, tận tâm – Nâng tầm, đổi mới”.
Đừng bỏ lỡ
Đổi mới tư duy về văn hóa, nuôi dưỡng khát vọng dân tộc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO