Sử dụng công nghệ thông minh vào chăm sóc cây trồng
Ngoài ra, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam hiện chỉ đạt 3,79 điểm (thang điểm 10), xếp thứ 11 trong số 12 nước Châu Á tham gia xếp hạng. Chỉ số cạnh tranh của nguồn nhân lực Việt Nam đạt 3,39/10 điểm và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế xếp thứ 73/133 quốc gia được xếp hạng. Theo báo cáo Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011-2020 thì năng suất lao động Việt Nam thấp hơn năng suất lao động của Trung Quốc 2,5 lần; thấp hơn Thái Lan 4,2 lần.
Ông Đỗ Trường Sơn, Trưởng phòng Đồng bằng sông Cửu Long (Viện Chiến lược phát triển - Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, Đồng bằng sông Cửu Long là vùng sản xuất lương thực, nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản và cây ăn quả nhiệt đới lớn của cả nước.
Tuy nhiên, lực lượng lao động khu vực nông thôn vùng này chất lượng thấp, tỷ lệ không có trình độ chuyên môn chiếm 91,2%. Bên cạnh đó, tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” của vùng diễn ra mạnh. Trong khi ở nhiều quốc gia, quy mô đào tạo bậc trung cấp luôn chiếm tỷ lệ nhiều hơn đại học, cao đẳng thì ở nước ta có tình trạng ngược lại.
Đồng quan điểm, ông Đinh Cao Khuê, Tổng Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao cho rằng, nguồn nhân lực ở khu vực nông thôn đang thiếu hụt rất lớn cả về số lượng và chất lượng, nhất là lao động trẻ. Thực tế cho thấy, lực lượng tham gia sản xuất nông nghiệp phần lớn là người cao tuổi, sản xuất cá thể và dựa vào kinh nghiệm là chính; việc áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến chưa nhiều. Đây là vấn đề lớn đối với nền nông nghiệp Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nói riêng.
Để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực trong phát triển nông nghiệp 4.0, theo ông Lê Văn Hùng, giảng viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam, thì cần phải chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn. Trong đó, công tác đào tạo nghề có vai trò quan trọng để làm chủ nông nghiệp 4.0 hoặc chuyển đổi nghề nghiệp, đáp ứng xu thế công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; nâng cao tinh thần khởi nghiệp cho nông dân. Các trường học cần nâng cao chất lượng đào tạo, dạy nghề, tạo nguồn nhân lực cho nông nghiệp phù hợp với bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0.
Nhấn mạnh bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và thích ứng với biến đổi khí hậu, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, ngành Nông nghiệp cần chú trọng vào giải pháp tăng cường liên kết chuỗi sản xuất và cung ứng, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm nông nghiệp song hành với công nghệ 4.0. Để phát triển nguồn nhân lực, cần chú trọng nâng cao trình độ cán bộ kỹ thuật, quản trị, chất lượng đào tạo đại học, cao đẳng, dạy nghề để cung ứng lực lượng lao động chất lượng cao.
Theo đó, các trường đại học cần đổi mới phương pháp đào tạo nghề, tập trung vào đào tạo năng lực thực hành, kỹ năng, kỹ thuật cốt lõi và các kỹ năng mềm cho học viên để thích ứng, phát huy trong môi trường công nghệ hiện đại.