Diễn viên, NSƯT Thanh Quý: Nội lực ẩn sau vẻ đẹp mong manh

HNM| 19/12/2021 16:46

Nhắc đến Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Thanh Quý, người ta thường nhắc đến những vai diễn có cá tính, mạnh mẽ gắn liền với những bộ phim điện ảnh như “Người đàn bà bị săn đuổi”, “Ngõ hẹp”, “Chuyện tình trong ngõ hẹp”... Nét tính cách ấy đã đem đến thành công cho sự nghiệp của nghệ sĩ Thanh Quý.

Diễn viên, NSƯT Thanh Quý: Nội lực ẩn sau vẻ đẹp mong manh
Nghệ sĩ ưu tú Thanh Quý.

1. “Không đời tư nhé! Trời ơi, mới hôm trước đọc trên mạng cái gì mà hai lần đò vẫn cô đơn. Người ta lại bảo bà này già rồi còn kể lể đời tư...”, vừa mở cổng nghệ sĩ Thanh Quý vừa “rào” trước với tôi như vậy cùng với một tràng cười giòn xua đi cảm giác tĩnh lặng trong căn nhà khá rộng rãi ở ngõ Quỳnh (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Rồi Thanh Quý kể chuyện chị vừa đi quay bộ phim “Thương ngày nắng về”: “Đây, vẫn nguyên bộ quần áo này, bây giờ chuyên làm bà rồi nên cứ ăn mặc đời thường như thế này mà vào phim thôi”.

Lặng đi một lúc rồi Thanh Quý trầm ngâm: “Chuyện đã qua! Thôi thì lỗi tại mình hết. Mình nhận hết đi. Cái chính là hiện tại sống thế nào”. “Vậy hiện tại chị thế nào? Có bao giờ cảm thấy cô đơn?”. “Không, tôi làm gì có thời gian mà buồn, mà nghĩ xem mình có đang cô đơn. Không đi quay thì đi cà phê với bạn bè, đến chiều thì cơm nước. Trước còn được bận chăm cháu ngoại, nhưng giờ muốn ôm nó một cái nó đẩy bà ra, bảo cháu lớn rồi”.

2. Khác với sự lãng mạn bay bổng của nghề diễn viên, cơ duyên đến với nghệ thuật điện ảnh của Thanh Quý đậm mùi “cơm áo gạo tiền”. Chị kể nhà có 8 anh chị em, gồm 4 trai, 4 gái. Chị là thứ tư. Chị gái trên chị cũng rất đẹp và múa giỏi nhưng gia đình không cho theo văn nghệ vì cho rằng “xướng ca vô loài”. Đến lượt Thanh Quý thì... “nhà đông con, chắc lúc đó các cụ không còn sức để nuôi ăn học nên thấy con về thông báo đi học, được Nhà nước nuôi, học xong được bố trí công ăn việc làm, thế là các cụ đồng ý luôn”.

Ngay sau khi tốt nghiệp lớp Diễn viên khóa II, Trường Điện ảnh Việt Nam (nay là Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội), Thanh Quý về công tác tại Hãng phim truyện Việt Nam (nay là Công ty TNHH MTV Hãng phim truyện Việt Nam) và được giao vai diễn đầu tiên: Cô thanh niên xung phong Vân trong “Chuyến xe bão táp” của hai đạo diễn Trần Vũ và Trần Phương. Vai diễn này giúp chị nhận được Bằng khen của Ban Giám khảo Liên hoan phim Việt Nam lần thứ IV, năm 1977. Hai năm sau, cũng vai Vân trong “Những người đã gặp” - được coi là phần tiếp theo của “Chuyến xe bão táp”, Thanh Quý tiếp tục được nhận Bằng khen của Ban Giám khảo Liên hoan phim Việt Nam lần thứ V. Từ đây, Thanh Quý liên tiếp đảm nhận vai nữ chính trong nhiều bộ phim truyện của Hãng như “Cha và con”, "Mảnh đời riêng", "Không có đường chân trời", "Người đàn bà bị săn đuổi", "Ngõ hẹp", "Chuyện tình trong ngõ hẹp"...

Gương mặt đẹp nổi bật, đôi mắt to tròn cá tính, Thanh Quý rất thành công khi vào vai nhân vật nữ sắc sảo, mạnh mẽ và quyết liệt trong suy nghĩ cũng như cách hành xử. Đặc biệt, chị có duyên với vai nữ thanh niên xung phong trong các bộ phim đề tài hậu chiến. Vốn đã nếm trải bao gian khó từ trong chiến trường, những nữ thanh niên xung phong khi trở về và hòa nhập vào cuộc sống đời thường, dĩ nhiên họ không yếu mềm hay bàng quan trước những bất công ngang trái, không thụ động trong hành trình kiếm tìm hạnh phúc của riêng mình... Đó là những nét tính cách tiêu biểu của các nhân vật nữ chính mà Thanh Quý hóa thân trong các phim “Chuyến xe bão táp”, “Những người đã gặp”, “Không có đường chân trời”...

Có thể nói, những nhân vật nữ mạnh mẽ, quyết liệt như Ngân Hà trong “Tình yêu và khoảng cách”, Nga trong “Không có đường chân trời", người đàn bà cụt một chân trong “Chuyện tình bên dòng sông”, Sinh trong “Chuyện tình trong ngõ hẹp”... dường như có nét gì đó giống với con người Thanh Quý đời thường - thẳng thắn và dứt khoát. “Mọi người đánh giá tôi đã thành công với những vai diễn trong điện ảnh trước đây. Điều đó khiến tôi rất vui và cảm kích, nhưng bản thân tôi cho rằng mọi thứ vẫn đang ở phía trước, chưa thể khẳng định được điều gì. Tôi không tiếc nuối quá khứ, cũng không bao giờ hoài niệm mãi về ngày xưa để rồi so sánh bây giờ thế này, thế kia. Tôi chỉ nghĩ, đạo diễn thấy diễn viên hợp vai là họ mời thôi. Về phần tôi, tôi thấy thích vai đó và công việc riêng không bị ảnh hưởng thì tôi đi... Nói chung tất cả là do một chữ duyên. Tôi cũng không có bí quyết gì ghê gớm lắm, tất cả đều là kiến thức cơ bản được học ở trường. Chẳng hạn như trước mỗi bộ phim cần phải đọc kịch bản để hiểu được hồn của nhân vật, hiểu được tinh thần của nhân vật. Trong cuộc sống mình nhặt nhạnh những cái mà mình thấy gần gũi với nhân vật, sau đó áp dụng vào. Đặc biệt, khi làm việc rất cần sự thăng hoa. Nếu nắm được hồn của nhân vật thì sẽ có sự thăng hoa trên phim trường, còn nếu không thì mình sẽ bị chông chênh. Mỗi người đều có một cách riêng để tiếp cận nhân vật”.

3. Khi làm mẹ, rồi lên chức bà, đó cũng là lúc nghệ sĩ Thanh Quý "đắt sô" với các vai người mẹ, người bà trong nhiều bộ phim truyền hình đình đám như: “Mùa lá rụng”, “Chuyện phố phường”, “Người phán xử”, “Nàng dâu order”, “Hoa hồng trên ngực trái”, “Lựa chọn số phận”... và mới nhất là “Thương ngày nắng về”...

Hơn hai thập niên qua, số lượng phim truyền hình mà Thanh Quý tham gia đã lên đến con số vài chục. Đa phần các vai diễn trên truyền hình của Thanh Quý đều là những người phụ nữ có vẻ ngoài sang trọng, đài các, khác hoàn toàn với Thanh Quý đời thường giản dị. Chị hiện sống cùng con gái và cháu ngoại trong ngôi nhà khá rộng ở ngõ Quỳnh, vẫn phóng xe máy đi đóng phim, chiều đến nấu cơm đợi con cháu về... “Chỉ là mấy món giản dị vì nhu cầu chỉ có thế. Tôi không thích bày vẽ. Hằng ngày là như vậy, còn Tết thì về quê ở Bưởi ăn chung với cả nhà”, Thanh Quý bộc bạch.

Thế nhưng, nói chuyện hồi lâu tôi nhận ra đằng sau vẻ giản dị, hiền hòa ấy lại là một Thanh Quý vô cùng mạnh mẽ, cá tính. Một Thanh Quý trải qua những thăng trầm của cuộc sống, trải qua những khoảnh khắc gần như tận cùng của sự vất vả, truân chuyên, thậm chí khi đang có bầu mà chỉ muốn nhảy từ trên gác xuống tự tử. Thế mà chị vẫn vững vàng vượt qua. “Sau khi sinh không có đủ sữa cho con mà con lại không chịu uống sữa ngoài, thế là tôi nhiều đêm phải thức trắng, tóc dựng đứng, mắt cay xè... Phải nói là vô cùng khổ sở. Không có kiến thức cho tất cả những chuyện đó. Không biết mình bị bệnh. Không nói được với ai. Nhưng may mà không biết nên mới còn sống đến giờ” - chị kể.

Những câu chuyện vụn vặt cứ thế nối tiếp cho đến khi cả hai dừng lại ở một bức ảnh của chị với đôi mắt to tròn, trong vắt. Thấy tôi trầm trồ, chị cười: "Ừ, nhưng để làm gì? Để chứa nước mắt. Đúng đấy!". Và Thanh Quý lại cười. Nụ cười của người đàn bà đẹp không chút gượng gạo, mang cảm giác thoải mái của con người tự do tĩnh tại sau khi đã đi qua những giông bão của cuộc đời.

NSƯT Thanh Quý tên thật là Vũ Thị Quý, sinh năm 1958 tại làng Yên Thái - Bưởi, Hà Nội. Chị học lớp Diễn viên khóa II Trường Điện ảnh Việt Nam (1973 - 1977) cùng với các diễn viên Bùi Bài Bình, Vũ Đình Thân, Phương Thanh...

Một số vai diễn tiêu biểu: Thi ("Cây xương rồng trên cát"), Nga ("Không có đường chân trời"), Gái ("Người đàn bà bị săn đuổi"), Bích ("Thời hiện tại"), May ("Ai gọi tôi trên đồng cỏ"), Loan ("Ngõ hẹp"), Sinh ("Ngõ đàn bà", sau đổi tên thành "Chuyện tình trong ngõ hẹp"), Cô giáo ("Dòng sông cười"), Chi ("Phút 89")... và một số vai phụ trong các phim “Chuyện tình bên dòng sông”, “Cách sống của tôi”, “Những con đường”, “Người đi tìm dĩ vãng”...

(0) Bình luận
  • Xây dựng người Hoàn Kiếm hiện đại, thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện
    Để cụ thể hóa Chỉ thị số 30-CT/TU, Ban Thường vụ Quận ủy Hoàn Kiếm đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch của Quận ủy để tổ chức triển khai thực hiện, đồng thời, tập trung quán triệt, tuyên truyền việc thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TU trong các cấp ủy Đảng, MTTQ, tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trong toàn quận.
  • Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh phù hợp với bối cảnh mới
    Trong nhiều năm qua, thành phố Hà Nội đã tập trung, ưu tiên nhiều nguồn lực cho phát triển văn hoá, góp phần “xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” theo các Chỉ thị, Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương cũng như của Thành phố.
  • Hướng đến xây dựng Thị xã Sơn Tây thành đô thị văn hóa lịch sử của Thủ đô Hà Nội
    Sáng 22/11, Đoàn kiểm tra số 2 của Thành ủy, do đồng chí Nguyễn Doãn Toản, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình, chủ trì kiểm tra việc triển khai, thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU ngày 17/3/2024 của Thành ủy về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 - 2025” của Đảng bộ thị xã Sơn Tây.
  • Huyện Thanh Oai: Đẩy mạnh triển khai Chỉ thị 30-CT/TU với tuyên truyền các Quy tắc ứng xử
    Huyện Thanh Oai đề cao và phát huy vai trò cá nhân của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trong nhiệm vụ xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; vai trò trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng, mỗi gia đình trong xây dựng và giữ gìn môi trường văn hóa lành mạnh.
  • Niềm tự hào của xứ Mường huyện Ba Vì trong xây dựng nông thôn mới
    Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh vừa ban hành Quyết định công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao đợt 1 năm 2024, trong đó có xã Minh Quang (huyện Ba Vì) – địa phương miền núi có tới hơn 40% là đồng bào dân tộc Mường.
  • Tăng cường xây dựng người Ba Đình văn minh, thanh lịch, nghiêm túc, nghĩa tình
    Quận ủy Ba Đình đã tổ chức Hội nghị học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh chuyên đề năm 2024 về “Phát huy giá trị văn hóa truyền thống”; triển khai Kế hoạch của Ban Thường vụ Quận uỷ về triển khai thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TU ngày 19/2/2024 của Thành uỷ Hà Nội “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”; phát động cuộc thi chính luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lần thứ 4.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Ra mắt sách “100 năm văn học quốc ngữ xứ Huế (1920 – 2020) - Một góc nhìn”
    Nhà phê bình văn học Phạm Phú Phong cùng các cộng sự giới thiệu và ra mắt sách “100 năm văn học quốc ngữ xứ Huế (1920 – 2020) - Một góc nhìn” tại TP Huế.
  • “Chân mây” - những vẻ đẹp dung dị của cuộc sống
    Nguyễn Linh Khiếu, thời gian qua đã khẳng định là một nhà thơ đương đại khác biệt. Ở văn xuôi, với tùy văn, ông cũng đang từng bước khai mở một con đường riêng. Với ba tập tùy văn “Beijing lá phong vàng” (2018), “Hoa khởi trinh” (2024) và “Chân mây” (2024), Nguyễn Linh Khiếu đã hé lộ cảm quan nhân sinh và cả tình yêu cuộc sống.
  • [Podcast] Thành Cổ Loa – Tòa thành cổ độc đáo lớn nhất Việt Nam
    Di tích quốc gia đặc biệt Cổ Loa không chỉ được biết đến với sự hình thành Nhà nước Âu Lạc (khoảng từ năm 208 - 179 trước Công nguyên) mà còn là nơi hội tụ ba hệ giá trị: Lịch sử - sinh thái - nhân văn đặc sắc, tạo nên những giá trị độc đáo hiếm có: Từ truyền thuyết về một thời kỳ dựng nước sơ khai đến những bằng chứng vật chất về một tòa thành độc đáo, cổ nhất Việt Nam và vùng Đông Nam Á hay cả câu chuyện tình bi ai của đôi trai gái và nỗi niềm day dứt không nguôi của bao bậc hiền minh khi suy tư về phép đối nhân xử thế giữa con người với con người, giữa quốc gia với với quốc gia.
  • 6 nhiệm vụ phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố Hà Nội năm 2025
    Nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp, mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đã ký ban hành Kế hoạch 320/KH-UBND về thực hiện đề án phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực TP. Hà Nội năm 2025. Đề án đặt ra 6 nhiệm vụ phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố Hà Nội năm 2025.
  • [Inforgraphic] 5 định hướng trọng tâm về cải cách hành chính
    Kết luận Hội nghị giao ban Ban chỉ đạo Cải cách hành chính, Chuyển đổi số và thực hiện Đề án 06 tháng 11/2024. Ban chỉ đạo Thành phố Hà Nội đã nhấn mạnh 5 định hướng về cải cách hành chính, chuyển đổi số và thực hiện Đề án 06 thời gian tới.
Đừng bỏ lỡ
Diễn viên, NSƯT Thanh Quý: Nội lực ẩn sau vẻ đẹp mong manh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO