Cổng vào khu di tích Bạch Đằng Giang
Quảng trường Khu di tích Bạch Đằng Giang, huyện Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng
Kể từ khi hoàn thành đến nay, Di tích Bạch Đằng Giang trở thành khu du lịch văn hóa tâm linh đặc sắc, điểm đến hấp dẫn đối với du khách thập phương cũng như các hoạt động dạy – học trải nghiệm của thầy và trò các trường trên địa bàn thành phố và các tỉnh trong cả nước.
Nét đặc sắc, hấp dẫn của di tích Bạch Đằng Giang không chỉ ở chỗ nơi đây từng diễn ra các trận đánh trong lịch sử, lưu giữ những hiện vật có thật - những chiếc cọc gỗ đầu bịt sắt, nơi thờ 3 vị anh hùng dân tộc gắn với 3 trận chiến thắng oai hùng trên sông Bạch Đằng (Đức vương Ngô Quyền với Chiến thắng Bạch Đằng lần thứ nhất năm 938; Hoàng đế Lê Đại Hành với Chiến thắng Bạch Đằng lần thứ hai năm 981 và Hưng đạo đại vương Trần Quốc Tuấn với Chiến thắng Bạch Đằng lần thứ ba năm 1288).
Sức hấp dẫn đối với du khách còn ở chỗ: Trái ngược với những hình ảnh phản cảm của một số di tích, lễ hội mà báo chí đã nêu (tình trạng cờ bạc trá hình, cảnh lộn xộn trong kinh doanh các dịch vụ...), thì tại nơi đây khách thăm quan và các em học sinh đến học tập trải nghiệm thực sự yên tâm bởi những quy định và việc thực hiện nghiêm túc các quy định của Ban tổ chức Khu Di tích chứ không đơn thuần chỉ là những bảng, biểu ghi nội quy, quy định.
Mô hình bãi cọc trên sông Bạch Đằng
Theo quan sát của phóng viên, từ ngoài vào du khách đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Ngay cổng vào, đội ngũ trông xe – bảo vệ với cung cách, thái độ phục vụ nhẹ nhàng, lịch sự, hướng dẫn tỉ mỉ chỗ để xe cho du khách. Cạnh khu gửi xe là Nhà đón tiếp rộng rãi, thoáng mát, có 2 màn máy chiếu cho du khách quan sát, có nước chè xanh, nước lọc miễn phí, hệ thống bàn ghế sang trọng, đầy đủ, khu vệ sinh sạch sẽ thơm tho.
Từ cổng vào đến hết khu di tích khoảng hơn 2km, nhưng tuyệt nhiên không có bất kỳ một hàng quán, trò chơi, các hình thức cờ bạc, mê tín nào, hai bên đường sạch sẽ không hề có rác bẩn, một không khí trang nghiêm đúng nghĩa của một lễ hội.
Buổi học ngoại khóa cho học sinh tại khu di tích
Anh Nam, một du khách ở Hà Nội cho biết: “Tôi đi rất nhiều lễ hội, nhưng tôi chưa thấy một nơi nào lại như nơi đây, tuyệt nhiên không thu phí gửi xe, phí thăm quan, không có hiện tượng bán hàng chèo kéo khách, không cờ bạc mê tín dị đoan”
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Mạnh Hà – Ban Quản lý khu di tích cho biết: “Chúng tôi có tôn chỉ là phục vụ bà con, du khách thập phương đến dâng hương tại đây với tôn chỉ ba không: Thứ nhất là không thương mại, không buôn bán hàng quán tại khu di tích; thứ hai là chúng tôi không thu bất kỳ một loại phí nào khi du khách vào thăm quan cũng như phí gửi xe; thứ ba là không rác thải, khu di tích luôn luôn được vệ sinh, dọn dẹp sạch sẽ”.
Du lịch học tập trải nghiệm
Không gian nhà khách tại khu di tích
“Chúng em rất vui khi được nhà trường tổ chức cho đi học tập trải nghiệm tại Khu Di tích Bạch Đằng Giang. Tại đây chúng em được trực tiếp mô tả các trận đánh của các vị anh hùng dân tộc, được thắp hương tưởng nhớ họ, được quan sát bãi cọc, trên sông Bạch Đằng. Với em đây là một chuyến đi thực sự ý nghĩa” – em Vũ Thị Phương Oanh trường THCS Liên Am, Vĩnh Bảo cho biết.
Nhà đón tiếp khu di tích Bạch Đằng Giang
Trong bối cảnh không ít lễ hội, di tích hiện nay có hiện tượng biến thái, kinh doanh trục lợi, cờ bạc trá hình, “buôn thần bán thánh”, thì hình ảnh về một điểm du lịch tâm linh – học tập trải nghiệm ở Di tích Bạch Đằng Giang (Thủy Nguyên, Hải Phòng) đã, đang gây tiếng vang đáng được trân trọng và cần được nhân rộng, qua đó góp phần tô thắm thêm nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam.