Là một trong những bạn trẻ có gu thời trang theo trào lưu, Đỗ Thùy Linh (nhân viên Phòng Truyền thông của Công ty Le Bros) cho biết: "Tôi thường lựa chọn hai thương hiệu H&M, Zara và một số thời trang cao cấp của Việt Nam như Up to Seconds, LIBÉ… Sở dĩ tôi thích hàng của H&M và Zara vì thiết kế đơn giản, nhưng vẫn rất đẹp và phong cách".
Sản phẩm của Tổng công ty May 10 luôn bảo đảm chất lượng và được người tiêu dùng Việt Nam ưa chuộng. Ảnh: Bá Hoạt
Thị trường Việt Nam với hơn 90 triệu dân, trong đó dân số trẻ chiếm tỷ lệ lớn, từ lâu đã được coi là “mảnh đất màu mỡ” đối với các “ông lớn” trong lĩnh vực thời trang như Zara, H&M, Uniqlo... Cụ thể, từ khi gia nhập thị trường Việt Nam vào tháng 9-2016 đến nay, doanh thu của Zara Việt Nam đã không ngừng tăng cao, trung bình đạt doanh thu 2,8 tỷ đồng/ngày.
Tương tự, hãng thời trang H&M có trụ sở đặt tại Thụy Ðiển đã chính thức ra mắt thị trường Việt Nam vào tháng 9-2017. Sau gần 2 năm kinh doanh tại Việt Nam, H&M đã có 6 cửa hàng đặt tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Không tiết lộ chi tiết về kết quả kinh doanh tại Việt Nam, nhưng ông Fredrik Famm, Giám đốc điều hành H&M khu vực Đông Nam Á vẫn đánh giá: “Việt Nam là thị trường hấp dẫn, đầy tiềm năng và đây là thời điểm tốt nhất để chúng tôi đưa Việt Nam trở thành thị trường thứ 68 của đại gia đình H&M toàn cầu”.
Sau Zara và H&M, sự kiện Uniqlo khai trương cửa hàng đầu tiên ở Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh vào đầu năm 2019, đã cho thấy sức hấp dẫn của thời trang "ngoại" đối với các tín đồ thời trang Việt. Nhận định về sự cạnh tranh giữa hàng may mặc trong nước với các thương hiệu thời trang nước ngoài, ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam phân tích, các doanh nghiệp may mặc cần tính toán kỹ để có những bước đi thích hợp, phù hợp năng lực hệ thống phân phối. Nếu cứ thấy doanh nghiệp "ngoại" làm được, chúng ta cũng đầu tư, phát triển ồ ạt thì sẽ không mang lại hiệu quả.
Trong khi các doanh nghiệp "nội" muốn mở được một cửa hàng sẽ tốn kém đủ thứ từ tiền thuê hạ tầng, chi phí đào tạo, thiết kế…, thì các doanh nghiệp "ngoại" có thế mạnh về tài chính, nguồn nhân lực, phương thức quản trị hiện đại…
Việc mở một vài điểm phân phối mới ở Việt Nam cũng không làm phát sinh thêm bộ máy thiết kế, mà chỉ mất tiền thuê cửa hàng, nhân lực bán. Vì vậy, họ sẵn sàng bán với giá thấp để đạt được mục tiêu người tiêu dùng quen và nhớ tới sản phẩm của hãng. “Thị trường trong nước rất quan trọng, nhưng chúng ta không thể vì phát triển ồ ạt khiến hàng sản xuất không bảo đảm. Lúc đó, rất dễ mất uy tín, mất khách hàng” - ông Lê Tiến Trường lưu ý.
Doanh nghiệp "nội" nhập cuộc
Không chịu lép vế trước cuộc chơi, đặc biệt với vị thế là một trong những quốc gia hàng đầu về làm hàng dệt may xuất khẩu, thời gian qua, các doanh nghiệp dệt may trong nước đã không ngừng đầu tư trang thiết bị, cải tiến mẫu mã nhằm gia tăng thị phần, nâng cao hiệu quả hoạt động.
Ðến nay, đã có những thương hiệu dệt may được người tiêu dùng trong, ngoài nước đón nhận như: May 10, Việt Tiến… Ðánh giá về vấn đề này, ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 khẳng định: "Thị trường thời trang Việt Nam đang có những bước chuyển mình tích cực, không chỉ thể hiện bằng những bước đột phá trong thiết kế, mà cả trong tư duy thời trang của khách hàng. Việc các hãng thời trang nước ngoài như H&M, Zara, Uniqlo mở rộng ảnh hưởng và từng bước tiếp cận thị trường Việt Nam là dịp để các doanh nghiệp dệt may trong nước nhìn nhận, đánh giá vấn đề một cách khoa học dựa trên phản ứng của thị trường đối với các nhãn hiệu này. Từ đó, các doanh nghiệp có những điều chỉnh phù hợp cả về chiến lược sản phẩm, cách thức tiếp cận và phục vụ khách hàng".
Trước những vấn đề đặt ra đối với việc đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước thời gian tới, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, ngành Dệt may Việt Nam đang từng bước nâng tỷ lệ nội địa hóa. Ðồng thời, chủ động được chiến lược phát triển, kêu gọi đầu tư từ các doanh nghiệp dệt trong nước và các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào phần cung mà Việt Nam đang thiếu hụt.
Mặt khác, đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn lực để đáp ứng cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, dây chuyền sản xuất từ sợi, dệt nhuộm, may… nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của ngành thời trang trong nước, quốc tế.
Theo ông Lê Tiến Trường, Tập đoàn đã, đang tiếp tục hưởng ứng cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" bằng những hành động thiết thực. Không chỉ kêu gọi các đơn vị thành viên cùng tham gia hưởng ứng, có những chiến lược lâu dài tại thị trường nội địa, Tập đoàn còn trực tiếp ký kết với các tập đoàn, tổng công ty trong việc hỗ trợ, sử dụng các sản phẩm của nhau.
Tuy nhiên, để các sản phẩm dệt may thật sự có chỗ đứng vững chắc trong lòng người tiêu dùng Việt, rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của các bộ, ngành có liên quan. Ðặc biệt, là việc tháo gỡ khó khăn trong các thủ tục xuất nhập khẩu, cũng như các quy định của pháp luật đang là rào cản đối với sự phát triển của ngành như cần giảm bớt thủ tục hành chính, quy định rườm rà về đấu thầu để các doanh nghiệp dễ kết nối, sử dụng sản phẩm của nhau…