Đau đầu Tết ở nhà nội hay về nhà ngoại

Phương Nghi/giadinh (t/h)| 03/02/2019 22:51

Với quan niệm truyền thống đã có từ lâu “lấy chồng phải theo chồng” đã ăn sâu vào suy nghĩ của nhiều người dân Việt, có rất nhiều người phụ nữ vẫn phải lặng lẽ giấu những nỗi buồn, nỗi nhớ về cái Tết trong vòng tay cha mẹ...

Nhưng, để có một điều ước thì bất cứ ai cũng đều mong vào một ngày gần nhất họ được trở về đón một cái Tết đầm ấm, trọn vẹn bên người thân ruột thịt.

Chị Võ Thị Xuân, ngụ quận 6, TP.HCM tâm sự: “Quê tôi ở Kon Tum, chồng lại ở Phú Yên, vợ chồng tôi làm ăn ở Sài Gòn. Nhớ năm đầu tiên lấy nhau về, không lường trước được việc ăn Tết bên nào lại phức tạp như vậy nên vợ chồng tôi giận nhau to và quyết định ở lại thành phố. Cuối cùng giáp Tết buồn và nhớ quê quá nên tự mỗi người đón xe về quê ăn Tết”.

Mặc dù mới lấy chồng 2 năm nhưng chị Vũ Thảo Linh (Hưng Yên) cũng tâm sự rằng: “2 năm tôi đi lấy chồng thì cũng là 2 năm tôi chưa được đón Tết cùng mẹ, thực sự cũng rất nhớ nhà và muốn về nhà đón Tết cùng mẹ. Thế nhưng, tôi cũng chỉ có thể về thăm mẹ khi đã lo xong việc bên nhà nội”.

Không những thế, chỉ riêng với nhiều gia đình, Tết nội hay Tết ngoại đã trở thành một "trận chiến" đối với nhiều gia đình.

Anh Hồng Anh (Thạch Thất, Hà Nội) than thở, quê anh và nhà vợ chỉ cách nhau gần 40 km. Nhà ngoại ở trung tâm Hà Nội và suốt 3 Tết rồi, vợ anh luôn muốn ở lại đón giao thừa tại Thủ đô, mùng một mới về quê chồng.

"Mình đã chiều vợ mấy năm rồi, cũng phân tích cho cô ấy hiểu như vậy là làm khó chồng. Năm nào mùng một thì gia đình các chị em gái, anh trai cũng tập trung ở nhà mình ăn uống rồi đi chúc Tết. Mọi năm, khi mọi người đã đến đông đủ, hai vợ chồng mình mới vác mặt về, bố mẹ không hài lòng, cả nhà cũng nói ra nói vào mãi", anh Bách kể.

Năm nay, nghĩ vợ đã hiểu chuyện và tự động cùng chồng về quê ngay sau ngày được nghỉ Tết nên khi nghe chị bày tỏ ý định ở lại đêm giao thừa nhà bố mẹ đẻ, anh đã vô cùng tức giận. "Cô ấy thực sự không biết điều. Từ mấy hôm nay tôi không thèm nói với vợ câu nào", anh nói.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Ngày nay, nhiều phụ nữ hiện đại không muốn sống chung với nhà chồng. Bởi họ cho rằng hôn nhân là việc của hai người cảm thấy yêu thương, hòa hợp muốn gắn bó xây dựng tổ ấm riêng, chứ không phải rước dâu về để có thêm người hầu hạ. Tuy nhiên, Tết vui vầy cùng cha mẹ, anh chị em vốn là truyền thống lâu đời của người Việt, và bên nào cũng muốn được ăn Tết cùng gia đình, do đó cần thiết phải bàn bạc, đưa ra một giải pháp chung nhất để tránh tranh cãi.

Chuyên gia tâm lý Trần Thị Ngọc Lan trả lời trên một trang báo: “Hôn nhân ngoài tình yêu còn là trách nhiệm, việc về nhà chồng, hay nhà vợ ăn Tết là trách nhiệm của cả hai bên chứ không riêng gì phụ nữ phải chịu thiệt thòi. Thế nên, dẫu hoàn cảnh thế nào, thì vợ và chồng cũng nên chia đều khoảng thời gian nghỉ Tết của mình để vui vầy bên cha mẹ người thân”.

Nhiều gia đình chọn cách một năm ăn Tết quê chồng, một năm ăn Tết quê vợ. Những gia đình gần nhau thì thống nhất chia đôi ngày nghỉ, một nửa bên ngoại, một nửa bên nội, hay ai về nhà nấy… Chuyên gia tâm lý Ngọc Lan cho biết thêm: “Dù có dùng cách nào đi chăng nữa, cũng là thỏa thuận của cả hai bên, để cả vợ và chồng đều hài lòng vừa ý. Và một khi đã thống nhất giải pháp, thì cùng nhau thực hiện. Đừng tùy hứng, hơn thua để xảy ra tranh cãi mà dịp Tết mỗi năm mới có một lần lại mất vui”.

Ai cũng có cha mẹ, quê xứ, đó là thứ tình cảm thiêng liêng của mỗi người mà đối phương phải tôn trọng. Cần bình tĩnh nhường nhịn, nghĩ một chút cho nhau thì Tết sẽ đầm ấm yên vui cho cả hai bên nội ngoại.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Đau đầu Tết ở nhà nội hay về nhà ngoại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO