Dấu ấn thời Hùng Vương phồn thịnh ở Hà Nội

Theo thanhnien.vn | 08/08/2019 08:08

Theo PGS-TS Tống Trung Tín, sự chuyển dời trung tâm đất nước từ Việt Trì - Bạch Hạc về Cổ Loa đã biến khu vực này thành trung tâm kinh tế phồn thịnh và đánh dấu chuyển dịch của người Việt cổ trong việc chinh phục đồng bằng châu thổ Bắc bộ.

Dấu ấn thời Hùng Vương phồn thịnh ở Hà Nội
Kỹ thuật đắp thành Cổ Loa rất được các nhà khảo cổ học nước ngoài quan tâm nghiên cứu
Ảnh: Ngữ Thiên
PGS-TS Tống Trung Tín có nhiều câu chuyện khảo cổ học để trình bày trong hội thảo “Phát huy giá trị văn hóa thời đại Hùng Vương trên đất Thăng Long” sáng 6.8 tại Hà Nội. Ông nói nhiều đến thời kỳ văn hóa Đông Sơn: “Từ việc nghiên cứu các di tích văn hóa Đông Sơn ở Hà Nội, có thể thấy Hà Nội trong thời kỳ văn hóa Đông Sơn đóng vai trò hết sức quan trọng trong tiến trình phát triển thời các vua Hùng, vua Thục”.

Nông nghiệp phát triển, bếp núc đa dạng

Ông Tín cho biết thời văn hóa Đông Sơn nông nghiệp đã đi vào thâm canh và là nguồn cung cấp lương thực chủ yếu của xã hội. Miền đất Hà Nội thời kỳ đó về cơ bản đã được định hình gần như ngày nay. Dấu tích hàng loạt xương trâu bò tìm thấy ở Đồng Vông, Đình Tràng, gò Chùa Thông, theo các nhà cổ sinh học, đều là những con vật đã được thuần dưỡng. “Đó là chứng cứ của nền nông nghiệp dùng cày có sức kéo của trâu bò ở Hà Nội ngay từ thời đại đồng và sắt sớm”, ông Tín nói. Ông Tín còn nói về sự tồn tại phong phú của đồ gốm cỡ lớn và hàng vạn mảnh gốm ken dày trong tầng văn hóa, những thạp, thố, bình, chậu đồng… Chúng là những đồ đựng bằng đồng lớn phục vụ định cư lâu dài. Cũng thời kỳ này, trên mặt trống đồng Ngọc Hà, Cổ Loa 1 trang trí hình mặt trời nhiều tia, có người gọi là ngôi sao. Đó là hình ảnh về tín ngưỡng tôn giáo của cư dân nông nghiệp.
Chuyện bếp núc của cư dân thời Hùng Vương cũng rất đa dạng, theo phân tích của ông Tín. “Trong các đống rác bếp ở gò Chùa Thông, Đình Tràng đều tìm thấy xương chó nhà. Con vật này đã được thợ săn của thời đại đá thuần dưỡng, trở thành trợ thủ cho các phường săn. Tượng gà ở gò Chùa Thông cho thấy rõ sự có mặt của gà trong cuộc sống hằng ngày của người Đông Sơn ở Hà Nội”, ông nói. Bên cạnh đó, các dấu tích hạt trám trong bếp ở Đình Tràng, Đường Mây còn cho thấy rừng ở sát đó. Đánh cá tuy ở hàng thứ yếu nhưng cũng góp vào nguồn thực phẩm.
Dấu ấn thời Hùng Vương phồn thịnh ở Hà Nội

Mũi tên đồng Cổ Loa trưng bày ở Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Ảnh: Ngọc Thắng

Phòng thủ vững chãi
Theo PGS-TS Tống Trung Tín, Hà Nội thời đó với trung tâm Cổ Loa là một trong những trung tâm đúc đồng lớn nhất nước ta thời đó. “Ở Đền thượng Cổ Loa đã tìm thấy các lò đúc đồng và rất nhiều khuôn đúc mũi tên. Các lò này đã sản xuất hàng vạn mũi tên đồng Cầu Vực, làm nên truyền thuyết nỏ thần An Dương Vương. Chắc chắn đây là một dạng “quan xưởng” của nước Âu Lạc”, ông Tín phân tích.
Ông Tín cũng nhắc tới việc khai quật khảo cổ học ở Đình Tràng, Cổ Loa. Tại đây đã tìm thấy dấu tích một công xưởng đúc đồng lớn khác. “Trong diện tích 300 m2 đã phát hiện tới 45 dấu tích lò đúc đồng. Tất cả cho thấy sự thành thục của người Hà Nội xưa trong việc làm chủ kỹ nghệ này. Một khuôn đúc lưỡi đục bằng đá cát đã tìm thấy ở đây”, ông nói. Nhiều dụng cụ nấu, luyện đúc hiện vật đồng thau và sửa chữa hiện vật sau khi đúc cũng xuất hiện trong di chỉ tiền Đông Sơn và Đông Sơn ở Cổ Loa.
Theo ông Tín, không chỉ đúc đồng, nghề mộc cũng khá phát triển. Cư dân Hùng Vương tại địa bàn mà giờ là Hà Nội có thể dựng nhà cửa, đóng thuyền mảng, đồ dùng sinh hoạt bằng gỗ… Hình khắc trên trống đồng và các loại đục đồng cho thấy kỹ thuật mộng gỗ đã được dùng phổ biến. Chưa kể, mộ thuyền Nguyệt Áng, Sông Tô cho thấy sự phát triển của nghề mộc.

Trung tâm tín ngưỡng

Hội thảo không chỉ nói đến các di chỉ khảo cổ, hiện vật khảo cổ mà còn đề cập các giá trị văn hóa phi vật thể của thời Hùng Vương tại khu vực nay là Hà Nội. PGS-TS Nguyễn Đức Nhuệ (Viện Sử học) cho biết trên đất Hà Nội có hai trung tâm tín ngưỡng dân gian in đậm dấu ấn thời dựng nước là thần điện Ba Vì - Tản Viên với câu chuyện về Thánh Gióng. “Từ huyền thoại, câu chuyện dần dần được tái hiện và hoàn thiện bằng Lễ hội Gióng, một lễ hội mang tính bài bản, cộng đồng rộng lớn nhất của cư dân vùng châu thổ sông Hồng”, ông Nhuệ cho biết.
Tư liệu hội thảo cho thấy, ở các làng, xã thuộc Hà Nội ngày nay, ngoài thờ phụng Tản Viên và Phù Đổng, người dân còn phụng thờ nhiều vị thần liên quan đến thời Hùng Vương. Họ được coi là những anh hùng văn hóa thời dựng nước, được thờ tại các đình làng hay trong các thần điện. Theo thống kê của công trình Hà Nội - danh thắng và di tích (TS Lưu Minh Trị chủ biên) thì trên địa bàn Hà Nội ngày nay có 586 di tích đình, đền, miếu, nghè, quán. Trong đó có 137 di tích thờ phụng các vị thần thời Hùng Vương, chiếm tỷ lệ 23%.
Chính vì thế, theo ông Tín, muốn phát huy giá trị di tích Hùng Vương trên đất Thăng Long, cần có quy hoạch khảo cổ để các di sản không bị xâm lấn. Đồng thời cũng cần có hoạt động khảo cổ học cộng đồng để người dân cùng hiểu và cùng tham gia bảo tồn di sản khảo cổ.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Khám phá Tây Bắc tại triển lãm "Tây Park - Ngàn"
    Triển lãm thị giác "Tây Park - Ngàn" được thực hiện dựa trên quá trình 10 năm đi và trải nghiệm tại Tây Bắc (Việt Nam) kết hợp sáng tạo nhiếp ảnh của Nguyễn Thanh Tuấn.
  • Khúc ca tình mẫu tử khi đối thoại với thời gian
    Bài thơ “Mẹ” của Đỗ Trung Lai thuộc đề tài quen thuộc nhưng luôn mang sức gợi lớn: đề tài người mẹ. Bài thơ được chọn vào sách giáo khoa Ngữ văn 7 (tập 1, bộ Cánh diều). Xuyên suốt bài thơ là bóng dáng vất vả, tảo tần của người mẹ gắn liền với tình cảm thiêng liêng, sâu đậm mà người con dành cho mẹ. Bằng nét bút tinh tế và nghệ thuật biểu đạt đầy sáng tạo, bài thơ tựa như một khúc ru trầm, nhẹ nhàng mà da diết, chạm đến từng góc khuất trong tâm hồn người đọc.
  • Hà Nội thông qua Nghị quyết quản lý công trình kiến trúc có giá trị và công trình, hạng mục công trình hạ tầng văn hóa, thể thao
    Tại Kỳ họp 19 (kỳ họp chuyên đề) ngày 19/11 của HĐND Thành phố Hà Nội, UBND Thành phố đã trình Dự thảo quy định việc nhượng quyền khai thác, quản lý công trình kiến trúc có giá trị và công trình, hạng mục công trình hạ tầng văn hóa, thể thao thuộc phạm vi quản lý của thành phố (thực hiện điểm a, b khoản 4 Điều 41 Luật Thủ đô). HĐND Thành phố đã xem xét và thông qua Nghị quyết về nội dung này.
  • Hà Nội phê duyệt đề án vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng năng lượng xanh
    UBND TP Hà Nội vừa có Quyết định số 6004/QD-UBND về việc, phê duyệt “Đề án phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn Thành phố”.
  • Trường THCS Xuân La: Viết tiếp trang sử vàng truyền thống
    Hòa chung không khí hân hoan của cả nước chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, ngày 20/11, Trường THCS Xuân La (Tây Hồ, Hà Nội) long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam và tuyên dương tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác giảng dạy năm học 2024.
Đừng bỏ lỡ
Dấu ấn thời Hùng Vương phồn thịnh ở Hà Nội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO