Thế giới điện ảnh

"Đào, phở và piano" đã được chiếu tại 11 tỉnh, thành phố nhưng vẫn "cháy vé"

Việt Thương (T/h) 05:18 25/02/2024

Phim "Đào, phở và piano" đã trở thành hiện tượng đặc biệt của điện ảnh Việt Nam mấy ngày qua khi khán giả chen chúc mua vé đi xem. Không chỉ sốt vé ở Hà Nội mà khi vào TPHCM và một số tỉnh thành, phim vẫn được khán giả quan tâm, mong ngóng.

hn3-16781686766702139319988-1678235397504-1678235397564344810169.jpg
Bộ phim "Đào, Phở và Piano"- câu chuyện về quân và dân Hà Nội ngày cuối cùng trước khi rút lên chiến khu Việt Bắc, bước vào những ngày Toàn quốc kháng chiến

Hiện tại, có 11 tỉnh, thành phố đã công bố việc chiếu bộ phim, gồm: Thái Nguyên, Bắc Giang, Thanh Hóa, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Biên Hòa, Bình Dương, Bà Rịa Vũng Tàu, Nha Trang, Phú Quốc, Lào Cai. Đây là thông tin vui đối với những khán giả mong chờ theo dõi bộ phim trên khắp cả nước.

Ở TP. Hồ Chí Minh, Đào, Phở và Piano được khán giả đón nhận không thua kém khán giả Hà Nội ngay ngày đầu công chiếu. Các rạp đều cháy vé và phải bổ sung thêm suất chiếu.

Tại Đà Nẵng, từ sáng đến trưa 24-2, hàng ngàn người, chủ yếu là học sinh, sinh viên, tại Đà Nẵng đã xếp hàng mua vé xem phim Đào, phở và piano tại rạp Lê Độ (số 46 Trần Phú, TP Đà Nẵng). Theo Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh TP Đà Nẵng, từ khi rạp Lê Độ được sửa lại, đây là lần đầu tiên khán giả đổ xô đến xếp hàng đợi hàng giờ để mua vé xem phim.

Xưa nay, cái gì càng hiếm thì càng quý nên việc Đào, Phở Và Piano chỉ được chiếu ở một rạp duy nhất trên cả nước tại Hà Nội, có lúc không bán vé qua mạng mà chỉ bán tại rạp càng khiến cho khán giả muốn xem phim này hơn nữa. Hình ảnh dòng người xếp hàng chờ vào rạp, chờ mua vé lan tỏa trên mạng xã hội đã đưa Đào, Phở Và Piano trở thành bộ phim nhất định phải xem thời điểm hiện tại.

Những năm gần đây, thế hệ Z có xu hướng quan tâm hơn đến lịch sử nước nhà. Việc những di tích lịch sử như Nhà tù Hỏa Lò ở Hà Nội trở thành địa điểm tham quan được giới trẻ đặc biệt yêu thích; rồi trào lưu mặc áo dài, mặc cổ phục lên ngôi đợt Tết Nguyên đán vừa qua cho thấy các bạn trẻ không hề lãng quên quá khứ như nhiều người lo lắng.

Đúng lúc này, Đào, Phở Và Piano xuất hiện với một câu chuyện đủ bi tráng, đủ thơ mộng về Hà Nội những ngày khói lửa. Không phải là một phim khai thác quá sâu vào những trận chiến khốc liệt nhưng tác phẩm vẫn đủ để giới trẻ hình dung ra một Hà Nội hoang tàn đổ nát dưới bom đạn. Tuy nhiên, giữa khói lửa chiến tranh, người dân Thủ đô vẫn bình tĩnh sống, vẫn sẵn sàng đối mặt với kẻ thù và vẫn yêu đời, yêu người tha thiết.

Nhiều ý kiến cho rằng, có lẽ khán giả Việt đang quá "khát" thể loại phim lịch sử và cũng hơi ngán dòng phim thương mại, giải trí tung hoành mấy năm nay nên họ cần phải đổi vị và Đào, phở và piano là một món mới trong chiếc "bình cũ". "Việt Nam đang khát phim đề tài lịch sử được đầu tư chỉn chu, chỉ cần làm phim với cái tâm thì khán giả sẽ ủng hộ nhiệt tình. Hy vọng các đơn vị nhà nước và tư nhân sau hiện tượng này sẽ có sự quan tâm đúng mức với dòng phim lịch sử, cổ trang Việt Nam"; "Mình vẫn thèm khát những bộ phim lịch sử như Hàn Quốc làm từ kịch bản, thông điệp… Phim lịch sử không chỉ là phim mà còn là một bài học lịch sử ngoài sách vở, nhớ rất lâu, hiệu ứng tốt, là cách dễ dàng để nâng cao tự tôn, lòng yêu nước, yêu dân tộc"... là vài ý kiến chia sẻ của dân mạng.

Đạo diễn, Nghệ sỹ Ưu tú Phi Tiến Sơn cho biết, bộ phim truyện "Đào, Phở và Piano" mong muốn chuyển tải đến khán giả về một Hà Nội từ gần 80 năm trước, cùng cả nước dũng cảm chống lại kẻ thù xâm lược theo lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch. Trong phim, phẩm cách anh hùng bất khuất của nhân dân Việt Nam lan tỏa trong mỗi người dân Hà Nội. Cùng đó, một Hà Nội hào hoa, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, một Hà Nội vùng đứng lên với nhiều tầng lớp nhân dân, thế hệ, không còn phân biệt tuổi tác, nghề nghiệp, tôn giáo... sẽ hiện lên trong phim.

Lý giải về tên của bộ phim, đạo diễn Phi Tiến Sơn chia sẻ, ông là người sinh ra và lớn lên và gắn bó cả đời ở Hà Nội, nên ông luôn muốn làm một bộ phim về Thủ đô, nói về những điều hay và đặc trưng của mảnh đất này. Trong phim, những ngày cuối cùng ác liệt nhất của cuộc chiến là những ngày cận Tết. Mà Hà Nội thì Tết đến nhất định phải có hoa đào. Ngày xưa, hoa đào quý và hiếm, chứ không nhiều như bây giờ. Còn phở là món ăn thân thuộc với người Hà Nội. Và luôn luôn, trong không khí tĩnh lặng của Hà Nội xưa, đâu đó, trong ngôi nhà nào đó, tiếng piano réo rắt… Tất cả những điều đó khiến ông nảy ra ý tưởng để cho ra đời bộ phim "Đào, phở và piano" - là những đặc trưng về yếu tố nhìn, thưởng thức, chơi của Hà Nội. Phim không có mâu thuẫn, xung đột, không có tình yêu tay 3 tay 4, không ai là người xấu, tất cả mọi người đều tốt với nhau và tất cả các nhân vật trong bộ phim này đều thể hiện "chất" của người Hà Nội.

Phim "Đào, phở và piano" lấy bối cảnh cuộc chiến 60 ngày đêm tại Hà Nội vào cuối năm 1946, đầu năm 1947, do nghệ sĩ Phi Tiến Sơn đạo diễn, viết kịch bản. Các nhân vật là cô gái, chàng trai, ông họa sĩ, cậu bé đánh giày, người bán phở - những người ở lại khu phố, trong khi tất cả đi sơ tán. Đối diện cái chết có thể đến bất cứ lúc nào, họ vẫn lạc quan, giữ tình yêu với cuộc sống, con người, cái đẹp./.

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
"Đào, phở và piano" đã được chiếu tại 11 tỉnh, thành phố nhưng vẫn "cháy vé"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO