Là người thích ngủ “nướng” - nhất là khi anh được hưu trí - nên tôi chỉ có thể gặp NSND Hoàng Dũng sau 10 giờ sáng ở nhà. Nhưng, đã được gặp rồi thì chưa khi nào cuộc trò chuyện cùng anh ngừng trước giờ Ngọ. Anh là người rất đủng đỉnh. Đủng đỉnh đem mấy chú chim cảnh ra cửa hóng nắng, đủng đỉnh pha trà mời khách và đủng đỉnh… chuyện nghề.
Seri vai… “ông trùm”
Nhắc đến phim Người phán xử vừa mới “sốt dẻo” trên VTV3 mà anh thủ vai ông trùm Phan Quân được khán giả mến mộ, Hoàng Dũng cười tủm tỉm bảo: “Thực ra, mình có seri vai kiểu này cả trên sân khấu lẫn phim ảnh rồi ấy chứ.”
Cũng phải, Hoàng Dũng đã từng “thâm canh” những vai diễn đa diện này ngay từ khi nổi danh trên sân khấu với vở kịch Tôi và chúng ta (1985) đến sau này là vở kịch Tháp đoạn hồn (2011)… hay những phim truyền hình như Cuồng phong, Đàn trời (cùng là năm 2012)… và bây giờ là Người phán xử.
NSND Hoàng Dũng - vai Phan Quân trong phim truyền hình Người phán xử. Ảnh: VFC
Nhớ đến vai Phó Giám đốc Chính trong Tôi và chúng ta của Lưu Quang Vũ, Hoàng Dũng bảo hồi ấy anh mới ngoài 20 tuổi (kể cả tuổi mụ). Vậy mà, anh vẫn đủ sức trở thành một ông Phó Giám đốc nham hiểm, không chỉ thuyết phục khán giả Hà Nội và cả Tp Hồ Chí Minh với hàng trăm đêm diễn, ban giám khảo liên hoan sân khấu (giành huy chương Vàng) mà đến cả bạn diễn cũng nể mà trêu rằng: xem tay có còn đủ ngón không khi được “lão Chính” bắt tay!
Còn ở vở kịch Tháp đoạn hồn lại là một Bu-ri-đan Hoàng Dũng chất chồng giữa tình yêu và thù hận trong bi kịch không lối thoát với hoàng hậu Ma-gơ-rít Thu Hà. Hoàng Dũng bảo, đây là vai diễn vừa khốc liệt về tâm trạng vừa phải mang giầy cao và đấu kiếm nên anh đã rất mệt sau mỗi lần cánh màn nhung khép lại.
NSND Hoàng Dũng - vai Bu-ri-đan trong vở kịch “Tháp đoạn hồn”. Ảnh: Nguyễn Đình Toán.
Sang đến phim truyền hình, thực ra Hoàng Dũng đã là ông trùm ngay từ khi đóng vai Thái trong Cuồng phong được công chiếu 5 năm trước chứ không phải chờ đến vai Phan Quân trong Người phán xử mới đây.
Vẫn là gương mặt, cái nhếch mép, ánh nhìn, giọng nói luôn đầy sức nặng của sự biểu cảm ấy khi vào vai những tay khét tiếng trong giới tội phạm nhưng rõ ràng Thái và Phan Quân của Hoàng Dũng không phải là một. Cùng biết tạo vỏ bọc kỹ lưỡng nhưng cái ác hiểm của Thái khiến người xem thấy ghê rợn còn cái ác hiểm của Phan Quân lại khiến người xem thấy rùng mình. Còn với vai Phan Quân, anh tham khảo nhiều bộ phim liên quan đến thế giới ngầm - trừ việc xem lại phim Bố già vì ngại bị ảnh hưởng.
Ngoài ra, Hoàng Dũng còn có vai chủ tịch Ẩn trong phim Đàn trời mà anh cũng rất thích thú khi chủ tịch Ẩn của Hoàng Dũng lại là kiểu vai của một quan tham… sạch sẽ.
“Bố sẽ cho con ăn phở thật no!”
Thành công với nhiều vai quái kiệt như thế nhưng Hoàng Dũng lại tâm đắc nhất với vai Lãm trong vở kịch Hà Nội đêm trở gió (1993) của nhà văn Chu Lai. Vì ở vở kịch này anh được vào vai một cựu chiến binh dù bên ngoài thô ráp, sù sì nhưng lại là người cực kỳ tử tế, tử tế đến rơi nước mắt… Và, đây là vai diễn Hoàng Dũng đã mạnh dạn đề nghị sửa lời thoại của tác giả cũng như bớt nhân vật với đạo diễn cho lớp kịch ở bãi đào vàng khi tập.
Anh kể: “Ban đầu, đạo diễn Hoàng Quân Tạo muốn nhiều nhân vật cùng đào vàng với anh Lãm. Nhưng tôi thấy như thế sẽ khó bộc lộ tâm lý nên đã trao đổi với đạo diễn chỉ để 2 nhân vật cùng diễn với mình. Thêm nữa, tôi đề nghị với anh Chu Lai được sửa lời thoại – khi Lãm bắt được vàng. Nếu trong kịch bản Lãm reo lên là “Mình ơi, bớt khổ rồi. Từ nay, bố sẽ cho con ăn cơm no, mặc áo đẹp…” thì tôi sửa là: “Mình hết khổ rồi. Từ nay bố sẽ cho con ăn phở thật no, ăn chán thì thôi…” Sửa như thế là vì lúc ấy phở mới là thứ xa xỉ…”
Hay như, anh cũng tâm đắc với vở kịch Huyết lệnh (2012) mà anh vừa đạo diễn vừa đóng vai chủ tịch tỉnh tên Nghĩa “cực kỳ tốt bụng” - Hoàng Dũng vừa tủm tỉm cười vừa bảo. Anh cũng không nhắc đến chuyện vai diễn chồng chất cuộc chiến nội tâm này của mình lại giành huy chương Vàng liên hoan sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc ở Huế mà anh lại nhắc nhớ về những đêm trăn trở bên trang kịch bản có khi trắng đêm để quyết định đẩy nút thắt ông chủ tịch quyết định tống giam con vào tù sớm hơn, trước khi anh ta giết người chứ không đợi đến khi phát hiện ra anh ta đã giết người như trong kịch bản. “Tôi biết, nút thắt ấy có phần không sát thực tế nhất là diễn biến tâm lý của những người quyền cao chức trọng. Nhưng với tôi, nghệ thuật không chỉ bày ra hiện thực mà cần có tiếng nói, cách giải quyết vấn đề.”- Cũng đã từng thành công ở vai trò đạo diễn với nhiều vở kịch hiện đại khá gai góc như Điện thoại di động, Điệp khúc virus (Huy chương Vàng Cuộc thi sân khấu kịch nói chuyên nghiệp 2015), Vùng lạnh - Hoàng Dũng đau đáu.
Cả đời… chắt chiu
Chếch môi cùng điếu thuốc lá, Hoàng Dũng bảo anh là tuýp nghệ sĩ không… bắt mắt đạo diễn vì cái nỗi đã thấp bé lại còn không điển trai. Thế nên, dù tốt nghiệp trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội với tấm bằng loại ưu nhưng Hoàng Dũng đã mất đến cả năm trời suốt ngày chỉ chống giáo (vai lính) vâng dạ đi sau bạn diễn cùng lứa như Minh Trang, Đam Ka... khi đầu quân về Đoàn Kịch Hà Nội (bây giờ là Nhà hát Kịch Hà Nội). Thậm chí, có vở hôm trước ở nhà say sưa hướng dẫn các bạn tập vai (các bạn nhờ vì biết Hoàng Dũng nổi tiếng với nhiều vai diễn ở trường) nhưng đến hôm sau ra rạp Hoàng Dũng lại lẽo đẽo vác giáo theo sau…
Ở hoàn cảnh ấy, chính Hoàng Dũng cũng thấy lạ với mình vì dù không có vai diễn và lúc nào cũng “viêm màng túi” nhưng chưa khi nào anh nghĩ đến chuyện bỏ cuộc sân khấu - giống như hồi mới ngẫu nhiên học làm diễn viên. Anh bảo, đấy là thời tuổi đời mênh mông, thấy chán suốt ngày tập thể lực nên đã xin nghỉ học ngay khi gặp đợt tuyển công nhân thủy tinh làm việc ở Cộng hòa Séc - thật trùng với giấc mộng xuất ngoại từ thuở cắp sách đến trường. Lòng vòng mất cả tháng trời nhưng cuối cùng cậu học sinh nông nổi ấy không xuất ngoại được. Chu Hùng - bạn cùng lớp kịch đã bảo anh trở lại trường. Và, có lẽ, sẽ không có một Hoàng Dũng hôm nay nếu ngày ấy anh không nhận được sự bảo lãnh chắc chắn của thầy Huỳnh Nga: “Đào tạo 100 kỹ sư còn hy vọng được khoảng 60 người thành nghề. Còn nghề này, cả khóa may ra trông chờ được một, hai em. Hoàng Dũng là một, hai em mà tôi đặt hy vọng.” (sau này Hoàng Dũng được nghe một thầy trong khoa kể lại).
Trở lại trường rồi, Hoàng Dũng bắt đầu chí thú với kịch. Chuyện anh trốn vé vào rạp (Nhà hát lớn Hà Nội hay rạp Công nhân) xem kịch là chuyện như cơm bữa để đến nỗi bảo vệ nhìn thấy chẳng buồn gọi lại. Thậm chí, vì mải mê với kịch mà Hoàng Dũng hai lần đánh mất cả xe đạp (dù đã được khóa ở gần đồn công an) và giữa đêm cuốc bộ từ phố Tràng Tiền về nhà ở Hàng Đường. Vậy nên, giữa lúc gặp bế tắc, anh đã không nản lòng. Trái lại, anh lăn xả tìm kiếm, chắt chiu từng cơ hội - dù là nhỏ nhất. “Kể cả chỉ là anh lính gióng hàng xoay ngang chống giáo nhưng tôi vẫn đi lại nghiêm túc. Người thì mặc áo trấn thủ (cả trời hè nóng nực), giầy độn cao để xóa đi cảm giác thấp bé của mình. Ngày ấy tôi phấn đấu kinh lắm…”- Hoàng Dũng chia sẻ. Vậy mà phải đến hơn một năm sau, anh mới bắt đầu được nhận vai trong vở “Hoa và cỏ dại” tập lại và chuyên nhận vai cần thay ngay (do diễn viên kíp 1 gặp trục trặc). Được cái nhanh thuộc thoại và chẳng ngại gì chuyện tập một mình một sân khấu bất cứ lúc nào nên dù là thế chân nhưng chẳng bao giờ anh khiến đạo diễn phiền lòng.
“Thế nhưng, cũng có lần tôi chủ quan không chịu tập vai kỹ khi được chọn là kíp 1 cùng với anh Trần Vân tập vở Bình minh nên đã bị loại. Rồi lần tập vở Bản tình ca màu xanh, thấy tôi co nhân vật lại, đạo diễn, NSND Doãn Hoàng Giang nói: “Trong một đoàn nghệ thuật thì phải có vua, có em vua, không phải ai cũng làm vua đâu. Trong một đoàn nghệ thuật có người đóng vai chính, có người đóng vai phụ, phải biết lượng sức mình. Thánh có cho ăn lộc hay không mới được.” Đấy là những nỗi buồn dai dẳng nhưng khiến tôi cay cú thay đổi, phấn đấu mọi lúc, mọi nơi. Từ đó cho đến giờ và cả sau này nữa, với tôi không bao giờ có những vai diễn hời hợt và cũng không bao giờ bằng lòng với mỗi vai diễn của mình. Đây cũng là kinh nghiệm ngày ngày tôi trò chuyện với học trò.”- Hoàng Dũng trầm tư nói.