Nằm ở cửa ngõ phía Tây Nam thủ đô Hà Nội, cách trung tâm Thành phố Hà Nội khoảng 20 km - Thanh Oai được biết đến là vùng đất của 51 làng nghề truyền thống như: nón làng Chuông (xã Phương Trung); làng điêu khắc Dư Dụ (xã Thanh Thùy); đồ thờ Vũ Lăng(xã Dân Hoà); làng Bình Đà (xã Bình Minh) trước nổi tiếng cả nước với nghề làm pháo, nghề cơ khí ở làng Rùa xã Thanh Thùy hay làng giò chả Ước Lễ… Ngoài ra, rải rác khắp huyện là nghề mây tre đan, sản xuất nông lâm sản, kim khí… Với kinh nghiệm quý báu được kế thừa từ cha ông, nhiều nghệ nhân Thanh Oai đã tìm ra hướng đi mới để gìn giữnhững nghề truyền thống và lưu giữ, bảo tồn giá trị lịch sử văn hoá của dân tộc.
Làng nghề tạo nhiều việc làm tại chỗ cho lao động địa phương và thu hút khách du lịch (Ảnh: Hà Phương).
Thanh Oai là một vùng đất cổ, từ xa xưa miền đất địa linh đã sinh ra nhiều khoa bảng, nhà văn hoá nổi tiếng, đóng góp cho đất nước nhiều nhân tài. Không chỉ được biết đến là một nơi có truyền thống hiếu học, với bề dày lịch sử - Thanh Oai mang nét đặc trưng của nền văn hóa đồng bằng Bắc Bộ với rất nhiều đình chùa cổ kính và những làng nghề lâu đời.
Toạ lạc ngay tại tuyến đường trục phía nam của Thành phố là Đền Nội (xã Bình Minh) - nơi đây thờ Thánh Tổ Lạc Long Quân đã có tự ngàn năm đang lưu giữ bức giá tượng Lạc Long Quân một trong những bảo vật Quốc gia; chùa Bối Khê (xã Tam Hưng) nơi thờ thánh Bình An là một trong những ngôi chùa cổ nhất của Thành phố.
Về với Thanh Oai, khách du lịch sẽ có cơ hội để ngắm nhìn những nghệ nhân làm nón lá - một nét đẹp đặc trưng của người dân Việt Nam. Hay những nghệ nhân tại làng nghề điêu khắc Dư Dụ, bàn tay tài hoa của những nghệ nhân nơi đây đã in dấu lên nhiều tác phẩm điêu khắc ở đình, chùa, đền, miếu...khắp vùng đồng bằng Bắc Bộ. Từ xa xưa, những người thợ giỏi của làng đã vào kinh thành Huế xây dựng cung điện, lăng tẩm được phong nhiều chức sắc. Nhiều sản phẩm của làng nghề Dư Dụ được xuất khẩu đi các nước Đông Âu, qua đó mang lại nguồn thu nhập để những nghệ nhân nơi đây phát triển nghề truyền thống và lưu giữ giá trị văn hoá lâu đời.
Để có được một chiếc nón đẹp nhẹ và bền người nghệ nhân phải qua rất nhiều bước cầu kỳ (Ảnh: Hà Phương).
Đến Thanh Oai không chỉ được hòa mình vào vẻ đẹp thiên nhiên của một miền quê thanh bình, được đắm mình trong vẻ đẹp trầm mặc, cổ kính của các khu di tích, du khách còn được thưởng thức vị ngon đặc trưng, nét văn hóa ẩm thực dân dã, thanh tao như bánh đúc Kim Bài; tương miến Cự Đà-Cự Khê; giò chả Tân Ước; bánh trôi, bánh chay Bình Minh và những sản phẩm nông sản làm nên thương hiệu Nếp cái hoa vàng xã Tam Hưng; gạo Bồ Nâu xã Thanh Văn; cam đường xã Kim An; rượu làng Mai xã Thanh Mai.
Với đa dạng sản phẩm và nét đẹp văn hóa của các làng nghề truyền thống lâu đời huyện Thanh Oai có nhiều lợi thế phát triển loại hình du lịch làng nghề, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịchgắn với làng nghề truyền thống. Huyện Thanh Oai đã xác định và xây dựng 2 tuyến du lịch chính: Tuyến 1 gồm các xã Cự Khê – Thanh Thùy – Tam Hưng – Bình Minh – Cao Viên – Thanh Cao; Tuyến 2 gồm Tân Ước – Hồng Dương – Dân Hòa – Phương Trung – Xuân Dương – Cao Dương.
Quang cảnh buổi tọa đàm nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch Thanh Oai (Ảnh: Hà Phương).
Tuy nhiên, do nhiều khó khăn nên những lợi thế, tiềm năng đó vẫn chưa được "đánh thức", khai thác hiệu quả phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Để Thanh Oai trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn với du khách cầncó các giải pháp để phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch trên địa bàn huyện. Các ý kiến của chuyên gia quốc tế cùng nhiều doanh nghiệp lữ hành cho rằng: sự phát triển khiến các làng nghề đang dần bị đô thị hóa làm mất đi không gian làng quê thanh bình khiến cảnh quan chưa thực sự hấp dẫn du khách cùng với đó cơ sở vật chất, dịch vụ, chất lượng sản phẩm cần được phát tiển quy mô hơn nữa; những cửa hàng trưng bày giới thiệu sản phẩm do nghệ nhân tạo ra sẽ đóng góp quan trọng vào chất lượng du lịch. Phục dựng lại những làng nghề truyền thống mang nét đẹp hoài cổ sẽ là cốt lõi để có thể mang lại cho du khách những trải nghiệm thú vị khi về với Thanh Oai.
Phát biểu tại tọa đàm, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Đức Hải cho biết, Sở Du lịch Hà Nội sẽ phối hợp với chính quyền huyện Thanh Oai thống nhất nội dung để phát triển du lịch huyện trong thời gian tới, đầu tiên sẽ là đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về du lịch cho cán bộ địa phương và các hộ dân làng nghề, xây dựng chuẩn hóa thuyết minh về các điểm đến du lịch, lắp đặt thêm bảng biển chỉ dẫn mà trên đó có mã QR nhằm áp dụng công nghệ 4.0 vào du lịch.