Chuyển động Hà Nội

Đảng bộ thành phố Hà Nội đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác xây dựng Đảng

PV 10:30 20/02/2023

Đảng bộ thành phố Hà Nội hiện có hơn 470.000 đảng viên sinh hoạt tại hơn 16.000 chi bộ trực thuộc. Thực hiện Kế hoạch số 121-KH/TU, có 9 đơn vị, gồm: Hoàng Mai; Long Biên; Nam Từ Liêm; Đông Anh; Gia Lâm; Mê Linh; Hoài Đức; Đảng bộ Khối các cơ quan thành phố Hà Nội; Đảng bộ Khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội được chọn triển khai thí điểm, từ ngày 1/1 đến hết 31/3, trước khi mở rộng ra 41 đảng bộ còn lại từ tháng 4/2023.

image_gallery-10-.jpg
Đoàn thanh niên phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai hướng dẫn các đảng viên cài đặt và sử dụng ứng dụng

Xác định đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác xây dựng Đảng là một nhiệm vụ quan trọng, nên các đảng bộ đã có cách làm sáng tạo, bài bản để triển khai cài đặt và sử dụng phần mềm, như xây dựng kế hoạch thực hiện đến các cấp ủy trực thuộc; tổ chức triển khai cài đặt, đăng ký phần mềm “Sổ tay đảng viên điện tử” ngay trong buổi họp chi bộ đầu tiên của tháng 1/2023; lập các tổ hỗ trợ triển khai phần mềm hướng dẫn trực tiếp tại nhà hoặc thông qua các ứng dụng mạng xã hội... Một số Đảng bộ đã có cách làm sáng tạo, bài bản, như lập danh sách các đảng viên hiện có, các đảng viên có điện thoại thông minh đủ điều kiện để cài đặt, thành lập các nhóm Zalo hỗ trợ việc cài đặt, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai cài đặt và sử dụng phần mềm, như: quận Long Biên, huyện Đông Anh...

Quận Hoàng Mai là một trong 9 đảng bộ làm điểm, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Hoàng Mai Nguyễn Xuân Phong cho biết: Ngay sau khi nhận được chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội, quận đã ban hành kế hoạch và tập huấn cho khoảng 1.000 người, trong đó 1 Bí thư chi đoàn hướng dẫn 1 Bí thư chi bộ để hỗ trợ vì có nhiều đảng viên cao tuổi, việc ứng dụng công nghệ chậm. Vừa quyết liệt kiểm tra giám sát, quận vừa động viên kịp thời những đơn vị làm tốt, trong đó, chi bộ nào hoàn thành sớm nhất được thưởng 2 triệu đồng, nên chỉ trong 2 ngày triển khai đã có 2 phường hoàn thành 100% việc cài đặt. Tiêu biểu như phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai) đã huy động gần 50 thanh niên xung kích hỗ trợ cài đặt, hướng dẫn sử dụng cho các đảng viên cao tuổi. Do vậy, mặc dù Đảng bộ phường có 31 chi bộ tổ dân phố với 2.315 đảng viên đang sinh hoạt, nhưng đến ngày 3/1/2023, phường đã hoàn thành việc cài đặt tài khoản cho 100% đảng viên.

Trong khi đó, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Khối các cơ quan thành phố Hà Nội Phùng Khải Lợi cho biết: Ban Thường vụ Đảng ủy Khối đã xây dựng kế hoạch và triển khai sâu rộng trong toàn Đảng bộ. Trong đó, kế hoạch phân công các Ủy viên Ban Thường vụ phụ trách các chi, đảng bộ cơ sở để tổ chức 2 lớp tập huấn cho 800 cán bộ, đảng viên chủ chốt. Đồng thời, lập danh sách đảng viên thực hiện và đến đầu tháng 2, đã hoàn thành 94% các đảng viên thực hiện phần mềm “Sổ tay đảng viên điện tử”. “Quá trình thực hiện đã nhận được sự đón nhận tích cực của các đảng viên nhằm hướng đến việc quản lý tổ chức đảng viên chặt chẽ hơn, sẵn sàng cho việc sử dụng phần mềm này sinh hoạt chi bộ” - đồng chí Phùng Khải Lợi khẳng định.

Trên bình diện chung toàn Đảng bộ Thành phố, đến ngày 1/2/2023, 9 đảng bộ làm điểm đã cài đặt thành công cho 88.279 đảng viên (đạt 72,87% tổng số đảng viên; khoảng 80,16% trên tổng số đảng viên có đủ điều kiện), trong đó, cài đặt tên máy tính là 5.503 đảng viên; trên ứng dụng App mobi là 80.970 đảng viên; số tài khoản đã đăng ký chờ phê duyệt là 1.824 đảng viên.

Theo Ban Tổ chức Thành ủy, “Sổ tay đảng viên điện tử” là kênh thông tin chính thống, quan trọng để tuyên truyền, phổ biến, giáo dục đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các nhiệm vụ chính trị của Thủ đô... Đồng thời, đây là công cụ nắm bắt, quản lý hoạt động của đảng viên. “Sổ tay đảng viên điện tử” gồm các thư mục như hồ sơ đảng viên, họp chi bộ, học tập nghị quyết... Phần mềm cũng có thể tích hợp “nút” biểu quyết trực tuyến để sẵn sàng cho việc tổ chức sinh hoạt chi bộ trực tuyến khi trung ương cho phép.

Trong khi đó, phần mềm “Điều hành tác nghiệp quản lý đảng viên” là phần mềm chuyên biệt được thực hiện trong mạng diện rộng của Đảng nhằm từng bước xây dựng môi trường làm việc trong công tác xây dựng Đảng hiện đại, chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu triển khai các nhiệm vụ chính trị, quản lý, điều hành của các cấp ủy Đảng từ Thành phố tới cấp ủy cơ sở, phối hợp với phần mềm “Sổ tay đảng viên điện tử” triển khai các nhiệm vụ, thông tin tới chi bộ và đến từng đảng viên trong Đảng bộ thành phố Hà Nội; ứng dụng trong công tác quản lý, điều hành, triển khai nhiệm vụ của ban tổ chức cấp ủy các cấp và cấp ủy cơ sở, góp phần nâng cao chất lượng tham mưu của ngành Tổ chức xây dựng Đảng Thành phố; thực hiện cải cách hành chính, giảm thiểu giấy tờ, giảm thời gian đi lại giữa các đơn vị; là kênh thông tin, trao đổi về chuyên môn nghiệp vụ trong hệ thống; hướng tới thực hiện số hóa các tài liệu, hồ sơ của đảng viên với độ an toàn bảo mật cao nhất.

Phát biểu tại hội nghị tập huấn triển khai Kế hoạch số 121-KH/TU vừa qua, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết, việc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý cũng như công tác xây dựng Đảng luôn được Ban Thường vụ Thành ủy quan tâm chỉ đạo sát sao. Đánh giá cao hiệu quả thiết thực, cùng với sự vào cuộc sát sao của 9 Đảng bộ làm điểm, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho rằng, để triển khai hiệu quả “Sổ tay đảng viên điện tử” và phần mềm “Điều hành tác nghiệp quản lý đảng viên” trên toàn Đảng bộ Thành phố từ tháng 4/2023, các đơn vị phải nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của ứng dụng và phần mềm này,, đồng thời, chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, công tác tuyên truyền, tăng cường kiểm tra giám sát và phê bình - khen thưởng kịp thời để khuyến khích các địa phương triển khai thực hiện tốt. Đồng chí nhấn mạnh, việc mở tài khoản, cài đặt phần mềm chỉ là bước đầu, điều quan trọng là để phần mềm này “sống”, trở thành công cụ hành chính để quản lý đảng viên và các đảng viên phải vào đọc hằng ngày.

Theo Cổng giao tiếp Hà Nội

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Thủ đô Hà Nội trở lại phong quang, sạch đẹp sau bão lũ
    Bão số 3 kèm mưa lớn trong những ngày qua làm ảnh hưởng nặng nề đến các công trình, cảnh quan đô thị, nhà cửa, cây cối… lực lượng chức năng, người dân Thủ đô đã chung tay dọn dẹp, tái thiết để trả lại bộ mặt xanh, sạch đẹp cho thành phố.
  • [Podcast] Hoàng thành Thăng Long – Chứng nhân lịch sử lễ chào cờ đầu tiên trong Ngày Giải phóng Thủ đô
    Vào lúc 15 giờ (10/10/1954), lễ chào cờ đầu tiên trong ngày Giải phóng Thủ đô diễn ra tại sân Đoan Môn - Hoàng thành Thăng Long (khi đó gọi là sân Cột Cờ). Lễ chào cờ do Ủy ban Quân chính thành phố tổ chức với sự tham gia của các đơn vị quân đội tham gia tiếp quản Thủ đô và đông đảo người dân Hà Nội. Ngày 10/10/1954 trở thành mốc son trong lịch sử xây dựng và phát triển của Thủ đô Hà Nội, mở ra thời kỳ mới trong lịch sử Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội.
  • [Podcast] Câu chuyện truyền thanh: Công tác lưu trữ hồ sơ và báo cáo của cảnh sát biển Việt Nam
    Hải và Thuỷ đang bê những thùng tài liệu lên xe chuẩn bị rời khỏi khách sạn, vừa đi Thuỷ vừa quay sang hỏi Hải: Công tác lưu trữ hồ sơ và báo cáo của cảnh sát biển Việt Nam được quy định như thế nào?
  • Thủ tướng chủ trì hội nghị khắc phục hậu quả bão lũ
    Sáng 15-9, thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Thường trực Chính phủ với các địa phương bị ảnh hưởng do cơn bão số 3 (bão Yagi) về các giải pháp khắc phục hậu quả, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ổn định đời sống, khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng.
  • Huyện Sóc Sơn khắc phục hậu quả sau bão lũ
    Là một trong những địa phương ảnh hưởng nặng nề nhất của huyện Sóc Sơn trong đợt mưa lũ vừa rồi, người dân các thôn Hòa Bình, An Lạc của xã Trung Giã đang nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ chính quyền địa phương, các tổ chức, cá nhân trong công tác khắc phục hậu quả sau bão lũ để sớm ổn định cuộc sống.
Đừng bỏ lỡ
Đảng bộ thành phố Hà Nội đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác xây dựng Đảng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO