Từ việc tìm những nguồn tư liệu quý về cách biểu diễn của những nghệ nhân ca trù nổi tiếng, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền đã đúc kết, lý thuyết hóa thành chuẩn mực trong cách thức trình diễn của ca trù (ảnh minh họa). |
Ca trù (hay còn gọi là Ả đào) thường có hai không gian biểu diễn, một là hát cửa đình (không gian biểu diễn cổ xưa nhất) và hai là hát ở ca quán. Chương trình phục dựng trình thức hát cửa đình của người Việt nằm trong dự án “Bảo tồn và phát huy di sản Ca trù tại TP Hà Nội” của Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam.
Chia sẻ về việc thực hiện việc phục dựng, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền cho biết: “Bắt đầu từ tháng 9-2014, với tư cách cá nhân, tôi đã dành toàn lực tiến hành dự án nghiên cứu âm luật nhạc Ả đào cùng nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ - kép đàn nhà nghề cuối cùng của thế kỷ XX. Ngay trong cuộc điền dã đầu tiên, khi phát hiện ra ông còn nhớ được cả bài bản Ả đào thuộc không gian hát cửa đình cổ xưa, tôi đã nhanh chóng kết nối với NSƯT Đỗ Quyên để CLB Ca trù Hải Phòng tiến hành gấp rút một dự án truyền dạy cùng nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ. Sau 4 tháng miệt mài học tập, đến ngày 14-1-2015, lần đầu tiên sau 60 năm vắng bóng mai một, trình thức Hát cửa đình của nhạc Ả đào cổ điển bước đầu đã chính thức sống dậy. Sau đó, tôi lại tiếp tục tiến hành các nghiên cứu cơ bản về âm luật Ả đào và đến nay thì chính thức công bố nghiên cứu này”.
Theo nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền, di sản ca trù là một loại hình âm nhạc đặc biệt, đó là loại âm nhạc có cấu trúc với sự chuẩn mực riêng về khổ đàn, khổ phách. Để tìm ra được quy luật của những khổ đàn, khổ phách này, các nhà nghiên cứu đã phải mất nhiều công sức nghiên cứu, tìm tư liệu được phục chế từ những cuốn băng cát-xét cũ nát có ghi lại phần trình diễn của những nghệ nhân dân gian nổi tiếng như Quách Thị Hồ, Đinh Thị Bản, Đinh Thị Nghĩa… “Có những cuốn băng tư liệu rất quý nhưng do vấn đề bảo quản đã bị mốc. Chúng tôi phải rất cẩn thận để phục dựng lại nguồn tư liệu vàng này. Vừa nghe lại, chúng tôi vừa số hóa, lắp ghép… để từ đó có được những đoạn nhạc quý báu cho nghiên cứu”, Bùi Trọng Hiền chia sẻ.
Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền và nhóm cộng sự cùng thực hiện việc phục dựng trình thức hát cửa đình của người Việt. |
Nếu như xưa kia, đào, kép các giáo phường thường chỉ học bài bản qua việc truyền ngón nghề, truyền khẩu theo phương pháp tại chỗ, thì nay, với kết quả nghiên cứu của nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền, tất cả chi tiết, thành tố nghệ thuật âm nhạc từ toàn bộ đến từng phần đều được đúc kết, lý thuyết hóa để giúp đào, kép hình thành sự cảm nhận với ý thức chủ động. Mặt khác, căn cứ trên hệ thống lý thuyết đã đúc kết, chuẩn mực nghệ thuật cổ điển của Ả đào hy vọng sẽ được lưu truyền vững chắc với việc xác định rõ các khái niệm cơ bản như: khổ phách, khổ đàn, âm điệu, cấu trúc bài bản các loại…
Đánh giá về công trình nghiên cứu này, PGS – nhạc sĩ Đặng Hoành Loan khẳng định, thành công nhất của công trình nghiên cứu là tìm ra được chuẩn mực của hát ca trù, hát cửa đình. Nó có giá trị trong việc truyền dạy thế hệ sau cách thức chuẩn khi hát ca trù. Từ sự chuẩn mực này, các câu lạc bộ, ca nương có thể tìm tòi sáng tạo nét riêng của mình.
Ông Phạm Vinh Quang, Vụ ngoại giao Văn hóa và UNESCO (Bộ Ngoại giao) cũng đánh giá cao công trình nghiên cứu của nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền. Công trình có giá trị quan trọng trong việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy di sản ca trù trong thời điểm di sản này đang có nhiều nguy cơ mai một.