Con nào cũng là con!

Thu Trang/HNM| 15/11/2018 07:16

Dù trong xã hội hiện đại nhưng tư tưởng “trọng nam, khinh nữ” và áp lực phải có con trai “nối dõi tông đường” vẫn luôn đè nặng lên vai người phụ nữ. Thế nhưng, với quan niệm "con nào cũng là con", nhiều cặp vợ chồng dù sinh 2 con gái nhưng quyết không sinh con thứ 3 để tập trung nuôi dạy con ngoan, học giỏi; là tấm gương về gia đình hạnh phúc, góp phần thay đổi nhận thức về bình đẳng giới, giảm mất cân bằng giới tính khi sinh.

Vượt qua định kiến

Tuần qua, Sở Y tế Hà Nội tổ chức biểu dương các gia đình tiêu biểu thực hiện tốt chính sách dân số, có con gái chăm ngoan, học giỏi. 60 gia đình sinh con một bề là gái được tuyên dương, mỗi nhà mỗi cảnh nhưng điểm chung là họ đã vượt qua định kiến để cùng nhau chăm lo, nuôi dạy con cái, xây dựng gia đình hạnh phúc. 
Con nào cũng là con!
Biểu dương các gia đình tiêu biểu thực hiện tốt chính sách dân số, có con gái chăm ngoan, học giỏi.

Tại buổi lễ, vợ chồng anh Hoàng Tấn Phúc và chị Nguyễn Thị Kim Anh (tổ dân phố số 35, phường Ngọc Thụy, quận Long Biên) chia sẻ, hạnh phúc không phải từ nhà cao cửa rộng mà từ 2 cô con gái nhỏ. Anh Hoàng Tấn Phúc nói: “Tôi là con một nên khi vợ tôi sinh 2 con gái, nhiều người khuyên cố thêm con trai. Nhưng quan điểm của tôi rất rõ ràng, con nào cũng là con, điều quan trọng là làm sao nuôi dạy chúng nên người. Đáp lại công lao của bố mẹ, hai con gái của chúng tôi luôn chăm ngoan, học giỏi. Con gái đầu lòng Hoàng Thị Như Quỳnh tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội loại xuất sắc. Vừa ra trường cháu đã có việc làm ổn định. Còn con gái thứ hai Hoàng Thị Thùy Nhung đang học lớp 10 Trường THPT Chu Văn An. Trong suốt quá trình học tập, hai cháu mang về nhiều giải cao trong các cuộc thi của trường và thành phố”.

Bác Trần Đình Thọ (tổ dân phố số 1 phường Phúc Đồng, quận Long Biên) - sĩ quan quân đội về hưu - là một người bố nghiêm khắc nhưng lại vô cùng tâm lý với con cái. Con trai cả của bác lấy vợ và sinh được 2 bé gái nhưng bác và gia đình không gây áp lực phải sinh con thứ 3. 

Bác Trần Đình Thọ tâm sự: “Với nhiều gia đình, các cặp vợ chồng có 2 con một bề là gái phải chịu sức ép sinh thêm con trai từ bố mẹ chồng, họ hàng. Với tôi, gia đình hạnh phúc không phải vì có con gái hay con trai mà là tình yêu thương, sự sẻ chia xuất phát từ trái tim của mỗi thành viên. Không phải con gái ít hiếu thuận hơn con trai hay ngược lại. Nhiều gia đình sinh con một bề là gái nhưng vẫn có được hạnh phúc trọn vẹn khi các con chăm ngoan, học giỏi, hiếu thuận với ông bà, cha mẹ. Vì vậy, những người làm bố, mẹ đừng gây sức ép để con mình phải sinh con thứ 3, phải sinh bằng được một cậu con trai. Điều quan trọng là động viên lớp trẻ nuôi dạy con tốt”.

Từng bước thay đổi nhận thức 

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, tỷ số giới tính khi sinh của thành phố giảm dần từ 117,6 trẻ trai/100 trẻ gái năm 2008 xuống còn 113,5 trẻ trai/100 trẻ gái vào năm 2017. Trong 9 tháng năm 2018, tỷ số giới tính khi sinh của thành phố ở mức 113,5 trẻ trai/100 trẻ gái (chỉ số này nằm trong khoảng 103 đến 107 trẻ trai/100 trẻ gái thì được coi là bình thường). 

PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng, tình hình mất cân bằng giới tính khi sinh ở Hà Nội vẫn ở mức báo động, nếu không có biện pháp can thiệp mạnh mẽ thì sẽ dẫn đến những hệ lụy khó lường về trật tự xã hội, gây ra tình trạng thiếu nữ, thừa nam trong độ tuổi kết hôn, phá vỡ cấu trúc gia đình, ảnh hưởng tới chất lượng dân số trong tương lai. 

Theo PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, bé gái cũng như bé trai, xứng đáng được hưởng sự yêu thương, cơ hội và quyền bình đẳng trong suốt cuộc đời. Bình đẳng giới là cốt lõi sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Để giảm dần tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, cần huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó, giải pháp trọng tâm là làm thay đổi nhận thức về bình đẳng giới, nâng cao vị thế của trẻ em gái. 

Tới đây, Hà Nội sẽ tiếp tục tăng cường công tác truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức của cán bộ, người dân về mất cân bằng giới tính khi sinh, thực thi các chính sách nhằm bảo đảm cân bằng giới tính. “Quan trọng nhất là phải từng bước làm thay đổi nhận thức và tư tưởng lạc hậu về sinh con trai, con gái”, PGS.TS Hoàng Đức Hạnh nhấn mạnh. 

Nằm trong danh sách đơn vị có tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh cao của TP Hà Nội, quận Long Biên có tới 10/14 phường xảy ra tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Đáng chú ý, trong số những trường hợp trẻ là con thứ 3 trở lên thì tỷ số giới tính khi sinh lên tới 140-163 trẻ trai/100 trẻ gái. 

Để việc tuyên truyền về tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đạt hiệu quả, bà Đinh Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch UBND quận Long Biên cho biết, cần phải đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền giáo dục về công tác dân số phù hợp với từng đối tượng.

Bên cạnh đó, cần tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở y tế, xử lý nghiêm các cơ sở cung cấp dịch vụ lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức; kịp thời động viên, tuyên dương các gia đình sinh con một bề là gái tiêu biểu. Mục tiêu của các chiến dịch truyền thông là đưa thông tin về tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đến với nhiều người, qua đó góp phần làm thay đổi nhận thức, xóa bỏ cách nghĩ “trọng nam khinh nữ” để toàn xã hội chung tay giảm tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • “Chân mây” - những vẻ đẹp dung dị của cuộc sống
    Nguyễn Linh Khiếu, thời gian qua đã khẳng định là một nhà thơ đương đại khác biệt. Ở văn xuôi, với tùy văn, ông cũng đang từng bước khai mở một con đường riêng. Với ba tập tùy văn “Beijing lá phong vàng” (2018), “Hoa khởi trinh” (2024) và “Chân mây” (2024), Nguyễn Linh Khiếu đã hé lộ cảm quan nhân sinh và cả tình yêu cuộc sống.
  • [Podcast] Thành Cổ Loa – Tòa thành cổ độc đáo lớn nhất Việt Nam
    Di tích quốc gia đặc biệt Cổ Loa không chỉ được biết đến với sự hình thành Nhà nước Âu Lạc (khoảng từ năm 208 - 179 trước Công nguyên) mà còn là nơi hội tụ ba hệ giá trị: Lịch sử - sinh thái - nhân văn đặc sắc, tạo nên những giá trị độc đáo hiếm có: Từ truyền thuyết về một thời kỳ dựng nước sơ khai đến những bằng chứng vật chất về một tòa thành độc đáo, cổ nhất Việt Nam và vùng Đông Nam Á hay cả câu chuyện tình bi ai của đôi trai gái và nỗi niềm day dứt không nguôi của bao bậc hiền minh khi suy tư về phép đối nhân xử thế giữa con người với con người, giữa quốc gia với với quốc gia.
  • [Podcast] Truyện ngắn: Sen quán
    Loay hoay mãi chị mới cởi nổi bộ khuy áo. Cái áo cánh nâu bà ngoại để lại. May sao áo của bà không chỉ vừa mà như muốn vẽ lại những đường cong đẹp nhất của chị. Chị là người Hà Nội. Mẹ không biết cụ tổ đến Hà Nội từ bao giờ mà chỉ biết và kể chuyện từ đời ông bà ngoại. Rằng ông ngoại từng là nhà buôn vải lụa còn bà là ca nương ca trù nổi tiếng ở đất kinh kỳ.
  • Công bố khẩn cấp tình trạng sạt lở đê hữu Bùi trên địa bàn huyện Chương Mỹ
    Ngày 22/11, UBND Thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 6068/QĐ-UBND về việc công bố tình huống khẩn cấp các sạt lở trên các tuyến đê hữu Bùi, Bùi 2, Gò Khoăm, sạt lở bờ sông Bùi trên địa bàn huyện Chương Mỹ.
  • Kỳ thi học sinh giỏi lớp 9 tại Hà Nội với 7 môn thi sẽ diễn ra vào tháng 1/2025
    Theo kế hoạch, kỳ thi chọn học sinh giỏi thành phố Hà Nội sẽ được tổ chức vào ngày 18/01/2025; với 7 môn thi mỗi môn có thời gian làm bài 150 phút.
Đừng bỏ lỡ
Con nào cũng là con!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO