Nằm bên dòng Bắc Hưng Hải, đoạn chảy qua cây cầu nội khu của đô thị nơi tôi ở có một con đường với hàng bạch đàn trắng. Hàng bạch đàn (còn được gọi là khuynh diệp) chạy dài tầm 500m nằm giữa một bên là đường làng xưa còn những gồ ghề, lầy vệt bánh xe bùn đất, một bên là lối đi rộng rãi lát đá trước dãy nhà liền kề.
Cuối thu, chớm đông, con đường bạch đàn - tôi tạm đặt thế là phố dạo bộ lý tưởng mỗi tối khi ánh sáng từ những ngôi nhà còn thưa vắng người ở hắt ra vừa đủ và ánh điện cao áp không quá chói mắt.
Covid-19 khiến người ta ngại ra đường, ngay cả khi ở những nơi thoáng đãng, hoặc giả là cái lối đi này nó quá ngắn cho những bài tập của các cao thủ đi bộ? Chỉ biết, sự thể khiến cho chúng tôi nhiều phen độc quyền tận hưởng 500m dạo bước bên “rừng” bạch đàn trắng. Nói rừng cũng không quá, vì với tầm cao trung bình 1,60m thì những thân bạch đàn đứng liền nhau cao vút đến vài chục mét đủ sức bao trùm tầm mắt người dạo bộ. Còn ánh đêm cũng giúp che bớt hậu cảnh lạc lõng như một nóc nhà xây, một góc chung cư…
Người ta sẽ có cảm giác chỉ mình với rừng bạch đàn.
Những thân trắng mang vẻ kiêu hãnh, điểm những mắt nâu điềm đạm. Vững chãi, tin cậy, bình yên! Những lá hình liềm, xanh màu lục, nhưng tối trời chỉ ánh lên màu đậm, có khi sà xuống ngang tầm mắt, gió khẽ đung đưa như chuyện trò.
Nhưng, sự hiện hữu mạnh mẽ nhất của bạch đàn trắng trong đêm không chỉ nằm trong dáng vẻ và sự giao tiếp có phần điềm đạm ấy. Nó xâm chiếm ta dịu dàng, nồng nàn bằng thứ tinh dầu thanh mát như hương tràm. Một thứ hương tự nhiên mang cảm giác nóng ban đầu, mát về sau như chắt ra từ lớp lớp vỏ cây.
Năm nay, làng “phây” đua nhau trưng ảnh hoa bạch đàn. Cái màu trắng bàng bạc như phủ lớp mạ phấn ấy lúc còn kín bưng thì góc cạnh, sần sùi như viên ô mai, đến khi nở bung từng bông thì lại thành ra những tinh khiết trắng trước sự thích thú, tò mò của nhiều gia chủ. Tôi chưa một lần có được những cành hoa bạch đàn như thế. Nhưng con đường bạch đàn mỗi tối dạo chơi lại hào phóng chiết xuất cho tôi thứ tinh dầu thiên nhiên kỳ diệu.
Mùi thơm tinh dầu bạch đàn tỏa ra có lẽ là cả từ thân, lá, hoa. Nghe nói, tinh dầu bạch đàn có nhiều nhất trong những túi nằm ở phiến lá bạch đàn mà soi lên sáng là thấy rõ. Tinh dầu bạch đàn chữa được ho, cảm sốt thậm chí xoa ngoài da làm dịu vết đốt côn trùng nên bảo sao cả con đường tràn hương khuynh diệp là con đường được xông, lọc bằng bộ lọc tinh vi của loài thực vật này. Những lá cây chứa tanin, nhựa và tinh dầu có khả năng đuổi muỗi ấy khi rụng xuống có cảm giác vẫn làm khô sạch con đường.
Bạch đàn ở Việt Nam có nhiều loại với những tên gọi phong phú: Bạch đàn trắng, bạch đàn đỏ, bạch đàn xanh, bạch đàn lá liễu… Tôi cứ tạm gọi những thân trắng cao vút, mạnh mẽ nồng nàn ấy là bạch đàn trắng. Đôi khi, trên con đường dạo bộ, vội vàng kéo trễ khẩu trang để mùi hương khuynh diệp tràn vào đánh thức không chỉ các giác quan mà cả những vùng ký ức xa xôi nào đó.
Một sớm se lạnh, thử tìm hương bạch đàn ở một thời khắc khác, trong sương giăng, tôi mới nhận ra hàng bạch đàn nối nhau đi một đường cong cong mềm mại ở cuối con đường. Những đường tối giản như tranh thủy mặc. Lặng yên bên chiếc xe đạp, lại nghe một làn hương trong trẻo và tinh khiết ùa về.
Biết nói gì, chi bằng im lặng ghi vào ký ức một khoảng lặng tinh tế và sâu sắc của thiên nhiên. Một món quà xa xỉ mà có thể vì một lý do nào đó còn được neo lại giữa phố thị sôi sục những đại công trình…