Chuyển đổi số trên địa bàn Thủ đô đã có nhiều chuyển biến tích cực, đạt kết quả nổi bật
Hà Nội với quy mô Thành phố hơn 10 triệu dân, số lượng đơn vị hành chính lớn (30 UBND quận, huyện, thị xã; 579 xã, phường, thị trấn), việc triển khai chuyển đổi số (CĐS) trên địa bàn rộng, dân số lớn sẽ có nhiều khó khăn hơn so với các tinh/TP khác. Tuy nhiên, với sự quyết liệt chỉ đạo của các cấp lãnh đạo từ Thành ủy, UBND Thành phố và sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị, đã có nhiều chuyển biến tích cực từ nhận thức đến hành động trong công tác chuyển đổi số tại các cấp ủy, chính quyền, tổ chức, doanh nghiệp và Nhân dân Thủ đô.
Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, đào tạo, bồi dưỡng về CĐS được được tích cực triển khai trên nhiều phương diện và nhiều hình thức đa dạng (Cổng Thông tin điện tử Hà Nội, Cổng/trang thông tin điện tử các cơ quan nhà nước, mạng xã hội: zalo, facebook...). Các hoạt động, sự kiện được Thành phố tổ chức triển khai được người dân, doanh nghiệp ghi nhận với quy mô, phạm vị rộng: Hội nghị Thành phố thông minh Việt Nam - Châu Á 2023; Sự kiện phát động thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn Thành phố trong các lĩnh vực: an sinh xã hội, y tế, giáo dục, công thương…
Việc triển khai tuyên truyền về CĐS được cơ quan chuyên môn ban hành các văn bản và cung cấp thông tin qua Cổng Giao tiếp điện tử Hà Nội, Cổng Thông tin điện tử Sở, email công vụ, mạng xã hội: zalo, facebook... hướng dẫn các cơ quan báo chí thành phố Hà Nội, các cơ quan báo chí Trung ương, địa phương phối hợp và chỉ đạo hệ thống thông tin cơ sở, Trung tâm Báo chí Thủ đô Hà Nội tuyên truyền về CĐS trên địa bàn Thành phố. Hoàn thành xây dựng nội dung, biên tập và chuyển 3 bài tuyên truyền sang phát thanh bằng giọng đọc Al tuyên truyền trên hệ thống đài truyền thanh của 579 xã, phường, thị trấn.
Có thể nói, trong việc hoàn thiện chính sách, quy định CĐS thì Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước đã ban hành Nghị quyết quy định về mức phí, lệ phí khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến (Mức thu bằng “không” áp dụng cho các tổ chức, cá nhân thực hiện nộp hồ sơ thực hiện các dịch vụ công theo hình thức trực tuyến (Nghị quyết số 07/2023/NQ-HĐND ngày 04/7/2023).
Hạ tầng số của Hà Nội cũng đã được triển khai đồng bộ tới cơ quan nhà nước của cả 3 cấp Thành phố (UBND Thành phố, các Sở, ban, ngành, 30 UBND quận, huyện, thị xã và 579 xã, phường, thị trấn) và tiếp tục duy trì bảo đảm phục vụ hoạt động chỉ đạo điều hành của Thành phố và hoạt động công vụ, hoạt động phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Các hệ thống thông tin (HTTT), cơ sở dữ liệu (CSDL) trong các ngành, lĩnh vực: giao thông - vận tải, xây dựng, nông nghiệp, đầu tư, tài chính, ... được thành phố giao các Sở, ngành triển khai theo hướng tập trung, phục vụ yêu cầu nghiệp vụ, chia sẻ, khai thác thông tin theo quy định. Theo Quyết định số 3478/QĐ-UBND ngày 04/7/2023 của UBND Thành phố, trong đó năm 2023, có 13 Sở, ngành thuộc Thành phố đăng ký mở dữ liệu; đến nay đã có 07 Sở đã tiến hành mở dữ liệu bằng nhiều hình thức (website, kiosk và cung cấp API kết nối, chia sẻ dữ liệu).
Trong năm 2023, việc phát triển các ứng dụng dịch vụ đã đáp ứng đầy đủ các chức năng, tính năng theo quy định, đặc biệt là các yêu cầu mới về xác thực định danh điện tử cho công dân và doanh nghiệp, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến theo chỉ đạo của Thành phố. Đẩy mạnh áp dụng hóa đơn điện tử, khai thuế điện tử đối với doanh nghiệp.
Triển khai đồng bộ chữ ký số trên các hệ thống (Hệ thống quản lý văn bản và điều hành, HTTT giải quyết thủ tục hành chính, HTTT báo cáo) phục vụ xử lý công việc trên môi trường mạng và dịch vụ công trực tuyến, với 13.285 chữ ký số đã được Ban Cơ yếu Chính phủ cấp cho cán bộ, công chức thuộc Thành phố; hơn 41 nghìn chữ ký số miễn phí đã được các doanh nghiệp cấp cho công dân Hà Nội để thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch điện tử…
Đồng thời, Thành phố tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, doanh nghiệp viễn thông quản lý, duy trì, triển khai hạ ngầm các đường dây cáp viễn thông tại các tuyến phố trên địa bàn Thành phố và thử nghiệm mạng 5G,... đảm bảo an toàn thông tin liên lạc trên địa bàn Thành phố; vận hành các hệ thống thông tin quan trọng, cốt lõi của Thành phố nhằm cung cấp số liệu, thông tin phục vụ đắc lực cho công tác chỉ đạo, điều hành của Lãnh đạo Thành phố đến 3 cấp trực thuộc Thành phố đảm bảo theo hướng đồng bộ, tập trung, thống nhất, liên thông, tích hợp với các hệ thống của Trung ương (Hệ thống quản lý văn bản và điều hành Thành phố; Hệ thống thông tin báo cáo Thành phố; Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Thành phố,...).
Hiện nay, Thành phố tiếp tục tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về CĐS cho công chức, viên chức theo kế hoạch của Thành phố (năm 2023 đã tổ chức đào tạo, bồi dưỡng 86 lớp với 4.496 học viên (tổ chức theo hình thức trực tuyến và tập trung). Ngoài ra, Thành phố đã cử 10 công chức thuộc 10 Sở của Thành phố tham gia khóa bồi dưỡng, tập huấn về bảo đảm an toàn thông tin do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức; 02 công chức tham gia huấn luyện, đào tạo trên hệ thống thao trường mạng ảo Cyber Range năm 2023 do Bộ Tư lệnh 86 - Bộ Quốc phòng tổ chức./.