Chương trình nghệ thuật đặc biệt "Trở Về”: Nhân lên yêu thương sẻ chia cuộc sống

Nhân Thịnh/ Mai Sương| 07/09/2019 22:20

Tối ngày 7/9/2019, tại Cung Văn hóa Hữu Nghị Việt Xô diễn ra đêm nhạc ý nghĩa mang tên "Trở Về” của những người con xứ Thanh đang hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật ở Hà Nội. Chương trình thiện nguyện nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các cá nhân, tổ chức cùng chung tay xoa dịu mất mát với những người dân Thanh Hóa bị ảnh hưởng nặng nề sau con bão số 3 vừa qua.

Chương trình nghệ thuật đặc biệt

Một tiết mục trong chương trình Trở về

Tới dự chương trình nghệ thuật “Trở về” có các đồng chí: Ông Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung Ương; ông Phạm Quang Nghị - Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội; ông Uông Chu Lưu - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; ông Lê Thành Long - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp; ông Lê Huy Ngọ - Nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa; ông Nguyễn Văn Trung – Thứ trưởng bộ Kế hoạch và đầu tư; Nguyễn Ngọc Lâm – Nguyên Phó trưởng Ban tổ chức Trung ương; ông Phạm Văn Quỳnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa...

Đây là chương trình nhân văn đầy ý nghĩa nhằm mục đích gây quỹ từ thiện, hỗ trợ bà con đồng bào vùng lũ tại Thanh Hóa. Chương trình do Hội Nghệ sĩ trẻ Thanh Hóa tại Hà Nội tổ chức, báo Người Hà Nội là đơn vị bảo trợ truyền thông cho chương trình trong suốt quá trình thực hiện. 

Toàn bộ số tiền quyên góp được từ chương trình sẽ dành ủng hộ đồng bào vùng lũ của hai huyện Quan Sơn, Mường Lát, Thanh Hóa.

Mở màn chương trình là ca khúc hết sức ý nghĩa của nhạc sỹ Nguyễn Trọng mang tên Đường về Thanh Hóa. Xứ Thanh từ lâu được biết đến là mảnh đất địa đầu miền Trung với biển Sầm Sơn rì rào sóng vỗ, cầu Hàm Rồng rạng rỡ non sông, Thành nhà Hồ- di sản văn hóa thế giới, vùng đất Lam Kinh lưu dấu tích anh hùng. Trong ca khúc Đường về Thanh Hóa, Nhạc sỹ Nguyễn Trọng đã viết: Ôi, hai tiếng quê hương/ Đây Thanh Hóa yêu thương. Xứ Thanh – tên gọi trìu mến ấy cũng là quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn của biết bao nghệ sỹ. Và dẫu xa quê lập nghiệp nhưng, trái tim, tâm hồn của họ vẫn hướng về quê nhà với muôn vàn thiết tha.

Đồng chí Phạm Văn Quỳnh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, phát biểu tại chương trình: “Đây là hoạt động ý nghĩa thiết thực, thể hiện tình cảm, trách nhiệm của con em xứ Thanh đang công tác, lao động, học tập tại Thủ đô Hà Nội và các vùng miền trên cả nước. Chương trình đã quy tụ những gương mặt nghệ sĩ, ca sĩ, những người con Thanh Hóa; được dàn dựng công phu và có chất lượng nghệ thuật cao. Hi vọng rằng, thông qua chương trình nghệ thuật này sẽ có thêm những tổ chức, cá nhân, những nhà hảo tâm tiếp tục hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân Thanh Hóa vừa trải qua trận lũ vừa qua.”

Nhạc sỹ Minh Quang, đại diện Ban tổ chức, chia sẻ: Hàng năm nước ta phải hứng chịu có năm cả chục cơn bão, nhiều trận lũ, có sức tàn phá khủng khiếp. Trong đó, các tỉnh miền Trung thường chịu thiệt hại nặng nề do bão lũ. Năm nay, cơn bão số 3 vừa đi qua, khi hậu quả còn chưa kịp khắc phục thì những cơn bão tiếp theo lại ập tới,… khiến khó khăn của người dân vùng lũ lại càng thêm chồng chất. Thanh Hóa cũng là địa phương chịu thiệt hại nặng nề do ảnh hưởng sau cơn bão số 3. Trận lũ tràn về Bản Son, Bản Sa Ná (xã Na Mèo), huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa đã cuốn trôi đi tất cả. Chỉ trong chớp mắt, toàn bộ khu nhà ở giáo viên và phòng học đã bị nước lũ cuốn trôi hoặc bùn đất vùi lấp. Thậm chí có những người không bao giờ trở lại sau cơn lũ dữ.

Bản Sa Ná (xã Na Mèo, huyện Quan Sơn) là một trong những bản làng chịu thiệt hại nặng nhất. Tài sản cả đời vui đắp, bao hy vọng về vụ mùa bội thu, những ước mơ về một năm học mới tràn đầy niềm vui cũng tan tành theo nước lũ. Những ngày này, người dân cả nước đang hướng về các địa phương chịu hậu quả nặng nề do thiên tai, cùng chung tay sẻ chia khó khăn với những người dân vùng lũ. Với tấm lòng hướng về quê hương, Hội nghệ sỹ trẻ Thanh Hóa tại Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động quyên góp, ủng hộ, tặng quà người dân vùng lũ. Đặc biệt các nghệ sỹ đã đồng tâm, hiệp lực lên kế hoạch để tổ chức thực hiện chương trình nghệ thuật đặc biệt này. Các nghệ sỹ đã không quản ngày đêm, tranh thủ thời gian để lên ý tưởng, dàn dựng và tập luyện với mong muốn đem đến một chương trình nghệ thuật đặc biệt hấp dẫn qua đó kêu gọi các nhà hảo tâm ở khắp mọi miền tổ quốc chung tay góp sức giúp người dân vùng lũ vượt qua khó khăn, sớm ổn định cuộc sống. Chương trình nghệ thuật mang tên: "Trở Về” có ý nghĩa sâu sắc không chỉ với mỗi thành viên ban tổ chức mà còn lan tỏa ra cộng đồng. "Trở Về” - để góp phần xoa dịu những đau thương, mất mát do mưa lũ gây ra. "Trở Về” - để sợi dây gắn kết của các nghệ sỹ xứ Thanh xa quê ngày càng bền chặt,…

Chương trình gồm ba phần: Phần I: Thanh Hóa – bản giao hưởng anh hùng, phần II: Tình làng quê, phần III: "Trở Về”. Trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc ta, Thanh Hóa luôn được nhắc đến là một miền quê: Địa linh nhân kiệt  - nơi có đồng bằng trù phú, núi cao, biển rộng, sông dài, nơi những trầm tích lịch sử, văn hóa nuôi lớn sức vóc, trí tuệ và tâm hồn của các thế hệ người dân xứ Thanh hôm qua, hôm nay và mãi mãi mai sau. Chính vì thế, mảnh đất này cũng luôn ngân vang các ca khúc đi vào lòng người đã được thể hiện trong đêm nhạc, như: Cây lúa Hàm Rồng., Quê Tôi, Về với xứ Thanh và bài Chào Sông Mã anh hùng, do ca sỹ Minh Lương, Trọng Tấn và Lê Anh Dũng biểu diễn. Về Thanh Hóa rau má quê ta ấm tình người lam lũ/ Bao đời trận mạc vẫn son sắc thủy chung/ Một miền nắng cát khô mưa dầm bão vùi/ Có vượt biển sóng trào mới hiểu người quê tôi. Giai điêu da diết và tràn dầy yêu thương ấy đã đưa khán giả trở về với xứ Thanh, nơi bao mưa dầm bão vùi, vẫn luôn ấm áp tình người trong gian khó.

Chương trình nghệ thuật đặc biệt

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm cùng Ban tổ chức chương trình

Truyền thống lá lành đùm lá rách, đồng lòng, chung sức tương thân, tương ái đã trở thành nét đẹp đáng tự hào để người xứ Thanh dẫu đi xa muôn nơi, vẫn luôn ghi khắc trong lòng. Và dẫu cuộc sống còn bộn bề đến đâu, năm tháng, năm tháng có rộng dài thế nào thì tình người làng quê vẫn luôn nồng đượm, in sâu trong tâm trí mỗi người. Tinh thần ấy được thể hiện qua chuỗi ca khúc: Tình đất, Trở về dòng sông tuổi thơ và ca khúc Tình ta biển bạc đồng xanh do hai ca sỹ Trọng Tấn và Anh Thơ trình bày…

Mang nặng tình quê- tình người, thêm một gói mì tôm sẽ giúp vơi cơn đói, thêm một manh áo sẽ bớt đi giá lạnh, thêm một ngọn nến sẽ thắp sáng đêm đen và thêm những món quà nhân ái được trao đi là biết bao điều tốt đẹp trong cuộc sống sẽ được nhân lên, lan tỏa. Với mong muốn truyền đi thông điệp kêu gọi các cá nhân, đơn vị hảo tâm chung tay giúp đỡ chia sẻ khó khăn với nhân dân Thanh Hóa vượt qua cơn hoạn nạn, Ban tổ chức đã mang đến chương trình bức tranh có tên: "Trở Về” - khắc họa hình ảnh cây cầu Hàm Rồng được xây dựng năm 1904. Bức tranh đã được đấu giá với số tiền 120 triệu đồng. Bức tranh do Thạc sỹ, giảng viên Trường ĐH Sư phạm nghệ thuật Trung ương Đàm Minh Hưng thực hiện hết sức công phu theo phương pháp thủ công trên chất liệu đồng. Đàm Minh Hưng cũng là người có bằng sáng chế, tay nghề cao nhất của Công ty Cổ phần sáng tạo nghệ thuật Royal. Mặt sau của tác phẩm có chữ ký của tất cả các nghệ sỹ tham gia chương trình hôm nay.

Trong ký ức của những người con xứ Thanh xa quê luôn có con sông bên lở bên bồi hay cánh đồng chiều thơm mùi rơm rạ, mái đình làng cổ kính rêu phong. Đến với đêm nhạc, khán giả còn được thưởng thức chùm ca khúc có chủ đề: "Trở Về” như, Về quê, Quê hương tuổi thơ tôi, Mẹ tôi, Cảm ơn mẹ, Tình Cha, Khúc tình ca Thanh Hóa... "Trở Về” để được sống lại những năm tháng tuổi thơ, hồn nhiên, thấm đẫm tình yêu thương trong vòng tay ấm áp của người thân, của quê hương của mình. Trong bài hát: Khúc tình ca Thanh Hóa, nhạc sỹ Nguyễn Trọng đã viết: Nói rằng mình là người Thanh Hóa/ Sóng gió gian nan tay chèo không ngã. Trong gian khó, gian khổ chúng ta càng cảm nhận rõ hơn truyền thống tương thân, tương ái của người dân Thanh Hóa ở khắp mọi nơi. 

Kết thúc chương trình, Ban tổ chức đã nhận được sự ủng hộ từ nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân,... với tổng số tiền lên đến 3 tỉ 800 triệu đồng để giúp đỡ đồng bào Thanh Hoá vừa trải qua lũ dữ. Với bản tính kiên gan, cần cù, cùng sự chung tay của cộng đồng, chắc chắn đồng bào vùng bị thiên tai trong cả nước sẽ vượt qua khó khăn. Sau cơn lũ, những cánh đồng sẽ lại lên xanh, những con đường lại được mở rộng, những ngôi trường lại ngân vang tiếng trẻ học bài và hành trình Trở Về với quê hương, với cội nguồn của các nghệ sỹ Thanh Hóa tại Hà Nội sẽ góp phần nhân lên những yêu thương trong cuộc sống.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Tái hiện “một thời hoa lửa” của Thanh niên xung phong
    Tối 18/5, tại khu vực sân khấu ngoài trời thị xã Sơn Tây, đêm thi thứ 5 “Liên hoan tiếng hát Cựu Thanh niên xung phong Hà Nội năm 2024” (cụm số 3) được tổ chức với sự tham gia của 6 đơn vị và hàng chục tiết mục đặc sắc, được dàn dựng công phu tái hiện chân thực một thời gian khổ, hy sinh nhưng rất đỗi hào hùng của các thế hệ Thanh niên xung phong (TNXP) Việt Nam.
  • Xuất bản cuốn sách "Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi"
    Nhân kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2024), NXB Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách "Văn hóa phải soi đường cho quốc dân" đi nhằm tri ân, ghi nhớ những đóng góp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam; đồng thời khẳng định, vai trò của tư tưởng văn hoá Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị to lớn, định hướng cho công cuộc xây dựng nền văn hoá Việt Nam hiện nay.
  • Huyện Đông Anh khánh thành công trình cải tạo, nâng cấp nhà lưu niệm Bác Hồ
    Nhân dịp Kỷ niệm 134 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2024), 60 năm ngày Bác Hồ về thăm thôn Lỗ Khê, xã Liên Hà (1964 - 2024); Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân xã Liên Hà (huyện Đông Anh, TP. Hà Nội) đã khánh thành công trình cải tạo, nâng cấp Nhà lưu niệm bác Hồ tại thôn Lỗ Khê.
  • Hơn 2.000 cơ hội việc làm tại Phiên giao dịch việc làm lưu động quận Ba Đình năm 2024
    31 đơn vị, doanh nghiệp tham gia Phiên giao dịch việc làm (GDVL) lưu động quận Ba Đình năm 2024 có nhu cầu tuyển dụng, tuyển sinh, xuất khẩu lao động 2.140 chỉ tiêu (trong đó có 2.040 chỉ tiêu tuyển dụng, xuất khẩu lao động và 100 chỉ tiêu tuyển sinh).
  • Công bố giá vé, khát vọng “Rạng rỡ ngàn sau” với Tuần lễ Festival Huế 2024
    Ban tổ Festival Huế 2024 công bố giá vé các chương trình tại Tuần lễ Festival nghệ thuật Quốc tế Huế với chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển”.
Đừng bỏ lỡ
Chương trình nghệ thuật đặc biệt "Trở Về”: Nhân lên yêu thương sẻ chia cuộc sống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO