Chuỗi sự kiện nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ trong âm nhạc
Hưởng ứng Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới (26/4) với thông điệp toàn cầu “Sở hữu trí tuệ và âm nhạc: Cảm nhận nhịp điệu của sở hữu trí tuệ”, Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp tổ chức chuỗi sự kiện tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan, trọng tâm là lĩnh vực âm nhạc.

Theo Ban Tổ chức Hội nghị, đây là lần đầu tiên các cơ quan chức năng có liên quan tổ chức đối thoại mở với các doanh nghiệp, các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc. Mục tiêu là nắm bắt tình hình thực tế, những khó khăn về cơ chế, thủ tục, đồng thời định hướng xây dựng các sự kiện âm nhạc có quy mô, giá trị văn hóa, kinh tế và khả năng xuất khẩu các sản phẩm âm nhạc chất lượng cao ra thị trường quốc tế.
Về phía các đại biểu tham dự, đại diện các doanh nghiệp, các nhà sản xuất âm nhạc, đại diện các Hội, hiệp hội liên quan đã chia sẻ tâm huyết về những khó khăn, vướng mắc cản trở sự phát triển của ngành âm nhạc như quy định cấp phép tổ chức sự kiện còn rườm rà, chính sách thuế và tài chính thiếu rõ ràng, cơ sở hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng yêu cầu, thiếu nguồn nhân lực được đào tạo bài bản.
Bên cạnh đó, vấn đề bảo hộ bản quyền, xây dựng thương hiệu và phát triển các sản phẩm âm nhạc chất lượng cao có khả năng thương mại hóa, công nghiệp hoá vẫn còn nhiều bất cập.

Các đơn vị như Vietnam Idol, BH Media, TikTok Việt Nam, Vietfest, Yeah1… cũng nhấn mạnh vai trò của công nghệ trong phát hành và khai thác sản phẩm âm nhạc, đồng thời đề xuất cơ chế hợp tác công tư, thu hút đầu tư nước ngoài và kết nối giữa các đơn vị trong ngành nhằm phát triển công nghiệp âm nhạc một cách bền vững.
Ngoài ra, việc tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn và chuyên sâu dành cho đội ngũ làm nghề cũng được đánh giá là cần thiết để nâng cao năng lực tổ chức sự kiện, biểu diễn nghệ thuật, từ đó xây dựng thị trường âm nhạc chuyên nghiệp hơn.

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp cũng đề xuất chính sách ưu đãi thuế cho các nhà sáng tạo nghệ thuật, sáng tạo nội dung, mở thêm các mã ngành mới như ngành livestream là một ngành kinh doanh chính thức để thuận tiện thực hiện nghĩa vụ thuế…
Đại diện Cục Bản quyền tác giả, Cục trưởng Trần Hoàng cho biết sẽ nghiên cứu kỹ lưỡng các ý kiến của các đại biểu để tham mưu cho Bộ VHTT&DL, Chính phủ, các cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, đặc biệt là trong chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa trong thời gian tới.

Trong khuôn khổ chuỗi sự kiện, tối 20/4, tại Phố đi bộ Nguyễn Huệ, Quận 1, TP Hồ Chí Minh, Cục Bản quyền tác giả đã phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc tổ chức chương trình giao lưu “Sở hữu trí tuệ và âm nhạc: Cảm nhận nhịp điệu của sở hữu trí tuệ”.
Sự kiện nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng, tôn vinh giá trị sáng tạo và lan toả thông điệp về TP Hồ Chí Minh là thành phố của sáng tạo nghệ thuật.

Ngoài các tiết mục nghệ thuật đặc sắc mà các nhạc sỹ, nghệ sỹ khách mời giao lưu với chương trình, NSND Tạ Minh Tâm; NSƯT Hải Phượng; nhạc sĩ Hoài An; nhạc sĩ Đức Trí; ca sĩ Võ Hạ Trâm; nhóm MTV; nhạc sĩ, ca sĩ Nguyễn Đình Vũ; nhạc sĩ Tuấn Cry; nhà sản xuất âm nhạc Kai Đinh; Rapper Bảo Kun đã chia sẻ về cách thức họ vượt qua những thách thức nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.
Họ cũng mang đến những suy nghĩ, góc nhìn sâu sắc về trách nhiệm của cộng đồng đối với việc bảo vệ sở hữu trí tuệ; kể những câu chuyện thực tế liên quan đến nhận thức và thực hành bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, trao đổi những giải pháp cụ thể, khả thi để mỗi cá nhân và cộng đồng có thể chung tay hành động hiệu quả trong việc bảo vệ quyền tác giả âm nhạc.

Trong chương trình, khán giả đã được thưởng thức các ca khúc của các nhạc sĩ nổi tiếng, ca khúc mang thông điệp rõ ràng về giá trị và ý nghĩa của việc bảo vệ quyền tác giả; biểu diễn các ca khúc mới viết về TP Hồ Chí Minh nhân dịp chào mừng kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).
Cũng tại chương trình, Ban Tổ chức đã tổ chức vinh danh những nghệ sĩ, nhạc sĩ đã có những đóng góp cho lĩnh vực bản quyền âm nhạc, các đơn vị kinh doanh âm nhạc thực hiện tốt về bản quyền âm nhạc, tặng quà cho các nhạc sĩ, nghệ sĩ có hoàn cảnh khó khăn./.