Trải qua thăng trầm lịch sử, chùa Cót từng bị phá hủy trong chiến tranh và có thời gian bị xuống cấp nghiêm trọng. Cuối thế kỷ XX, chùa được trùng tu, tôn tạo toàn bộ hạng mục, với lối kiến trúc kiểu “nội công ngoại quốc”, mang đậm phong cách nghệ thuật thời Nguyễn và giữ được vẻ đẹp truyền thống của chùa Việt. Đây là một trong những ngôi chùa hiếm hoi ở khu vực nội thành Hà Nội có khuôn viên rộng rãi, với nhiều cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi cùng 3 hồ nước. Bên cạnh một trong 3 hồ là tòa Phụng Thiên Bảo tháp hình lục giác, cao 11 tầng, mỗi mặt tháp đặt một pho tượng Phật nhỏ tạo nên không gian tôn nghiêm.
Ngay lối vào chùa là tam quan khá bề thế, gồm 2 tầng. Tầng dưới có 3 cửa theo lối truyền thống, tầng trên có gác chuông. Sau tam quan là khu vườn nhỏ, giữa có sân, hai bên là nhà giải vũ dẫn đến tiền đường. Tiền đường gồm 7 gian 2 dĩ, được xây liền với nhà thiêu hương theo kiểu chuôi vồ. Giữa sân sau có tòa phương đình, nơi đặt một tấm bia đá lớn trên lưng rùa, có niên đại Dương Hòa thứ 8 (1642) ghi công những người đã bỏ tiền mua ruộng cúng hậu và làm lại chùa cũ. Cuối sân là bậc thềm dẫn lên trung đường và hậu cung, được bố trí song song tạo thành hình chữ “nhị”. Bên phải có điện thờ Mẫu gồm 5 gian 2 dĩ.
Trong khuôn viên Ngọc Quán tự hiện còn lưu giữ nhiều di vật có giá trị như cửa võng, hoành phi, câu đối, khánh đồng, chuông đồng. Cùng với đó là hệ thống tượng thờ mang giá trị văn hóa, lịch sử như tượng Tam thế, A di đà, Thích Ca sơ sinh, tòa Cửu Long, Hộ pháp, Đức ông, Thánh tăng và hệ thống khám thờ, tượng Mẫu...
Không chỉ là công trình tín ngưỡng mang những giá trị văn hóa, lịch sử nổi bật, chùa Cót còn là một di tích lịch sử cách mạng quan trọng của Thủ đô. Đây từng là nơi Mặt trận Việt Minh tổ chức quyên góp, cứu tế và là địa điểm diễn ra lễ mít tinh chào mừng chính quyền cách mạng vào tối ngày 18-8-1945. Sau ngày Toàn quốc kháng chiến (19-12-1946), chùa là cơ sở tiếp tế cho bộ đội và tự vệ khu Đại La. Tháng 12-1972, chùa được chọn làm sở chỉ huy của chiến dịch tiêu diệt pháo đài bay B52, bảo vệ bầu trời Thủ đô.
Năm 1994, chùa Cót đã được xếp hạng là Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.