Chính phủ yêu cầu Hà Nội xây dựng lộ trình giảm dần xe máy trong nội đô
Ngày 1/4, Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 143/TB-VPCP kết luận của Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà làm việc với TP Hà Nội về đôn đốc, thực hiện giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2025, công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông và xử lý ô nhiễm môi trường không khí.

Theo đó, Phó Thủ tướng ghi nhận và biểu dương lãnh đạo UBND TP Hà Nội đã thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Thành phố đặt mục tiêu phấn đấu hoàn thành giải ngân kế hoạch vốn đầu tư năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ giao là 87.130 tỷ đồng (gấp 1,13 lần so với kế hoạch năm 2024 và bằng 10,5% tổng số vốn của cả nước).
Tuy nhiên, đến ngày 24/3/2025 Hà Nội mới giải ngân được 5.052,29 tỷ đồng, đạt 5,8% kế hoạch và thấp hơn mức bình quân chung của cả nước.
Để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư trong thời gian tới và phấn đấu hoàn thành giải ngân 100% kế hoạch được giao, Phó Thủ tướng đề nghị Hà Nội tập trung sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và các tổ chức, cá nhân để thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ này.
Về công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, Phó Thủ tướng Chính phủ giao UBND TP Hà Nội chủ trì, phối hợp với Bộ Công an và các bộ ngành liên quan tiếp tục triển khai đồng bộ những giải pháp trọng tâm.
Trong thời gian tới, để đảm bảo trật tự, an toàn giao thông tại Hà Nội, Phó Thủ tướng giao UBND TP Hà Nội chủ trì, phối hợp với các Bộ: Công an, Xây dựng, Tư pháp, Nông nghiệp và Môi trường, Khoa học và Công nghệ tiếp tục triển khai đồng bộ những giải pháp trọng tâm.
Cụ thể, thành phố khẩn trương xây dựng kế hoạch và triển khai các giải pháp thực hiện mô hình "Thành phố an toàn giao thông"; tăng cường các biện pháp kiểm soát và giảm ùn tắc giao thông; quy hoạch hợp lý các bãi đỗ xe (bãi đỗ xe ngầm, bãi đỗ xe thông minh) để giảm tình trạng đỗ xe tràn lan trên vỉa hè, lòng đường.
Đặc biệt, Chính phủ yêu cầu Hà Nội xây dựng lộ trình giảm dần xe máy trong nội đô, thu phí ô tô vào khu vực trung tâm trong giờ cao điểm để hạn chế số lượng xe cá nhân trên một số tuyến đường. Điều chỉnh đèn tín hiệu, làn đường linh hoạt theo khung giờ cao điểm để giảm ùn tắc. Quy hoạch khu vực đón/trả khách hợp lý, nhất là quanh khu vực bệnh viện, trường học để tránh ùn tắc.
Cùng với đó là phát triển hệ thống giao thông công cộng. Tăng cường mở thêm các tuyến xe buýt điện, tuyến đường sắt đô thị, nâng cao chất lượng dịch vụ để thu hút người dân sử dụng. Phát triển hệ thống giao thông thông minh, sử dụng AI để phân tích tình trạng giao thông và đề xuất phương án điều tiết hợp lý.
Tăng cường xử phạt vi phạm giao thông theo quy định của Nghị định số 168/2024/NĐ-CP. Tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các vi phạm như vượt đèn đỏ, đi sai làn, sử dụng rượu bia khi lái xe, đua xe lạng lách, đánh võng gây rối trật tự công cộng, xe ba bánh tự chế…
Thành phố nghiên cứu, đề xuất cơ quan có thẩm quyền đưa vào quy định bắt buộc kiểm tra định kỳ khí thải xe máy, loại bỏ xe cũ nát gây ô nhiễm và mất an toàn; nâng cao ý thức người tham gia giao thông.
Tuyên truyền mạnh mẽ, xây dựng văn hóa giao thông, nhất là cho các đối tượng thanh niên, học sinh, sinh viên trong trường học. Sử dụng các kênh truyền thông như mạng xã hội, báo chí để nâng cao nhận thức cộng đồng về giao thông an toàn.
Về kiểm soát, xử lý ô nhiễm môi trường không khí, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị Thành phố Hà Nội cần nghiên cứu, đánh giá chính xác các nguồn gây ô nhiễm không khí trên địa bàn thành phố để có giải pháp tổng thể kiểm soát, xử lý triệt để, chỉnh trang đô thị, góp phần đưa Hà Nội ngày càng xanh-sạch-đẹp hơn...
Phó Thủ tướng giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng khẩn trương hoàn thiện Đề án kiện toàn mô hình Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và Ban An toàn giao thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 31/5/2025./.