Giáo dục

Chính phủ đồng ý bỏ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức

Phan Anh 22:29 18/08/2023

Chính phủ đã đồng ý về nguyên tắc việc bỏ hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức, trong đó có giáo viên.

giao-vien-890.jpg
Chính phủ đồng ý bỏ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức (ảnh: internet)

Mới đây, Văn phòng Chính phủ có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang liên quan đến việc rà soát các văn bản, đề án do Bộ Nội vụ chủ trì xây dựng năm 2023.

Liên quan đến dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115/2020 về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức, Phó thủ tướng đồng ý về nguyên tắc việc bỏ hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức.

Bộ Nội vụ rà soát, tiếp thu ý kiến bộ, ngành, địa phương, chỉnh lý dự thảo nghị định, bảo đảm thực hiện thống nhất quy định xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức và bảo đảm quyền, lợi ích của đội ngũ viên chức hoạt động chuyên ngành, tránh phát sinh vướng mắc khi thực hiện, trình Chính phủ xem xét, quyết định.

Như vậy, khi nghị định được thông qua, viên chức sẽ không còn phải thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp.

Trước đó, tại cuộc làm việc của Thủ tướng với Hội Nhà báo Việt Nam hồi giữa tháng 6, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, Bộ Nội vụ đang tham mưu bỏ thi thăng hạng. Trước mắt là thực hiện xét thăng hạng theo tiêu chuẩn, theo điều kiện để khắc phục các bất cập và hướng tới sẽ bỏ thi thăng hạng, xét thăng hạng mà thay vào đó là trả lương theo vị trí việc làm.

Theo bà Trà, không đâu trên thế giới xét thăng hạng, nâng hạng viên chức. Việt Nam cũng phải đổi mới cơ chế này.

Vừa qua, gần 2.500 giáo viên mầm non, phổ thông Hà Nội đã gửi thư kiến nghị lên Bộ GD&ĐT cùng Sở GD&ĐT đề đạt nguyện vọng bỏ thi thăng hạng. Cùng với đó, hơn 4.100 giáo viên thuộc nhiều cấp học trên địa bàn Hà Nội đang làm hồ sơ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên từ hạng III lên hạng II cũng có tâm thư về vấn đề này.

Theo quy định, giáo viên hiện được chia thành ba hạng chức danh nghề nghiệp. Mỗi hạng được chia thành nhiều bậc lương. Mỗi hạng có bậc lương tương ứng với mức phụ cấp cụ thể. Hạng I là hạng cao nhất.

Các địa phương có quyền chọn hình thức thi hoặc xét thăng hạng cho viên chức của mình, trong đó Hà Nội chọn hình thức thi.

Cụ thể, giáo viên ở Hà Nội phải trải qua bốn bài thi gồm kiến thức chung, ngoại ngữ, tin học và nghiệp vụ chuyên ngành. Với giáo viên còn dưới 5 năm công tác, môn ngoại ngữ được miễn.

Đông đảo giáo viên Hà Nội cho rằng hình thức thi thăng hạng gây thiệt thòi cho những người có tuổi nghề cao, giàu kinh nghiệm và thành tích, có nhiều năm cống hiến nhưng yếu kỹ năng ngoại ngữ và tin học. Việc này gây áp lực không cần thiết khi mà năng lực chuyên môn của những giáo viên có bề dày kinh nghiệm này đã được khẳng định qua quá trình công tác.

Về vấn đề này, trong công văn gửi các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ngày 15/8, Bộ GD&ĐT cho rằng đề xuất của giáo viên về việc bỏ hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp là có căn cứ. Liên quan đến việc sẽ bỏ thi thăng hạng, Bộ GD&ĐT cho biết đã nhận được văn bản gửi xin ý kiến từ Bộ Nội vụ về việc bỏ hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115/2020/NĐ-CP, Bộ GD&ĐT đã có văn bản trả lời nhất trí với nội dung này.

Bộ GD&ĐT cho biết thêm, Bộ không có thẩm quyền bỏ quy định thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên và cũng không có thẩm quyền đề nghị địa phương thực hiện thống nhất theo một hình thức là xét thăng hạng. Tuy nhiên, đề xuất của giáo viên về việc bỏ hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp là có căn cứ.

Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT cũng làm rõ về điều kiện thăng hạng, xếp lương cho giáo viên. Theo đó, Thông tư 08 của Bộ không yêu cầu giáo viên phải có bằng đại học đủ 9 năm mới được nộp hồ sơ thi/xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp. Thời gian giữ hạng của giáo viên được tính từ thời điểm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và thời gian giữ hạng liền kề./.

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Xây dựng môi trường văn hóa nhìn từ phong tục và hương ước
    Xây dựng môi trường văn hóa không phải là vấn đề mới đặt ra trong thời hiện đại mà đã được người Việt quan tâm từ rất sớm. Từ thời xa xưa, người Việt đã hình thành nên phong tục, tập quán vừa như luật lệ, vừa như đạo lý để điều chỉnh hành vi cộng đồng. Trên nền tảng đó, các làng xã dần hình thành hương ước - bước phát triển cao hơn, có tính chế tài và tổ chức rõ ràng. Cả phong tục lẫn hương ước, qua nhiều thế hệ đã góp phần định hình môi trường văn hóa truyền thống: kỷ cương, hài hòa, đậm đà bản sắc.
  • “Đại úy Rosalie”: Câu chuyện chiến tranh đầy cảm xúc từ góc nhìn trẻ thơ
    Crabit Kidbooks phối hợp với Nhà xuất bản Hà Nội vừa ra mắt bạn đọc cuốn sách thiếu nhi “Đại úy Rosalie” – tác phẩm mới nhất của nhà văn, nhà soạn kịch người Pháp Timothée de Fombelle. Sách dày 72 trang, được minh họa bởi họa sĩ Isabelle Arsenault, do dịch giả Bùi Kim Ngân chuyển ngữ.
  • Cầu Long Biên bắc qua miền yêu thương
    Có đôi lúc tôi nghĩ, con người ta phải sống bao nhiêu cuộc đời mới đi hết được chiều dài thời gian, mới hiểu và cảm nhận đầy đủ lịch sử của cây cầu đầu tiên bắc qua sông Hồng, một cây cầu chạm vào ba thế kỷ. Cầu giống như con rồng khổng lồ uốn lượn trên cao với từng lớp vẩy thép đan xen, ngày đêm lặng lẽ bảo vệ người dân qua lại nơi dòng nước chảy xiết. Cây cầu ấy mang tên Long Biên, cây cầu bắc qua miền yêu thương.
  • Viện Công nghệ và Sức khỏe và Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam chung tay cải thiện vệ sinh môi trường đô thị
    Ngày 18 tháng 7 năm 2025 tại Thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Viện Công nghệ và Sức khỏe và Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam, nhằm phối hợp triển khai các dự án về nước sạch, vệ sinh môi trường và phát triển hệ thống nhà vệ sinh công cộng đạt tiêu chuẩn 5 sao tại các đô thị.
  • [Infographic] Hà Nội thành lập 6 tiểu ban phục vụ Lễ kỷ niệm, diễu binh, diễu hành dịp Quốc khánh 2/9
    Theo Quyết định số 3036/QĐ-UBND ngày 17/6/2025, UBND TP Hà Nội thành lập 6 tiểu ban giúp việc Ban tổ chức Lễ kỷ niệm, diễu binh, diễu hành kỷ niệm 80 năm Cách mạng tháng Tám thành công (19/8/1945 - 19/8/2025) và Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2025). Các tiểu ban gồm: Tiểu ban Diễu binh, diễu hành; Tiểu ban Tuyên truyền, Nội dung và Y tế; Tiểu ban An ninh, trật tự và Giao thông; Tiểu ban Vệ sinh môi trường; Tiểu ban Vật chất, hậu cần; Tiểu ban Lễ tân. Các tiểu ban có nhiệm vụ tham mưu Thành ủy, UBND thành phố, Ban tổ chức triển khai thực hiện công tác chuẩn bị Lễ kỷ niệm, diễu binh, diễu hành theo các nội dung TP. Hà Nội được giao tại Đề án của Ban Chỉ đạo Trung ương và theo kế hoạch của UBND Thành phố...
Đừng bỏ lỡ
Chính phủ đồng ý bỏ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO