Phiên họp do Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia chủ trì, nhằm tham vấn ý kiến các chuyên gia kinh tế về chính sách kinh tế vĩ mô, phục vụ cho phiên họp Chính phủ với các địa phương diễn ra vào ngày 4-7.
Tại phiên họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị các thành viên tập trung đánh giá tình hình trong nước và thế giới 6 tháng qua và dự báo từ nay tới cuối năm, tính tới các rủi ro liên quan tới các động thái quốc tế gần đây về thương mại, dịch bệnh, thiên tai...
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, kinh tế thế giới trong 6 tháng qua tăng chậm hơn dự kiến (riêng Hoa Kỳ tăng trưởng mạnh hơn 3%), rủi ro và bất ổn gia tăng trong điều kiện xung đột thương mại giữa các nền kinh tế lớn leo thang và tiến trình Brexit bế tắc. Thị trường tài chính, tiền tệ biến động phức tạp khi các ngân hàng trung ương có xu hướng giảm lãi suất vì rủi ro gia tăng.
Ở trong nước, tăng trưởng kinh tế 6,76%, thấp hơn năm 2018 nhưng vẫn phù hợp với mục tiêu điều hành. Cả nước đã xuất siêu 1,64 tỷ USD. Lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát, khi bình quân 6 tháng tăng 2,64%, thấp hơn đáng kể so với mục tiêu (dưới) 4% của Chính phủ...
Trong khi đó, Bộ Tài chính cho biết thu ngân sách đạt khá với 53% kế hoạch, nhưng chi ngân sách chậm, trong đó có giải ngân vốn đầu tư công vẫn chậm khiến bội thu ngân sách nhà nước, góp phần giảm bội chi và nợ công. Nợ công ở mức 57- 58%, nợ Chính phủ khoảng 49% GDP và trái phiếu chính phủ là công cụ tài khóa quan trọng khi thời hạn vay trung bình cao lên tới 13,7 năm với lãi suất thấp 4,6%/năm.
Thông tin từ Bộ Công Thương cho thấy, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa đạt khá trong bối cảnh nhiều nước tăng trưởng âm ở lĩnh vực này. Đây là nỗ lực rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp. Thu hút và giải ngân vốn FDI tiếp tục tăng.
Trước việc Hoa Kỳ mở rộng danh sách các quốc gia cần giám sát từ 12 quốc gia lên 21 quốc gia, trong đó có Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp làm việc với Bộ Tài chính Hoa Kỳ, khẳng định chính sách tiền tệ của Việt Nam nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng hợp lý, điều hành tỷ giá linh hoạt phù hợp với diễn biến thị trường và đặc thù của Việt Nam chứ không tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước tích cực thực hiện truyền thông kịp thời để ổn định tình hình thị trường trong nước.
Đánh giá cho tới thời điểm này, chưa có dấu hiệu rủi ro về ổn định kinh tế vĩ mô so với các giai đoạn trước đây, song, các thành viên Hội đồng cho rằng, thách thức với tăng trưởng GDP trong năm 2019 là không nhỏ khi các động lực tăng trưởng như nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ đều tăng chậm hơn năm 2018; xuất khẩu có xu hướng giảm; cán cân vãng lai tăng cao nhưng chủ yếu phụ thuộc từ kiều hối nên chưa bền vững; tốc độ tăng trưởng dịch vụ thấp hơn tăng trưởng GDP; ách tắc các dự án hợp tác công tư và các dự án đầu tư của tư nhân...
Các thành viên đề xuất Chính phủ tiếp tục theo dõi sát các diễn biến về thương mại, đầu tư trên thế giới để ổn định vĩ mô, đồng thời tăng cường nội lực để ứng phó với các tác động từ bên ngoài; một mặt tạo thuận lợi thương mại nhưng cũng phải kiểm soát chặt chẽ gian lận thương mại. Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cần quan tâm tới việc dự báo xuất hiện các đồng tiền ảo mới trên thế giới sẽ tác động mạnh mẽ tới chính sách tài khóa, tiền tệ của các nước, trong đó có Việt Nam; sớm ban hành các quy định pháp luật về thanh toán không dùng tiền mặt; hoàn thiện hệ thống luật pháp về đầu tư, doanh nghiệp, hợp tác công - tư, chứng khoán.
Cùng với đó, nghiên cứu xây dựng chính sách tiền tệ, tài chính hiện đại hơn với các công cụ quyền chọn mua, chọn bán để giảm bớt công cụ can thiệp ngoại tệ; tranh thủ điều chỉnh giá dịch vụ công trong năm nay khi lạm phát đang kiểm soát thấp; đánh giá sát thực hơn thị trường bất động sản, tình hình huy động vốn của các doanh nghiệp cao hơn lãi suất ngân hàng có thể tác động tới vĩ mô...