Chất vấn tại Quốc hội: Làm rõ trách nhiệm các vụ việc nóng, bức xúc

Thành Nam/TPO (ghi)| 13/11/2017 12:19

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn trong kỳ họp Quốc hội cuối năm luôn là hoạt động được đông đảo cử tri chờ đón: Đây là thời điểm Quốc hội, Chính phủ nhìn lại những việc đã làm được cũng như chưa làm được trong kế hoạch năm. PV Tiền Phong ghi nhận ý kiến ĐBQH trước ngày Quốc hội bước vào chất vấn.

Chất vấn tại Quốc hội: Làm rõ trách nhiệm các vụ việc nóng, bức xúc
ĐBQH cho rằng cần chất vấn về các dự án BOT. Trong ảnh: Trạm thu phí BOT Quốc lộ 5 Hà Nội - Hải Phòng từng gây bức xúc dư luận. Ảnh: Như Ý.


ĐBQH Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên):
Chất vấn tại Quốc hội: Làm rõ trách nhiệm các vụ việc nóng, bức xúc - ảnh 1
Làm rõ trách nhiệm các vụ việc nóng

Tâm lý chung của cử tri là những câu hỏi mình gửi đến thông qua ĐBQH sẽ được các tư lệnh ngành trả lời trực tiếp tại nghị trường. Phần lớn những vấn đề mà cử tri mong muốn giải đáp đều rất nóng hổi, sát thực với đời sống, quyền lợi của người dân. Hầu như kỳ họp nào vấn đề giáo dục, y tế, lao động, tiền lương cũng đều được người dân nhắc đến trong các kỳ tiếp xúc cử tri. Tuy nhiên, rất khó để Quốc hội đáp ứng hết tất cả ý nguyện của cử tri qua phiên chất vấn, bởi lẽ không thể kỳ nào cũng xoay quanh lĩnh vực ấy mà bỏ qua những lĩnh vực quan trọng khác.

Có lẽ, việc cân nhắc lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn và trả lời dựa trên đề xuất của ĐBQH và điều kiện khách quan đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tính toán rất kỹ. Tôi mong muốn Quốc hội bố trí thời lượng hợp lý và đề nghị vị tư lệnh ngành có liên quan trách nhiệm đến các vụ việc nóng, gây bức xúc dư luận trong thời gian qua để trao đổi, trả lời trước Quốc hội khẳng định trách nhiệm và cách giải quyết vụ việc, đáp ứng nguyện vọng của cử tri.

Nếu cử tri luôn theo sát hoạt động và ghi nhận những nỗ lực của Chính phủ trong quản lý vĩ mô, thì ngược lại, Chính phủ phải luôn đồng hành cùng với những trăn trở, suy nghĩ, lo lắng của cử tri. Không nên để những bức xúc của người dân trong lĩnh vực nào đó làm ảnh hưởng đến những nỗ lực và kết quả mà Chính phủ đạt được trong thời gian qua. Trong 4 nhóm vấn đề chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp lần này, tôi quan tâm và dự kiến sẽ chất vấn Bộ trưởng Bộ TT&TT xoay quanh công tác quản lý báo chí, xã hội hóa chương trình phát thanh, truyền hình.

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa

(TPHCM):

Chất vấn tại Quốc hội: Làm rõ trách nhiệm các vụ việc nóng, bức xúc - ảnh 2

Tiếc vì không được chất vấn lãnh đạo tỉnh, thành

Chất vấn tại Quốc hội cần phải được phát huy vì nó đem lại hiệu quả thực sự, đặc biệt phải quan tâm đến lựa chọn vấn đề và người đăng đàn trả lời chất vấn sao cho đúng với đòi hỏi, nhu cầu trong giai đoạn cụ thể của đất nước. Nhưng chất vấn không nhất thiết diễn ra trên hội trường Quốc hội, mà giữa các kỳ họp đều có nhiều điều kiện để các ĐBQH chất vấn bằng văn bản, thông qua ban thư ký gửi thẳng đến các Bộ trưởng.

Với kinh nghiệm của mình, tôi vẫn gửi chất vấn bằng văn bản trước cho Bộ trưởng, để sau đó dù ở hội trường không được hỏi thì vẫn nhận được câu trả lời, sử dụng cái đó để thông tin đến cử tri, phục vụ cho hoạt động giám sát. Mục đích của chất vấn là được trả lời chứ không phải để xuất hiện trên hội trường, chất vấn trên hội trường dù hiệu quả truyền thông rất mạnh nhưng cũng bị hạn chế vì giới hạn thời gian, Bộ trưởng không thể trả lời dài.

Trong vòng 2 phút, ĐBQH phải nêu lên được những gì cử tri bức xúc, kỳ vọng. Nhưng không nên đem những sự việc cụ thể chất vấn Bộ trưởng để yêu cầu xác minh và có kết luận ngay, vì chất vấn như vậy tác dụng không cao, mà có thể thông qua một sự việc cụ thể để nói về thực tế còn tồn tại trong bộ, ngành.

Cử tri luôn chờ đợi các phiên chất vấn, và thực sự chất vấn luôn có tác dụng tích cực, để các thành viên Chính phủ quan tâm giải quyết những vấn đề cử tri nêu ra. Tuy nhiên tôi vẫn tiếc vì cho đến nay, ĐBQH không được chất vấn chính quyền địa phương ở các tỉnh, trong khi đây là nhu cầu có thực, và trước đây tôi cũng đã góp ý.

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng:

Chất vấn tại Quốc hội: Làm rõ trách nhiệm các vụ việc nóng, bức xúc - ảnh 3

Chất vấn không phải “ném đá” Bộ trưởng

Có người cho rằng không nên chất vấn những vụ việc cụ thể, nhưng có những vụ việc lại có tác động rất lớn, ảnh hưởng tới cả hệ thống. Chất vấn nên đi vào giải quyết những điểm chưa thống nhất, đặc biệt là các sai phạm, vì khi đã công khai trước Quốc hội thì sau chất vấn sẽ là thực hiện cam kết, để mọi cử tri giám sát.

Chất vấn là một trong những hình thức giám sát rất hữu hiệu. Sau chất vấn, các Bộ trưởng, trưởng ngành, các thành viên Chính phủ cần quan tâm giải quyết vấn đề cử tri và đại biểu nêu ra. Có người rất chú tâm giải quyết, nhưng cũng có những người không thực sự quan tâm. Vì thế, ngoài chất vấn trên hội trường hoặc bằng văn bản, tôi thường gặp trực tiếp các Bộ trưởng để cùng tìm hiểu rõ hơn vấn đề, giải quyết việc nhanh hơn.

Chất vấn không phải là “ném viên đá” sang phía Bộ trưởng. ĐBQH không thể chất vấn theo kiểu “khoán trắng” cho Bộ trưởng, mà phải có trách nhiệm hợp tác, giám sát cùng với Bộ trưởng giải quyết vấn đề. Khi đã chất vấn, phải theo đuổi đến cùng. Các Bộ trưởng cũng phải thể hiện bản lĩnh của mình. Đứng trước các vấn đề ĐBQH nêu ra, phải xem xét kỹ, tìm hướng giải quyết chứ không nên vội vàng bênh vực cho ngành.

ĐBQH Bùi Văn Phương (Ninh Bình)

Chất vấn tại Quốc hội: Làm rõ trách nhiệm các vụ việc nóng, bức xúc - ảnh 4

Tiếp tục chất vấn các dự án BOT

Ý kiến, kiến nghị của cử tri đặt ra cần phải được xem xét, giải quyết. Trách nhiệm của các bộ ngành phải tiếp thu để hoàn chỉnh từ chủ trương, chính sách, đến pháp luật cho phù hợp với cuộc sống. Còn những vấn đề do tổ chức thực hiện chưa tốt, trước hết các bộ ngành phải nhận trách nhiệm, tìm hướng giải quyết tháo gỡ.

Có nhiều vấn đề ĐBQH đề cập là những vấn đề lớn và khó, không thể làm được ngay mà có thể phải qua vài kỳ mới làm được. Chẳng hạn về chính sách, cần phải đánh giá lại chủ trương chính sách đã ban hành, những mặt được, mặt chưa được và những tác động của nó cho đến vấn đề toàn cục. Tính từ khi nêu ra đến khi thực hiện thì cần phải có thời gian, bởi vì có những việc lớn, không thể làm nhanh được.

Với ĐBQH, phải thực hiện đúng chức năng, trách nhiệm là phản ánh ý nguyện, tâm tư của người dân. Điều người dân vui mừng, phấn khởi, điều cử tri chưa bằng lòng đều phải phản ánh trên diễn đàn Quốc hội. Vấn đề cử tri quan tâm, kiến nghị cần phải giải quyết, phải đem đến diễn đàn Quốc hội. Ví dụ, BOT là vấn đề cử tri hết sức quan tâm, ĐB hết sức quan tâm, những vấn đề đó Quốc hội đã thành lập đoàn giám sát và đã có báo cáo giám sát.

Tuy nhiên, đây là vấn đề người dân đang quan tâm vì thế cần phải nêu ra tại diễn đàn Quốc hội lần này, để người dân cả nước thấy rằng, vấn đề của mình đang được bàn thì tốt hơn. Nếu có điều kiện, tôi sẽ chất vấn một số vấn đề liên quan đến nội dung đó.

Quốc hội chất vấn Thủ tướng và các tư lệnh ngành

Theo dự kiến, phiên chất vấn và trả lời chất vấn sẽ diễn ra trong ba ngày, từ 16 - 18/11. Đây là một trong những nội dung rất quan trọng, được cử tri và nhân dân đón nhận tại mỗi kỳ họp Quốc hội. Tại kỳ họp này, bốn lĩnh vực được lựa chọn chất vấn là những vấn đề liên quan trực tiếp đến các Bộ Tài chính, TT&TT, Ngân hàng Nhà nước và Tòa án Nhân dân tối cao. Sau phiên chất vấn các Bộ trưởng, trưởng ngành, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ đăng đàn trả lời chất vấn Quốc hội.

Ngoài các phiên chất vấn, trong tuần này, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2018, Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2018. Đồng thời, Quốc hội sẽ thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, Luật Quốc phòng (sửa đổi), chủ trương đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.     

Luân Dũng

“Với chất vấn, cách thức hỏi cũng rất quan trọng. Trong vòng 2 phút, phải nêu lên được những gì cử tri bức xúc, kỳ vọng. Nhưng không nên đem những sự việc cụ thể chất vấn Bộ trưởng để yêu cầu xác minh và có kết luận ngay, vì chất vấn như vậy tác dụng không cao, mà có thể thông qua một sự việc cụ thể để nói về thực tế còn tồn tại trong bộ, ngành”.

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa

“Có người cho rằng, không nên chất vấn những vụ việc cụ thể, nhưng có những vụ việc lại có tác động rất lớn, ảnh hưởng tới cả hệ thống. Chất vấn nên đi vào giải quyết những điểm chưa thống nhất, đặc biệt là các sai phạm, vì khi đã công khai trước Quốc hội sau chất vấn sẽ là thực hiện cam kết, để mọi cử tri giám sát”.

 ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Video] Sóng lụa làng nghề Vạn Phúc
    Là một trong những làng nghề thủ công ra đời sớm nhất vùng Đồng bằng sông Hồng cũng như cả nước, làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông) là làng nghề dệt lụa tơ tằm nổi tiếng từ xa xưa. Nhiều mẫu hoa văn của lụa Vạn Phúc từng được chọn may quốc phục dưới các triều đại phong kiến. Ngày nay, ngoài việc gìn giữ, phát huy giá trị của nghề truyền thống qua các sản phẩm, làng lụa Vạn Phúc còn là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách trong nước và quốc tế.
  • Tọa đàm những vấn đề về kịch bản sân khấu hiện nay
    Với mong muốn tìm ra những nguyên nhân và giải pháp về vấn đề kịch bản sân khấu hiện nay, sáng 22/11, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức tọa đàm “Những vấn đề về kịch bản sân khấu” với sự tham gia của đông đảo hội viên trong hội.
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Triển lãm "Cộng đồng kiến tạo": Vinh danh những đóng góp giá trị cho xã hội
    Sáng 22/11, tại sân Bái Đường, Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã diễn ra Triển lãm "Hành động vì cộng đồng" - Human Act Prize 2024 với chủ đề “Cộng đồng kiến tạo”.
  • Đồng chí Nguyễn Việt Phương giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội
    Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thanh Trì Nguyễn Việt Phương được điều động đến công tác tại Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội, giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy khóa XVII.
Đừng bỏ lỡ
Chất vấn tại Quốc hội: Làm rõ trách nhiệm các vụ việc nóng, bức xúc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO