Cấp phép mầm non tư thục dễ dàng, thiếu kiểm soát

Tin tức| 05/12/2017 15:18

Các trường mầm non, nhóm trẻ tư thục mở ra khá nhiều, đáp ứng được nhu cầu gửi trẻ của phụ huynh, đặc biệt là con em công nhân tại các khu chế xuất - khu công nghiệp. Tuy nhiên, việc cấp phép dễ dàng nhưng thiếu kiểm soát của các cơ quan chức năng đã dẫn đến nhiều vụ bạo hành trẻ trong thời gian qua.

Dễ dãi trong cấp phép

Theo thống kê, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh hiện có hơn 1.800 nhóm, lớp mầm non tư thục được cấp phép theo quy định. Các lớp mầm non tư thục này đã góp phần giải quyết chỗ gửi con của con em công nhân tại những khu chế xuất - khu công nghiệp. Tuy nhiên, trên thực tế, trong thời gian vừa qua, tình trạng bạo hành trẻ lại thường diễn ra tại các nhóm lớp này.

Cấp phép mầm non tư thục dễ dàng, thiếu kiểm soát
Cần phải có quy định chặt chẽ hơn trong việc cấp phép mở trường mầm non tư thục. Ảnh minh họa

Theo đó, từ đầu năm đến nay tại TP Hồ Chí Minh đã diễn ra liên tiếp 3 vụ bạo hành trẻ tại nhóm lớp mầm non tư thục. Đặc biệt, vụ bạo hành trẻ ở nhóm lớp mầm non tư thục Mầm Xanh (quận 12) bị báo chí phanh phui trong thời gian gần đây khiến cho dư luận bức xúc và những công nhân có con em đang gửi trẻ ở những lớp tư thục này cũng tỏ ra lo lắng.

Chị Nguyễn Thị Thúy Nghiệm, công nhân may ở quận Thủ Đức, chia sẻ: “Xem đoạn clip trẻ bị đánh ở trường mầm non tư thục Mầm Xanh mà tôi cảm thấy lo lắng cho con mình. Trường công lập thì khó gửi, nếu gửi được con vào trường công lập thì giờ giấc đón con lại không tiện. Gửi ở trường tư thục thì mình đón con lúc 6-7 giờ tối cũng được và gửi cả ngày thứ bảy. Dù biết là nguy cơ con mình có thể cũng bị đánh như những đứa trẻ kia, nhưng biết làm sao được. Tôi cũng chỉ hy vọng rằng, con mình may mắn đang học ở một ngôi trường được cô giáo yêu thương".

Nhiều ý kiến cho rằng, việc bạo hành diễn ra tại các nhóm lớp tư thục này có nguyên nhân chính từ việc cấp phép quá dễ dàng nhưng thiếu kiểm soát của cơ quan chức năng, trong khi giáo viên mầm non lại thiếu, thậm chí những người dạy trẻ ở cơ sở tư thục không được đào tạo về chuyên môn. Bởi, theo Thông tư 13 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về quy chế tổ chức, hoạt động trường mầm non tư thục, yêu cầu trình độ văn hóa của chủ nhóm, lớp từ THPT trở lên và phải có các chứng chỉ nghiệp vụ về quản lý, chăm sóc trẻ em hoặc chứng chỉ bồi dưỡng cán bộ quản lý... Tùy vào mỗi chứng chỉ mà có thời gian đào tạo khác nhau.

Theo cô Phạm Thị Loan, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Bình Thạnh, những quy định về cấp phép cho nhóm, lớp trẻ mầm non tư thục còn quá đơn giản, chưa chặt chẽ khiến cho quá trình kiểm tra, thẩm định của Phòng giáo dục và UBND phường gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, việc đào tạo nghiệp vụ chuyên môn cho các nhóm, lớp khá ngắn nên khó đảm bảo về nghiệp vụ chuyên môn. Trong khi đó, tính chất công việc chăm sóc, giáo dục trẻ đòi hỏi chủ nhóm, lớp phải có sự am hiểu chuyên môn, vững nghiệp vụ sư phạm mầm non thì mới làm được.

Bên cạnh đó, cô Cao Thanh Tuyền, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Bình Tân cho biết, nhiều cơ sở khi cấp phép thì đáp ứng đầy đủ các điều kiện, tuy nhiên sau một thời gian kiểm tra lại thì chủ nhóm lại tuyển nhân sự không chuyên môn nghiệp vụ, cơ sở vật chất không đảm bảo, không đáp ứng quy định chuyên môn, ảnh hưởng đến chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ…

Siết chặt quản lý, tăng cường kiểm tra

Trước vụ việc bạo hành trẻ nghiêm trọng tại lớp mầm non tư thục Mầm Xanh, Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh cũng đã có công văn khẩn chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc tăng cường rà soát, kiểm tra các cơ sở mầm non ngoài công lập.

Trước đó, tại buổi làm việc với các quận, huyện và các sở, ban, ngành về giải pháp ngăn chặn trẻ bị bạo hành, bà Nguyễn Thị Thu, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho rằng, trong thời gian qua đã có rất nhiều văn bản và công tác thanh kiểm tra được các cấp chính quyền địa phương và ngành giáo dục thực hiện thường xuyên, tuy nhiên vẫn xảy ra tình trạng bạo hành trẻ.

Theo bà Bùi Thị Diễm Thu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh, hiện các nhóm, lớp tư thục trên địa bàn thành phố chiếm 55% số điểm giữ trẻ của thành phố. Do nhu cầu của xã hội phát triển, những nhóm lớp này nhiều nên việc kiểm tra, giám sát cũng gặp không ít khó khăn.

Để quản lý các trường mầm non tư thục và không để tình trạng bạo hành trẻ xảy ra, Thạc sĩ Hoàng Hữu Lượng, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Sài Gòn (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, việc quản lý giáo dục, cho phép mở trường mầm non cần có quy định cụ thể và chặt chẽ hơn. Việc hai bảo mẫu ở trường mầm non Mầm Xanh không có chuyên môn đã dẫn đến những hệ lụy đáng tiếc.

Ông Đỗ Minh Hoàng, Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh cho hay, hiện quy định cấp phép cho các nhóm lớp mầm non tư thục còn khá đơn giản nên trong thời tới Sở sẽ xem xét, siết chặt hơn việc mở các nhóm, lớp này. Đồng thời, trong tháng 12 này, Sở sẽ trình UBND TP Hồ Chí Minh về kế hoạch gắn camera tại các trường mầm non tư thục. 

Bên cạnh đó, để đảm bảo an toàn cho trẻ, Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh kiến nghị UBND các quận, huyện phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tăng cường giám sát, kiểm tra thường xuyên đối với những nhóm trẻ tư thục; đồng thời, kiên quyết đóng cửa và giải thể đối với các nhóm, lớp tư thục hoạt động thiếu hiệu quả, không đảm bảo an toàn cho trẻ, vi phạm quy chế chuyên môn của ngành.

"Theo chúng tôi, khi một nhà trẻ hoặc một trường tư thục được thành lập, điều quan trọng nhất được đặt lên trên là quản lý phải coi gốc rễ ở đâu, ai sẽ quản lý... Phải nhìn nhận rằng, một khi đã cấp phép hoạt động phải chịu trách nhiệm cả về quản lý, không nên để tình trạng mỗi khi có vụ việc đáng tiếc xảy ra mới bắt đầu kiểm tra theo dõi", luật sư Trần Thị Ngọc Nữ đề xuất.

Đồng tình với đề xuất gắn camera mỗi lớp học, nhưng luật sư Trần Thị Ngọc Nữ cho rằng, điều đó là chưa đủ, các bậc phụ huynh và toàn xã hội cũng là những chiếc camera sát sao với công việc của từng giáo viên mầm non. Chỉ có như vậy, những "con sâu làm rầu nồi canh” mới được loại bỏ hoàn toàn và mỗi người mới có thể bảo vệ con em mình khỏi nạn bạo hành ở trường mầm non.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, bên cạnh các biện pháp tăng cường kiểm tra nhóm, lớp tư thục, siết chặt việc mở trường, điều cốt lõi nhất vẫn là nâng cao vị trí, vai trò của giáo dục mầm non trong hệ thống giáo dục, chương trình đào tạo cần khắt khe hơn, chuẩn mực hơn. 
(0) Bình luận
  • Khai mạc triển lãm HanoiPrintPack 2025
    HanoiPrintPack 2025 quy tụ hơn 150 gian hàng đến từ 11 quốc gia và vùng lãnh thổ nhằm giới thiệu công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực in ấn và đóng gói, hệ thống tự động hóa và vật liệu mới.
  • Khai mạc triển lãm ENTECH HANOI 2025
    Sáng ngày 25/6, Hội chợ triển lãm quốc tế công nghệ năng lượng-môi trường Hà Nội năm 2025 (ENTECH HANOI 2025) đã được khai mạc.
  • Taste of Queensland: Kết nối tôn vinh mối quan hệ đối tác bền chặt giữa Việt Nam và Queensland
    “Taste of Queensland” do Cơ quan Xúc tiến Thương mại và Đầu tư bang Queensland (TIQ) phối hợp với Hiệp hội Thịt và Chăn nuôi Australia (MLA) tổ chức tại Hà Nội đã trở thành điểm nhấn nổi bật trong hành trình thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương giữa Queensland và Việt Nam.
  • Đóng giao diện Cổng Dịch vụ công cấp tỉnh từ 1-7-2025
    Văn phòng Chính phủ hoàn thành việc nâng cấp chức năng của Cổng Dịch vụ công quốc gia; phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kết nối thông suốt với Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh, đáp ứng yêu cầu triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp và đóng giao diện Cổng Dịch vụ công cấp tỉnh, đưa vào thử nghiệm chính thức trên Cổng Dịch vụ công quốc gia trước ngày 28-6-2025 để bảo đảm vận hành thông suốt từ ngày 1-7-2025.
  • Tôn vinh 125 doanh nghiệp, cá nhân tại Top Công nghiệp 4.0 Việt Nam năm 2025
    Tối 22/6, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Hội Tự động hóa Việt Nam, Viện Sáng tạo và Chuyển đổi số tổ chức Lễ biểu dương “Top Công nghiệp 4.0 Việt Nam – Industrie 4.0 Awards” lần thứ tư, năm 2025.
  • Cầu nối xúc tiến chuyển giao công nghệ, kết nối chuỗi cung ứng và thúc đẩy đầu tư hiệu quả
    Với chuỗi hoạt động chuyên môn thiết thực, Triển lãm Quốc tế Công nghiệp Việt Nam 2025 – VIET INDUSTRY 2025 khẳng định vai trò là điểm kết nối hiệu quả giữa công nghệ – đầu tư – sản xuất.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Chuyện người phụ nữ họ Trần cứu chúa Nguyễn trên phá Tam Giang
    Người phụ nữ họ Trần được dân gian kể là người có công cứu chúa Nguyễn Hoàng trên phá Tam Giang và đang được thờ tự ở xã Đan Điền (TP Huế) với tên gọi miếu Bà Tơ.
  • Ra mắt hai ấn phẩm pháp lý phục vụ triển khai sắp xếp đơn vị hành chính
    Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật vừa phát hành hai ấn phẩm: “Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 (sửa đổi, bổ sung năm 2025)” và “Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025”. Đây là những tài liệu có tính thời sự, cung cấp cơ sở pháp lý đầy đủ, chính thống, hỗ trợ cán bộ, đảng viên và nhân dân trong quá trình triển khai sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, thành phố theo định hướng cải cách bộ máy nhà nước.
  • Chuyện khuyến học ở một dòng họ khoa bảng xứ Đoài
    Làng Sơn Đồng (huyện Hoài Đức, Hà Nội) nổi tiếng khắp vùng xứ Đoài xưa và nay, không chỉ bởi nghề đục tượng, làm hoành phi, câu đối cho các di tích mà còn là làng khoa bảng với 8 tiến sĩ, một Sĩ vọng, từ thời Trần đến cuối thời Nguyễn.
  • Bộ Y tế thu hồi toàn quốc 2 loại kem đánh răng phổ biến trên thị trường
    Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) vừa ban hành các quyết định đình chỉ lưu hành, thu hồi trên toàn quốc đối với 2 sản phẩm kem đánh răng do Công ty TNHH Phát Anh Minh chịu trách nhiệm đưa ra thị trường.
  • Công khai địa chỉ, đường dây nóng tại các điểm phục vụ hành chính công thuộc UBND 126 xã/phường
    Ngày 4/7, Trung tâm Phục vụ hành chính công (UBND thành phố Hà Nội) ban hành Thông báo số 195/TB-TTPVHCC công khai các điểm phục vụ hành chính công thuộc UBND 126 xã/phường, các chi nhánh thuộc Trung tâm Phục vụ hành chính công và thông tin đường dây nóng hỗ trợ, giải đáp những khó khăn, vướng mắc của người dân, doanh nghiệp về giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn Hà Nội.
Đừng bỏ lỡ
Cấp phép mầm non tư thục dễ dàng, thiếu kiểm soát
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO