(Thành hoàng làng Kim Liên, phường Phương Liên, quận Đống Đa, TP. Hà Nội)
Đền Kim Liên còn có tên là Đền Cao Sơn nơi thờ tự Cao Sơn Đại Vương ở 148 phố Kim Hoa,
phường Phương Liên, quận Đống Đa, TP. Hà Nội
Trên đất Thăng Long - Hà Nội, thần Cao Sơn được thờ ở đền Kim Liên, thuộc “Thăng Long tứ trấn”, nhưng sự tích lại khác với sự tích thần Cao Sơn ở các nơi. Bản thánh tích “Cao Sơn Linh Quốc Đại Vương” do Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính soạn vào ngày mùng 1 đầu xuân năm Hồng Phúc nguyên niên (1572) đã khẳng định và làm rõ vấn đề này. Trong báo cáo “Thần tích – Thần sắc” của các chức sắc làng Kim Hoa, tổng Kim Liên, huyện Hoàn Long, tỉnh Hà Đông gửi Viện Viễn Đông Bác Cổ năm 1938 thì vị thần thờ ở đền Kim Liên là “Cao Sơn Đại vương”, họ Cao tên Hiển tự Văn Tràng, người nước Đại Minh, tỉnh Quảng Nam, làng Bảo Sơn. Ngài sinh ngày 16 tháng 3, ngày hóa 12 tháng 8, năm 29 tuổi đỗ Hương cống, niên hiệu Khánh Lịch thứ 6 đời nhà Lê(?) đỗ Tiến sĩ làm Thừa tướng, vua sai đi đánh giặc, giặc phải hàng, nên được sắc phong là Đại Thừa tướng quyền Nguyên súy, đến năm 78 tuổi về trí sĩ, thọ 103 tuổi, vua phong làm “Cao Sơn Quốc Sử Đại vương”.
Đầu thời Lê Trung hưng, Cao Sơn Đại vương được đặc biệt đề cao, do có công phù trợ vua Lê giành lại ngai vàng. Văn bia “Cao Sơn Đại Vương Thần Từ Bi Minh” dựng năm Nhâm Thìn, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 33 (1772) khắc bài văn của sử thần Lê Tung soạn năm Canh Ngọ niên hiệu Hồng Thuận thứ 3 (1510) cho biết: “Gần đây Lê Mẫn Đế (Lê Uy Mục) thất đức, hung bạo càn rỡ… khiến cho muôn dân khốn khổ và phiên thần bị giết hại. Tháng Một năm Kỷ Tỵ (1509) vua Lê Tương Dực lánh nạn vào Tây Đô, dấy nghĩa binh khôi phục lại cơ nghiệp của Cao tổ, cứu vớt ức triệu dân”. Ba vị đại thần là Nguyễn Bá Lân, Nguyễn Hoằng Dụ và Nguyễn Văn Lữ dốc lòng thờ vua, diệt kẻ hung bạo. Đến Phụng Hóa, Nho Quan, Ninh Bình, giữa rừng sâu rậm rạp họ gặp một ngôi đền cổ, trên có đại tự “Cao Sơn Đại vương”, liền vào khấn cầu, mong thần phù trợ, và chỉ 10 ngày sau đã dẹp xong bạo loạn. Vua Lê Tương Dực đền ơn, cho xây lại đền thờ. Tấm bia “Cao Sơn Đại Vương Thần Từ Bi Minh” vốn ở Phụng Hóa đến đời Hoằng Định (1600 – 1619) lại nổi lên ở bến Bồ Đề, và được dân làng Kim Liên rước về vị trí như ngày nay. Thần Cao Sơn do đó trở thành vị thần linh thiêng bảo vệ phía Nam kinh thành.
Đền Kim Liên, xưa thuộc làng Kim Hoa, huyện Thọ Xương, năm Thiệu Trị thứ 4 (1844) đổi là Kim Liên phường, năm Duy Tân thứ 3 (1909) thuộc huyện Hoàn Long, tỉnh Hà Đông, nay thuộc phường Phương Liên, quận Đống Đa, Hà Nội. Đền xây dựng trên gò đất cao, kết cấu chữ “đinh” gồm bái đường và hậu cung. Đền còn giữ được 17 sắc phong thần có niên đại thời Lê, Tây Sơn và thời Nguyễn. Sắc phong sớm nhất đề năm Vĩnh Tộ thứ 2 (1620), sắc muộn nhất đề năm Khải Định thứ 9 (1924). Lễ hội đền Kim Liên diễn ra vào ngày Thánh đản 16 tháng Ba. Trước đây, khi làng vào đám thì dân hai làng Yên Ninh (quận Ba Đình) và Phương Liệt (quận Thanh Xuân) rước về đình Kim Liên hội tế. Lễ vật đặc biệt ở đình Kim Liên là mâm cỗ bảy tầng được chế biến rất cầu kỳ.
Ngoài đền Kim Liên, thần Cao Sơn còn được thờ ở đình Đại phố Bạch Mai, và đình làng Quỳnh Lôi, quận Hai Bà Trưng; đình làng Yên Mỹ, huyện Thanh Trì. Bên cạnh làng Kim Liên có làng Trung Tự cũng thờ Cao Sơn Đại vương, nên từ xa xưa con trai, con gái hai làng Kim Liên và Trung Tự không lấy nhau bao giờ.
Đền Kim Liên thờ thần Cao Sơn đã được xếp hạng Di tích cấp Quốc gia.