Nguyễn Huyền Trân ngoài giờ học em rất thích đọc sách
Đối với học sinh, sinh viên Việt Nam, nói đến ước mơ “săn” học bổng để đi du học, đặc biệt là du học ở các nước có nền giáo dục phát triển như Anh, Mỹ, Canada, Đức,… chúng ta thường chỉ liên tưởng đến các học sinh được sinh ra và lớn lên ở khu vực trung tâm các thành phố lớn, nơi ngoài kiến thức được trau dồi ở trường học thì còn có một môi trường học tập tiếng Anh theo đúng “chuẩn” như người bản địa. Sóc Sơn là một huyện ngoại thành, huyện miền núi của Thủ đô, điều kiện để được học tiếng Anh đáp ứng được việc nộp đơn ứng tuyển, tham gia phỏng vấn, xin học bổng, thi đủ chuẩn IELTS để đi du học như em là một việc vô cùng khó khăn. Kiến thức là quá trình tích lũy, nó là một chặng đường dài mà nếu như không có đam mê và nỗ lực tự thân đủ lớn thì không thể nào em thực hiện được.
Trao đổi với phóng viên tạp chí Người Hà Nội, bà Nguyễn Thị Thúy An, mẹ của Huyền Trân cho biết: Từ nhỏ Trân đã có hứng thứ rất lớn dành cho tiếng Anh. Trân lớn lên trong nhà đã có chị gái thứ hai sau khi tốt nghiệp đại học ở Việt Nam đã apply được học bổng sau đại học cũng chính ở Anh Quốc. Có lẽ đó là tấm gương và cũng là động lực để Huyền Trân miệt mài cố gắng cho đến khi thực hiện được ước mơ của mình.
Bà Nguyễn Thị Thúy An, mẹ của em ở địa phương là người rất có uy tín, nhiều năm liền bà luôn được bầu là hội trưởng hội phụ huynh học sinh của các lớp học, các cấp học cả tiểu học và trung học. Tuy công việc bận rộn nhưng bà vẫn được sự ủng hộ của chồng để dành thời gian tham gia công tác tập thể, với mong muốn sẽ góp phần tạo ra những điều kiện học tập tốt hơn cho con em tại địa phương. Theo tìm hiểu của phóng viên, vợ chồng bà An cũng từng dành nhiều tâm huyết, cả thời gian và vật chất để ủng hộ, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn nhưng có sự nỗ lực vượt khó để học tập ở những vùng sâu vùng xa. Một môi trường gia đình như vậy vừa là sự tự hào và cũng là điểm tựa vững chắc để em có thể ước mơ và từng bước thực hiện ước mơ của mình.
Trước câu hỏi của phóng viên về dự định của em cho công việc tương lai Huyền Trân cho biết em sẽ chọn ngành khoa học dữ liệu (Data Science). Khoa học dữ liệu không phải là một thuật ngữ mới, nó lần đầu ra đời từ những năm 60 của thế kỷ trước trong vai trò là tên gọi khác của thống kê. Đến cuối những năm 90, các chuyên gia khoa học máy tính đã chính thức hóa thuật ngữ này. Trong thế giới mà sự đột phá về trí tuệ nhân tạo và máy móc ngày càng giúp cho hoạt động xử lý dữ liệu nhanh hơn, hiệu quả hơn thì nó cũng đòi hỏi trình độ chuyên môn và bộ kỹ năng đa ngành nghề, lĩnh vực khoa học dữ liệu cho thấy sự phát triển mạnh mẽ được dự kiến trong nhiều thập niên tới. Khi được hỏi về khó khăn lớn nhất trong quá trình chuẩn bị cho ước mơ đi du học, Huyền Trân cho biết: giai đoạn chuẩn bị cho kỳ thi cuối kỳ năm học lớp 10, em phải chia thời gian làm sao để vừa có một GPA “đẹp” (GPA-Grade Point Avarage- kết quả học tập trung bình) vừa phải hoàn thành tốt những bài phỏng vấn, những bài test, kiểm tra đầu vào của các trường bên Anh đạt kết quả cao nhất với hy vọng sẽ “săn” được học bổng đúng với dự định của mình là lúc em thấy khó khăn nhất.
Theo nguồn tin của phóng viên do các cựu du học sinh Việt Nam tại Anh cung cấp thì trường Trung học Mander Portman Woodward là một trong những lựa chọn hàng đầu của học sinh các nước Châu Á, trong đó có Việt Nam. Trường được thành lập năm 1973, có trụ sở chính tại London, Anh. Hàng năm có khoảng từ 25 - 30% chỉ tiêu được nhà trường dành cho học sinh của hơn 40 quốc gia khác trên thế giới thi tuyển và ở mỗi quốc gia trường cũng giới hạn số học sinh được nhận để đảm bảo sự đa dạng của môi trường học tập. Sau khi kết thúc khóa học ở đây phần lớn học sinh được nhận vào các trường danh tiếng ở bậc đại học của Anh Quốc và thế giới như Cambridge, Bristol, Oxford, Endinburgh, Boston (Mỹ)… Đặc biệt, trường là một trong số rất ít các trường ở Anh đào tạo thành công các khóa học chuyên ngành về Nghệ thuật và Y học. 100% sinh viên đăng ký khóa học nghệ thuật và thiết kế của trường được nhập học tại University of the Arts London.
Nguyễn Huyền Trân đã sẵn sàng cho những kế hoạch tương lai nơi "trời Âu"
Nể phục trước nghị lực, sự tự thân cố gắng và những ước mơ của cô nữ sinh nhỏ bé Huyền Trân, chúng tôi những người viết bài này mong muốn đây sẽ như một một món quà, một lời động viên để em có thêm niềm tin vào con đường mà em đã chọn. Chính em cũng là người đã tạo nên một điều kỳ diệu cho bản thân mình trong ước mơ chinh phục trời Âu. Em là một tấm gương để rồi đây rất nhiều những học sinh khác có thể nhìn vào vượt qua những giới hạn về điều kiện học tập, điều kiện địa lý, dám ước mơ và có thể thực hiện được ước mơ của mình trong hành trình chinh phục tri thức. Thế kỷ 21 là thế hệ của những công dân toàn cầu, khoảng cách của địa lý và dân tộc sẽ bị xóa nhòa bởi khoa học, công nghệ và quá trình toàn cầu hóa. Lòng yêu nước, sự tự tôn dân tộc và vị thế Quốc gia sẽ được thể hiện ở những thành tựu mà con người đạt được. Chính các em sẽ là những người quyết định điều đó bằng kiến thức và năng lực của mình trước bạn bè quốc tế. Chúc cho cô gái nhỏ vượt ra khỏi vùng an toàn, xa vòng tay cha mẹ sẽ thuận buồm xuôi gió để gặt hái những thành công mà sẽ do chính em tạo dựng.