Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, trong năm 2022, thành phố xảy ra 2 trường hợp ngộ độc methanol (cồn công nghiệp) và 29 người gặp sự cố về an toàn thực phẩm, đã được điều tra và xử lý kịp thời. Ngoài ra, các đoàn thanh tra, kiểm tra của thành phố đã phát hiện hơn 10.000 cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm, trong đó xử phạt vi phạm hành chính 1.403 cơ sở với số tiền gần 24,8 tỷ đồng và chuyển cơ quan điều tra 4 vụ.
“Các vi phạm về an toàn thực phẩm chủ yếu trong năm 2022 là không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, hoặc giấy chứng nhận hết hạn; không tiến hành khám sức khỏe, tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm cho người lao động; không bố trí sản xuất theo nguyên tắc một chiều; kinh doanh hàng hóa là lương thực, thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm an toàn thực phẩm... Do đó, không chỉ lo về ngộ độc rượu, khi nhu cầu tiêu dùng thực phẩm tăng cao, người dân cũng cần cảnh giác với những loại hàng giả, hàng kém chất lượng”, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương lưu ý.
Những ngày cuối của năm 2023, tại Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), các y, bác sĩ đang tất bật tiếp nhận, cấp cứu những bệnh nhân bị ngộ độc rượu. Bệnh nhân ở đây hầu hết rơi vào trạng thái hôn mê, có người nặng hơn thì phải truyền dịch, thở ống, máy móc hỗ trợ.
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, không chỉ rượu methanol mà ngay cả rượu truyền thống ethanol nếu như lạm dụng cũng có thể gây ra ngộ độc, tử vong. Cụ thể, thành phần ethanol trong rượu trực tiếp gây hạ đường huyết. Đường huyết xuống thấp gây tổn thương lan tỏa ở cả hai bên bán cầu não. Nếu tình trạng này chậm xử lý, tổn thương não sẽ lan rộng hơn, gây co giật, lờ đờ, hôn mê, thậm chí tử vong.
Nhiều người còn có thói quen pha rượu với nước ngọt, bia, cà phê, hoa quả… Tuy nhiên, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cảnh báo, khi pha chung với rượu, hàm lượng các chất kích thích có trong các loại đồ uống nêu trên tăng cao. Chất kích thích, độc chất ngấm sâu vào máu đến hệ thần kinh, khiến hiện tượng ngộ độc đến sớm hơn so với đồ uống thông thường. Riêng rượu pha với bia khiến lượng cồn nhanh chóng được hấp thu vào máu dưới tác động của các hương liệu, phụ gia và những chất khác biệt. Do đó, khi uống rượu pha, cơ thể có cảm giác hưng phấn, dễ bị say, lại gây mệt mỏi, uể oải khi thức dậy.
Thời điểm hiện nay, thành phố Hà Nội bắt đầu vào đợt cao điểm thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm. Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong thông tin, bên cạnh việc thanh tra, kiểm tra đột xuất, hậu kiểm sau công bố, cơ quan chức năng sẽ tiến hành lấy mẫu kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm đối với các thực phẩm lưu thông nhiều trong dịp Tết, các sản phẩm rượu, nhất là các loại rượu được sản xuất thủ công, nhỏ lẻ, không rõ nguồn gốc. Kết quả kiểm nghiệm sẽ được thông báo rộng rãi để người tiêu dùng biết, tránh sử dụng những sản phẩm không bảo đảm an toàn.