Cuối năm lại lo ngộ độc rượu

HNM| 02/12/2021 08:14

Đến hẹn lại lên, cứ đến dịp cuối năm, lượng tiêu thụ rượu, bia của người dân lại tăng đột biến. Kéo theo đó, số vụ ngộ độc do sử dụng rượu không nguồn gốc, rượu có chứa methanol (cồn công nghiệp) cũng gia tăng. Ngộ độc cồn công nghiệp methanol đang là nguyên nhân gây tử vong lớn nhất trong các vụ ngộ độc thực phẩm.

Cuối năm lại lo ngộ độc rượu
Điều trị bệnh nhân ngộ độc rượu tại Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai).

Dễ nhầm lẫn ngộ độc với say rượu

Thời gian gần đây, tình trạng ngộ độc methanol có chiều hướng gia tăng. Chỉ trong 2 tuần trở lại đây, Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) đã tiếp nhận 8 bệnh nhân nhập viện do ngộ độc methanol. Các ca bệnh đều rất nặng, hôn mê, có tổn thương não. Kết quả xét nghiệm nồng độ cồn methanol trong máu rất cao, lên tới vài trăm ml/dL. Mặc dù đã được giải độc và cấp cứu theo phác đồ, nhưng vẫn có 2 bệnh nhân tử vong. Các bệnh nhân còn lại gặp các di chứng với não và mù mắt. Khai thác bệnh sử cho thấy, những bệnh nhân này đều uống các loại rượu không rõ nguồn gốc và uống rất nhiều rượu.

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, về nhận diện, methanol rất giống với rượu ethanol thông thường, thậm chí còn ngọt và dễ uống hơn. Khi mới uống, bệnh nhân cũng có cảm giác giống với say rượu, nên dễ bị nhầm lẫn. Tuy nhiên, khoảng 1-2 ngày sau khi uống, bệnh nhân sẽ có biểu hiện mờ mắt, lơ mơ, thở nhanh và thở sâu giống như khó thở do nhiễm toan chuyển hóa, co giật, hôn mê. Khi đến viện, hầu hết các trường hợp này đã tổn thương não, mù mắt và tụt huyết áp, ở trong tình trạng nguy kịch.

Theo Trung tâm Chống độc, các loại rượu chứa cồn công nghiệp gây ngộ độc ở Việt Nam hoàn toàn có nguồn gốc không phải do các loại rượu nấu truyền thống mà do người kinh doanh đã mua cồn công nghiệp về đóng chai hoặc pha thành các loại rượu rởm. Sau đó, họ trà trộn với các loại rượu truyền thống để thu lợi. Một nguyên nhân nữa là nhiều công ty cũng nhập các loại cồn chứa methanol về đóng chai, dán nhãn cồn sát trùng hoặc cồn để đốt và bán ở các hiệu thuốc, thậm chí không loại trừ có cơ sở y tế nhập về để sử dụng.

Trung tâm Chống độc đã và đang phát hiện nhiều sản phẩm cồn sát trùng chứa nồng độ methanol rất cao. Nồng độ cồn công nghiệp methanol trong chai cồn sát trùng chiếm 70-90% và đều đã báo cáo Bộ Y tế, các cơ quan chức năng. Nguyên liệu cồn công nghiệp chứa methanol do sản xuất công nghiệp hoặc nhập khẩu và rất sẵn trên thị trường.

“Điều đáng lo ngại, đó là vào mỗi dịp lễ, Tết, số bệnh nhân nhập viện do rượu thường tăng 2-3 lần. Bệnh nhân ở mọi lứa tuổi, các ngành nghề. Không chỉ có rượu mà bia cũng gây ngộ độc. Bia là rượu pha loãng và có thêm… bọt, nếu lạm dụng cũng gây ngộ độc”, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên lưu ý.

Cách phòng tránh ngộ độc cồn công nghiệp

Từ thực tế thống kê, theo dõi tình trạng ngộ độc rượu nhiều năm qua, PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) nhận định, số vụ ngộ độc rượu thường tăng cao dịp cuối năm, Tết Nguyên đán và những ngày lễ, hội. Nguyên nhân của ngộ độc rượu là do lạm dụng rượu, uống rượu quá mức chấp nhận của cơ thể, do uống rượu không nguồn gốc, không bảo đảm an toàn. Ngoài tình trạng ngộ độc thường gặp ở rượu methanol, thì ngộ độc rượu ngâm với thảo mộc (lá, rễ, hạt cây) hoặc ngâm với động vật (mật, phủ tạng…) có chứa độc tố tự nhiên cũng gây nguy hiểm khôn lường cho người dùng.

Theo các chuyên gia, trong 1 “đơn vị rượu” thường có 8-14g rượu nguyên chất chứa trong dung dịch đó. Mỗi đơn vị rượu tương đương 1 lon bia 270-330ml 2-12 độ hoặc 1 chén rượu vang 125ml 9-18 độ hay 1 chén rượu mạnh 40ml 40 độ. Nam giới uống quá 3 đơn vị rượu/ngày; nữ giới uống quá 2 đơn vị rượu/ngày được coi là lạm dụng rượu. Không chỉ gây ra tình trạng ngộ độc cấp tính, uống rượu lâu ngày dẫn đến nghiện rượu còn kèm theo tình trạng sút cân, chán ăn, ỉa chảy do tổn thương gan và ruột; da, niêm mạc nhợt nhạt do thiếu máu; thoái hóa gan, xơ gan, có thể ung thư gan; nhồi máu cơ tim, mất trí nhớ, run, rối loạn tinh thần… Riêng đối với phụ nữ mang thai, uống nhiều rượu có thể gây sinh non, ảnh hưởng đến phát triển thể chất, tinh thần, trí tuệ của đứa trẻ, gây ngộ độc cho thai nhi.

Để phòng ngừa ngộ độc rượu, bia, theo PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, người dân cần thực hiện các nguyên tắc, đó là không uống cồn công nghiệp và rượu có hàm lượng methanol > 0,1%, vì có thể gây mù mắt và tử vong. Ngoài ra, không uống rượu nồng độ từ 30 độ trở lên vượt quá 30ml/người/ngày. Không uống rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật không rõ độc tính hay rượu ngâm theo kinh nghiệm cá nhân. Đặc biệt, không uống rượu khi không biết đó là rượu gì, rượu không rõ nguồn gốc, rượu không công bố tiêu chuẩn chất lượng và không uống khi đang đói, mệt hoặc đang uống thuốc điều trị. Đối với trẻ em dưới 16 tuổi, tuyệt đối không uống rượu, bia.

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cũng khuyến cáo, người dân hãy lựa chọn những sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng. Cụ thể là loại rượu sử dụng chắc chắn được nấu theo cách truyền thống hoặc sản phẩm chính thức được đăng ký của các công ty, bảo đảm từ khâu sản xuất, phân phối, việc mua bán có mã hàng, có hóa đơn, để có thể truy xuất được nơi sản xuất, người phân phối. Trong dịp cuối năm, lễ, Tết, cần uống rượu, bia ở mức nguy cơ thấp nhất trong một lần uống, uống từ từ kết hợp với sử dụng đồ ăn, xen kẽ với nước lọc. Đặc biệt, tuyệt đối không điều khiển phương tiện tham gia giao thông sau khi uống rượu, bia.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Tọa đàm những vấn đề về kịch bản sân khấu hiện nay
    Với mong muốn tìm ra những nguyên nhân và giải pháp về vấn đề kịch bản sân khấu hiện nay, sáng 22/11, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức tọa đàm “Những vấn đề về kịch bản sân khấu” với sự tham gia của đông đảo hội viên trong hội.
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Khám phá Tây Bắc tại triển lãm "Tây Park - Ngàn"
    Triển lãm thị giác "Tây Park - Ngàn" được thực hiện dựa trên quá trình 10 năm đi và trải nghiệm tại Tây Bắc (Việt Nam) kết hợp sáng tạo nhiếp ảnh của Nguyễn Thanh Tuấn.
  • Huyện Thanh Oai: Đẩy mạnh triển khai Chỉ thị 30-CT/TU với tuyên truyền các Quy tắc ứng xử
    Huyện Thanh Oai đề cao và phát huy vai trò cá nhân của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trong nhiệm vụ xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; vai trò trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng, mỗi gia đình trong xây dựng và giữ gìn môi trường văn hóa lành mạnh.
  • Các xã, phường mới của Hà Nội sau khi sáp nhập
    Sau khi sắp xếp lại, Hà Nội có 526 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 160 phường, 345 xã và 21 thị trấn.
Đừng bỏ lỡ
Cuối năm lại lo ngộ độc rượu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO