Cần có đặc thù cho quy hoạch thoát lũ phân khu sông Hồng

hanoimoi| 12/07/2020 23:05

Đã có nhiều nghiên cứu quy hoạch dọc hai bên sông Hồng, thậm chí một số nghiên cứu quy hoạch đã được thông qua, song cho đến nay tất cả vẫn dừng lại "trên giấy". Để sớm khai thác hai bờ sông Hồng cần có đặc thù cho quy hoạch thoát lũ phân khu sông Hồng.

Tìm hiểu các đồ án quy hoạch hai bên sông Hồng và nguyên nhân các ý tưởng vẫn chưa được triển khai, phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, hiện là Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam.
Cần có đặc thù cho quy hoạch thoát lũ phân khu sông Hồng
Định hướng không gian Hà Nội.

- Là người theo sát Hà Nội trong công tác quy hoạch, xin ông cho biết nghiên cứu quy hoạch hai bên sông Hồng có từ thời điểm nào?

- Sông Hồng chảy qua địa phận Hà Nội có chiều dài khoảng 130km. Từ bao đời nay, khu vực ngoài bãi đã có dân cư sinh sống. Quy hoạch chung thành phố Hà Nội năm 1998 đã định hướng thành phố phát triển hai bờ sông Hồng, trong đó sông Hồng là trục trung tâm phát triển của đô thị Hà Nội.

Đặc biệt, Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt năm 2011 (tại Quyết định 1259/QĐ-TTg), xác định trục không gian cảnh quan hai bên bờ sông Hồng là trục trung tâm quan trọng của thành phố.

Thực hiện Quyết định 1259/QĐ-TTg, năm 2012, thành phố Hà Nội đã phê duyệt nhiệm vụ thiết kế quy hoạch phân khu sông Hồng. Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội đã triển khai lập quy hoạch sông Hồng từ 3 năm nay, đã rà soát, thực hiện các bước...

Thời gian qua, đã có khá nhiều ý tưởng quy hoạch phát triển hai bên bờ sông Hồng, song chưa thể trở thành hiện thực do quy hoạch phân khu sông Hồng chưa được phê duyệt.

- Đâu là nguyên nhân khiến quy hoạch phân khu sông Hồng chưa được phê duyệt, thưa ông?

- Yêu cầu của công tác nghiên cứu quy hoạch sông Hồng là xây dựng trục không gian cảnh quan quan trọng của thành phố, nghiên cứu mô hình phát triển đô thị và khai thác hiệu quả quỹ đất hiện có, bên cạnh việc bảo đảm phòng chống lũ.

Việc quản lý đầu tư xây dựng khu vực bãi sông lại bị chi phối bởi nhiều quy định pháp luật: Luật Đê điều năm 2006, Nghị định 113/NĐ-CP ngày 28-6-2007 của Chính phủ, Quy hoạch phòng chống lũ trên hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình. Song cho đến nay, quy hoạch phòng chống lũ (do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt) chưa hoàn thành. Vì vậy, quy hoạch phân khu sông Hồng vẫn "mắc cạn".

Cần có đặc thù cho quy hoạch thoát lũ phân khu sông Hồng
TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm

- Như ông vừa trao đổi, đã có khá nhiều ý tưởng quy hoạch phát triển hai bên bờ sông Hồng. Ông có thể nói rõ hơn về những ý tưởng này?

- Đã có khá nhiều đề xuất triển khai quy hoạch sông Hồng với quy mô khác nhau. Năm 1996, dự án Trấn sông Hồng được nhà đầu tư Singapore đề xuất xây dựng ngoài đê khu vực An Dương. Phía Singapore đã thiết kế một khu dân cư hiện đại với các cao ốc là một quần thể gồm nhà ở, văn phòng thương mại, khách sạn, khu vui chơi và sinh hoạt cộng đồng nhằm giúp Hà Nội có một tiểu khu như ở đảo quốc sư tử. Năm 2005, Công ty Indochina Land (Hoa Kỳ) đề xuất dự án khu đô thị khoa học tại đây.

Đặc biệt không thể không kể đến 2 dự án quan trọng nhất. Một là dự án HAIDEP nằm trong Chương trình phát triển tổng thể Thủ đô Hà Nội giữa Việt Nam - Nhật Bản (năm 2004) trong đó đề xuất khai thác phát huy hai bên sông Hồng.

Hai là dự án thành phố bên sông do lãnh đạo thành phố Hà Nội và thị trưởng thành phố Seoul (Hàn Quốc) ký thỏa thuận hợp tác quy hoạch, cải tạo và phát triển hai bên bờ sông Hồng, đoạn qua Hà Nội (năm 2006). Theo đó, phía Hàn Quốc giúp Hà Nội xây dựng bản quy hoạch 2 bên sông Hồng...

Năm 2017, một số tập đoàn lớn trong nước như: Sun Group, Vingroup, Geleximco cũng đề xuất tự nguyện tài trợ kinh phí cho công tác nghiên cứu quy hoạch, đặc biệt là vấn đề trị thủy, giao thông dọc sông Hồng. Hà Nội cũng có chủ trương giao Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội phối hợp 3 nhà đầu tư nghiên cứu, đưa ý tưởng... Với quỹ dự án phong phú như thế này, các dự án hoàn toàn có thể "sống" dậy khi quy hoạch phân khu sông Hồng được duyệt.

- Theo ông, đâu là thách thức khi thực hiện quy hoạch phân khu sông Hồng và cần làm gì để đẩy nhanh phê duyệt quy hoạch phân khu sông Hồng - là cơ sở đưa các ý tưởng thành hiện thực, thưa ông?

- Thách thức lớn nhất là tính toán sự ổn định thoát lũ và hệ thống đê điều. Do đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần sớm xác định quy hoạch thoát lũ sông Hồng, hệ thống đê điều đoạn qua Hà Nội. Trên cơ sở đó, Hà Nội mới có cơ sở phê duyệt quy hoạch phân khu sông Hồng, tạo định hướng và là công cụ quản lý, cơ sở kêu gọi đầu tư.

Để đẩy nhanh phê duyệt, tôi cho rằng cần có đặc thù cho quy hoạch phân khu sông Hồng, giúp Hà Nội sớm kêu gọi đầu tư, triển khai các dự án tại đây. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng cần có cơ chế ưu đãi với các dự án đã có nhằm hồi sinh các dự án, hướng tới mục tiêu sớm khai thác hai bên sông Hồng.

Xin cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Phố cũ
    Chiều. Làn gió se lạnh vời vợi dọc theo những con phố. Gió về cuốn đi cái oi nồng của những ngày nắng hanh hao. Bỗng vòng xe vô tình rẽ vào phố cũ. Lâu lắm không về phố, hình như đã không còn cảm giác thân thuộc ngày nào. Phố cũ hiện ra trước mặt là lạ, quen quen…
  • [Video] Sóng lụa làng nghề Vạn Phúc
    Là một trong những làng nghề thủ công ra đời sớm nhất vùng Đồng bằng sông Hồng cũng như cả nước, làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông) là làng nghề dệt lụa tơ tằm nổi tiếng từ xa xưa. Nhiều mẫu hoa văn của lụa Vạn Phúc từng được chọn may quốc phục dưới các triều đại phong kiến. Ngày nay, ngoài việc gìn giữ, phát huy giá trị của nghề truyền thống qua các sản phẩm, làng lụa Vạn Phúc còn là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách trong nước và quốc tế.
  • Tọa đàm những vấn đề về kịch bản sân khấu hiện nay
    Với mong muốn tìm ra những nguyên nhân và giải pháp về vấn đề kịch bản sân khấu hiện nay, sáng 22/11, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức tọa đàm “Những vấn đề về kịch bản sân khấu” với sự tham gia của đông đảo hội viên trong hội.
  • 18 tỉnh, thành phố tham gia Hội chợ trái cây, nông sản an toàn tại Hà Nội
    Tối 22/11, Sở Công thương Hà Nội chủ trì, phối hợp Ủy ban nhân dân huyện Thanh Trì tổ chức Hội chợ trái cây, nông sản an toàn các tỉnh, thành phố tại Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Thanh Trì, Hà Nội.
  • Chung sức, đồng lòng thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đưa đất nước vững bước vào kỷ nguyên mới
    Sau gần 40 năm đổi mới, dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, tình hình kinh tế - xã hội đất nước có bước chuyển mình mạnh mẽ, đột phá, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho Nhân dân. Bên cạnh những thành tựu to lớn, Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có tình trạng lãng phí, gây tác họa nghiêm trọng, lâu dài, khó khắc phục, cản trở đất nước vươn mình, giàu mạnh. Bởi vậy, hiện nay, Đảng, Nhà nước coi triệt bỏ lãng phí là nhiệm vụ cấp bách hàng đầu.
Đừng bỏ lỡ
Cần có đặc thù cho quy hoạch thoát lũ phân khu sông Hồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO