Phiên tòa xét xử vụ tai biến y khoa tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình ngày 23-5-2018. (Ảnh: Thanh Hải/TTXVN) |
Ngày 10-5, Bộ Y tế đã có Công văn số 2569/BYT-PC gửi Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Hòa Bình đề nghị xét xử khách quan, công tâm, khoa học vụ án chạy thận nhân tạo khiến 8 bệnh nhân tử vong tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình.
Công văn Bộ Y tế nêu rõ ngày 30-1-2019, Hội đồng xét xử sơ thẩm - Tòa án nhân dân thành phố Hòa Bình đã tuyên án (Bản án số 08/2019/HSST) đối với vụ án "Vô ý làm chết người" và "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" liên quan đến sự сố y khoa làm 8 bệnh nhân chạy thận tử vong tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình.
Theo đó, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt Bị cáo Hoàng Công Lương - nguvên bác sỹ Khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình 42 tháng tù; bị cáo Hoàng Đình Khiếu - Nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình 36 tháng tù; Bị cáo Trương Quý Dương - nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình 30 tháng tù; bị cáo Đỗ Anh Tuấn, Giám đốc Công ty cổ phẩn Dược phẩm Thiên Sơn 30 tháng tù...
Ngay sau khi tuyên án, dư luận xã hội trong và ngoài ngành Y tế đã thực sự bất ngờ, bàng hoàng, bất bình dẫn đến hoang mang, lo lắng cho một số bị cáo trước bản án này.
Đa số các ý kiến phản đối đều cho rằng việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đối với một số bị cáo trong vụ án này có phần khiên cưỡng, quy chụp, chưa đúng tội danh, oan sai... dù đã được các Hội Hồi sức và lọc máu quốc gia, Tổng hội Y học Việt Nam, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam... cùng nhiều chuyên gia trong lĩnh vực y tế và cả đại biểu Quốc hội lên tiếng, khuyến nghị, nhưng cũng chưa được lắng nghe một cách nghiêm túc trên cơ sở khoa học pháp lý.
Trước thông tin ngày 13-5-2019 tới, Tòa án nhân dân tỉnh Hòa Bình sẽ xét xử phúc thẩm vụ án trên, Bộ Y tế đã tổng hợp các ý kiến có trách nhiệm của Chi hội Luật gia Bộ Y tế, các chuyên gia giàu kinh nghiệm, tâm huyết về y tế, pháp lý, trang thiết bị y tế, hóa học đối với nội dung Bản án.
Bộ Y tế cho rằng, việc định tội danh và tuyên phạt trong phiên xét xử sơ thẩm đối với một số bị cáo còn thiếu khách quan và chưa bảo đảm khoa học pháp lý.
Đối với bị cáo Hoàng Công Lương, theo Bộ Y tế, trong quá trình điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra tỉnh Hòa Bình đã 3 lần thay đổi tội danh, từ tội "Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác”, "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" cho đến tội “Vô ý làm chết người" cho thấy Cơ quan này khá lúng túng trong việc xác định tội danh do không đủ cơ sở để buộc tội.
Việc xử phạt bị cáo Hoàng Công Lương về tội "Vô ý làm chết người" cũng chưa phù hợp. Bản án cho rằng bị cáo Lương "Ký đề xuất sửa chữa nhưng chưa nhận lại bàn giao hoặc chưa hỏi người có trách nhiệm sửa chữa hay có thẩm quyền để biết nước chạy thận đã an toàn mà đã ra y lệnh chạy thận cho bệnh nhân dẫn đến hậu quả.
Xác định lỗi vô ý do cẩu thả" là chưa phù hợp với hành vi khách quan của tội danh này vì lỗi này là lỗi hành chính, không tác động trực tiếp lên cái chết của nạn nhân.
Vì vậy, việc xác định bị cáo Lương phạm tội "Vô ý làm chết người" là không đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Việc xử phạt bị cáo Đỗ Anh Tuấn tội danh "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" cũng không phù hợp, không đủ yếu tố cấu thành tội phạm về chủ thể, cũng như hành vi vi phạm.
Bộ Y tế cũng cho rằng, việc xác định bị cáo Trương Quý Dương và bị cáo Hoàng Đình Khiếu phạm tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" là khiên cưỡng, yếu chứng lý về yếu tố cấu thành tội phạm liên quan đến chủ thể trực tiếp, gián tiếp hay gián tiếp của gián tiếp của hậu quả dẫn đến 8 bệnh nhân tử vong.
Theo Bộ Y tế, nếu phiên tòa phúc thẩm vẫn xác định tội danh và tuyên như bản án sơ thẩm sẽ gây ra tâm lý bất an cho toàn thể thầy thuốc, nhân viên y tế trong cả nước, những người đang hàng ngày trực tiếp cứu chữa, điều trị, chăm sóc bệnh nhân vì lý do an toàn nghề nghiệp của họ.
Nếu phiên tòa phúc thẩm vẫn tuyên bị cáo Lương tội danh "Vô ý làm chết người” sẽ tạo ra một tiền lệ vô cùng nguy hiểm trong ngành Y tế vì ai cũng có thể bị điều tra, truy tố, xét xử với tội danh này mà bỏ qua việc truy tố các tội danh đặc trưng cho ngành Y tế là tội "Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác" hay tội "Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính”.
Từ đây, bất kỳ sự сố y khoa nào xảy ra dẫn đến tử vong của bệnh nhân thì không trừ ai đều có khả năng gánh chịu trách nhiệm pháp lý hình sự. Từ đây, các thầy thuốc, nhân viên y tế để thủ thân, an toàn cho mình sẽ bám vào thủ tục hành chính, bám vào quy trình nhiều hơn, mất rất nhiều thời gian cho các công việc ngoài chuyên môn thay cho sự xả thân có tính mạo hiểm của nghề nghiệp để tận tâm chữa bệnh, cứu người và hậu quả cuối cùng, người chịu thiệt thòi nhất lại là người bệnh...
Để bảo đảm vụ án được điều tra, truy tố, xét xử công khai, minh bạch, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không bỏ lọt tội phạm cũng như không làm oan người vô tội và bảo đảm tính khoa học toàn diện, Bộ Y tế đề nghị điều tra thận trọng, kỹ lưỡng, toàn diện, khách quan, để từ đó làm cơ sở khoa học vững chắc cho công tác truy tố, xét xử và cũng để phòng ngừa rủi ro, nâng cao kiểm soát các yếu tố nguy cơ, bảo đảm an toàn cho người bệnh trong cả nước.
Bộ Y tế cho rằng, việc để xảy ra sự cố y khoa đặc biệt nghiêm trọng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình cần thiết phải áp dụng các chế tài xử lý nghiêm khắc nhất.
Các bị cáo đều phải có trách nhiệm nhưng trách nhiệm đó là lỗi hay tội phạm và mức độ chịu trách nhiệm pháp lý của các bị cáo cũng khác nhau nên phải được điều tra, truy tố, xét xử để bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không bỏ lọt tội phạm cũng như không làm oan người vô tội…