Tộc người bước ra từ rừng già
Vỏn vẹn chưa đầy 500 nhân khẩu, quần cư tại làng Le, xã Mo Ray, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum, người Rơ Măm từ các bậc già làng đến đám con trẻ đều cảm thấy tự hào mỗi lần nhắc đến tộc mình. Ý nghĩa của hai từ Rơ Măm là gì thì ngay cả người già nhất buôn làng cũng không thể giải thích. Nhưng nó là tên của tộc, nó cùng với truyền thống văn hóa, đường ăn nết ở đã tạo nên sự khác biệt của một cộng đồng người có số cá thể hết sức khiêm tốn ở nước ta.
Trứng kiến, một món ăn đặc sắc của người Rơ Măm
Bên sàn nhà rông, già Y Tiếc khe khẽ hát. Lời hát như tiếng gió qua khe lá ấy là một câu chuyện sử thi của người Rơ Măm, kể về người anh hùng đã một mình mang cung nỏ, giáo mác ngược lên đỉnh Chư Mom Ray đánh lại người xứ Yàng bảy ngày bảy đêm… kể về một thời hoàng kim của tộc người Rơ Măm ưu tú, giỏi giang đã dám chống lại mọi kẻ thù hung bạo nhất. Ngày xưa, xưa lắm, cả trăm năm về trước, người Rơ Măm đông hơn bây giờ nhiều, có tới 12 làng sống biệt lập ở những nơi cao nhất so với các tộc khác. Nhưng rồi một trận dịch khủng khiếp cách đây hơn 70 năm đã xóa sạch các làng, chỉ để lại một làng duy nhất là làng Le hôm nay.
Khoảng thời gian lang thang giữa đại ngàn Chư Mom Ray heo hút ấy, bất cứ người già Rơ Măm nào cũng nhớ rất rõ. Họ quan niệm, một ngọn núi, phía trên là địa phận của trời, là nơi linh thiêng để vươn tới… còn bên dưới là cõi âm, cây cối, đất đai, sông suối… thuộc về ma nên người Rơ Măm không sinh sống tại những vùng thấp. Chính vì lẽ ấy mà dẫu bao đời chịu đói khổ vì sống biệt lập nơi rừng hoang, thiếu nước và đất canh tác, nhưng người Rơ Măm vẫn không chịu rời khỏi vùng đất của tổ tiên. Đã vậy, các hủ tục như sống lang thang, săn bắt hái lượm, ăn thịt sống, khi chết chôn chung, người ốm chỉ cúng Yàng… càng khiến cho số dân của tộc này ngày một ít đi. Trước năm 1975, cả cộng đồng Rơ Măm chỉ có 159 người với 26 hộ, cuộc sống đói khổ triền miên.
Cuộc sống đói khổ, số lượng dân cư ít ỏi là vậy, nhưng những người dân Rơ Măm hiền lành, thương khó này đã cùng "đất nước đứng lên" chống lại kẻ thù xâm lược. Những nếp nhà Rơ Măm là nơi che giấu cho bộ đội cách mạng vượt qua bao cuộc truy lùng "tìm diệt" gắt gao của giặc. Nhiều thanh niên Rơ Măm đã tạm biệt buôn làng để theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Già làng A Blank, A Giói, Y Tiếc, Trưởng thôn A Dói… là những người trong số ấy. Sau ngày đất nước thống nhất, họ trở lại với buôn làng mình, trở thành những hạt giống nòng cốt trong việc đưa tộc mình vượt qua bờ vực diệt vong. Từng bước một, họ đã đưa dân làng mình rời khỏi ngọn núi Yang Sít xuống khu vực dọc quốc lộ 14C, thuộc địa bàn xã Mo Ray, huyện Sa Thầy hiện nay.
Người anh em nhỏ bé Rơ Măm sau khi xuống núi đã có nhiều thành công trong việc cải thiện điều kiện sống của cộng đồng làng mình. Vốn sống bằng nghề làm rẫy, trồng lúa nếp nên những cánh đồng lúc nào cũng có bóng người đi thăm lúa. Người ta biết yêu quí đất hơn, không còn tùy tiện dùng rìu đốn hạ cây, dùng lửa đốt rừng, dọn rẫy nên cây lúa không còn ăn mất đất rừng.
Phương thức thu hoạch lúa của đồng bào nơi đây còn khá sơ giản. Lúa được để chín rục trên rẫy đến khô nỏ. Sau khi làm lễ cúng xin được tuốt lúa mới, họ mới bắt đầu thu hoạch bằng cách tuốt hạt thóc bằng tay trần trên bông lúa ngay tại rẫy rồi bỏ vào chiếc hom nhỏ đeo bên hông. Khi đầy hom mới đổ vào gùi và những gùi lúa này sẽ được đưa vào các kho cất lúa, chứ không cần phơi lại. Phương thức truyền thống này gợi cho chúng ta nhớ đến cách thu lúa của những cư dân Việt cổ cách đây nhiều thiên niên kỉ khi chưa có liềm cắt lúa. Song hình thức lao động này cũng cho thấy sự lãng phí sức lao động, thời gian và tiêu hao hạt lúa trong quá trình thu hái.
Đặc sản trứng kiến
Săn bắt, hái lượm vẫn giữ vai trò kinh tế quan trọng, nhưng giờ đây, người Rơ Măm nghe theo lời cán bộ biên phòng, kiểm lâm rằng, con chồn, con cheo, cây gỗ đều là của núi rừng Chư Mom Ray, chứ không phải của riêng người Rơ Măm, không được tùy tiện săn bắt. Từ ý thức bảo vệ rừng, bà con cũng dần ý thức về việc bảo vệ nguồn cá dưới dòng sông Sa Thầy. Chỉ với đôi tay, rổ, đó và lá độc, họ dễ dàng đánh một lượng cá vừa đủ cho gia đình mình, chứ không tận thu bằng cách sử dụng kích điện hay các loại ngư cụ hiện đại khác.
Lễ hội của người Rơ Măm
Trong xã hội truyền thống, đàn ông Rơ Măm thường mặc khố, phía sau buông đến ống chân. Phụ nữ quấn váy và ở trần hoặc mặc áo cộc tay. Váy và khố đều có màu trắng của vải mộc không nhuộm. Phụ nữ thường đeo thêm hoa tai bằng ngà voi, vòng cổ bằng hạt thủy tinh, hạt nhựa nhiều màu. Hiện nay, người làng Le vẫn thường mặc các trang phục truyền thống này vào các dịp đặc biệt, dẫu nghề dệt của bà con đã dần mai một.
Đặc biệt, trong đời sống ẩm thực, xưa kia, người Rơ Măm xem trứng kiến là đặc sản, nổi bật là món cá gỏi kiến vàng. Họ thường dùng kiến vàng và trứng để nấu canh, trộn gỏi, xào với thịt thú rừng. Nhưng món ăn đặc sắc nhất, giữ được hương vị thơm ngon nguyên chất nhất chính là cá gỏi kiến vàng. Thông thường thì khi lấy tổ kiến vàng xuống, người ta đặt một chậu nước phía dưới, lấy gọng dao gõ nhẹ cho kiến rơi xuống chậu, rồi nhẹ nhàng tách đôi, lấy trứng kiến ra để riêng. Trứng kiến vàng màu trắng đục, to gần bằng hạt gạo, có mùi thơm nhẹ. Sau đó trứng sẽ được giã sơ qua, để ngoài nắng một lúc cho se lại.
Sau khi chọn những con cá suối to bằng ba ngón tay, người ta đem làm sạch, băm nhuyễn, vắt cho cạn nước để đỡ mùi tanh rồi trộn cùng với trứng kiến, muối hột, ớt xanh, tiêu rừng, thính gạo (bột gạo rang cháy xém). Khi ăn thì dùng kèm thêm lá sung. Vị ngọt của cá suối hòa vào vị béo của trứng kiến, vị cay xé của tiêu ớt tạo nên một món ăn hết sức đặc sắc và hấp dẫn.
Trong các gia đình của người Rơ Măm ở làng Le có một vật thường được người ta cất giữ rất cẩn thận, đó chính là chiếc ché lem. Có những chiếc ché được truyền lại qua nhiều đời, có giá trị bằng hàng chục con trâu và phải sang tận Lào mới đổi về được. Theo lời Trưởng thôn A Dói thì ché chỉ được sử dụng mỗi năm một lần trong lễ mừng lúa mới. Nó là hiện thân của thần lúa, của mùa màng bội thu. Khi được mùa, bà con sẽ bỏ vào trong chiếc ché của gia đình một viên cuội để báo với thần linh.
Làng Le còn có một vật báu khác nữa, đó là "Yang Ngà", nghĩa là "cụ tổ". Đó là một phiến đá lớn bằng cỡ chiếc rổ, màu nâu xám. Đầu mỏm chìa ra một mẩu màu trắng hình tròn, dài độ một gang tay, nhẵn bóng, trông hệt chiếc ngà voi ai đó cắm vào. Cứ khoảng hai, ba mùa rẫy, phiến đá lại "đẻ" con, nghĩa là phiến đá lại nứt ra một hòn đá con. Mỗi lần Yang Ngà đẻ, thường làng Le được mùa, đi săn gặp thú lớn và không xảy ra dịch bệnh. Người Rơ Măm đặt Yang Ngà trong một chiếc chòi riêng biệt nơi đầu làng và chỉ rước Ngài ra vào những năm làng tổ chức đâm trâu để tắm máu cho Ngài. Có lẽ, với quan niệm "vạn vật hữu linh", những đồ vật mà bà con đã coi là vật thiêng, là đối tượng để thờ cúng thì vẫn thường được bà con dệt nên những màn sương huyền thoại như thế.
Nằm trong nhóm dân tộc thiểu số dưới 1.000 người, những năm qua, đồng bào Rơ Măm nơi đây đã nhận được nhiều chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước. Dự án Bảo tồn và phát triển dân tộc Rơ Măm do Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum làm chủ dự án trong suốt năm năm đã giúp cho cuộc sống và chất lượng dân số của làng Le có nhiều chuyển biến tích cực. Sau hơn 30 năm người Rơ Măm xuống núi, giờ làng Le đã có một Chi bộ với hơn 10 đảng viên và các đoàn thể như thanh niên, phụ nữ hoạt động ổn định. Được sự đầu tư của các dự án, bà con đã khai hoang và biết trồng mì, lúa nước, cao su tiểu điền, cùng hàng trăm con heo, bò, dê… Người già ở làng Le giờ đây vẫn thường hồi tưởng về quá khứ để bảo ban con cháu biết trân trọng hiện tại. Lòng người già vui khi thấy tất cả các gia đình đều treo ảnh Bác Hồ, càng vui hơn khi làng Le được công nhận là "Làng văn hóa" cấp tỉnh.
Dẫu cuộc sống của người Rơ Măm mình còn nghèo, nhưng họ vẫn một lòng theo Đảng, vẫn đăm đắm giữ lấy hồn cốt của dân tộc và đang nỗ lực phấn đấu vươn lên để trở thành điểm sáng về kinh tế, văn hóa, xã hội của Tây Nguyên.