Ngày Đái tháo đường thế giới được tổ chức lần đầu tiên vào 14/11/1991 đánh dấu ngày sinh của Frederick Banting, người đã cùng Charles Best đóng vai trò quan trọng trong việc tìm ra insulin, một phương pháp điều trị cứu sống bệnh nhân đái tháo đường vào năm 1922.
Từ đó, hàng năm, IDF và WHO lấy ngày 14/11 hưởng ứng ngày đái tháo đường thế giới nhằm nâng cao nhận thức toàn cầu về đái tháo đường, các biến chứng. Đến năm 2016, có hơn 230 tổ chức thành viên của Hiệp hội Đái tháo đường thế giới (IDF) ở hơn 160 quốc gia và vùng lãnh thổ đã tổ chức và hưởng ứng sự kiện này.
Các tổ chức, công ty, các chuyên gia y tế, các chính trị gia, người nổi tiếng và người sống chung với bệnh đái tháo đường và gia đình tham gia hưởng ứng các hoạt động như: chiến dịch phát thanh và truyền hình, sự kiện thể thao. Thông điệp đơn giản để phòng ngừa bệnh đái tháo đường được đưa ra:
Không hút thuốc lá, Ăn nhạt, ăn nhiều rau xanh, ăn đủ lượng kali, ăn nhiều cá, ăn ít mỡ động vật, Hạn chế uống cà phê, bia rượu hoặc các đồ uống có cồn,Duy trì cân nặng chuẩn BMI
Rèn luyện thể lực mức độ trung bình: 30 phút mỗi ngày như đi bộ nhanh, đi xe đạp, chạy, chơi bóng bàn, bơi, khiêu vũ…
Theo ước tính hiện nay có khoảng 4% dân số bị đái tháo đường, trong đó 70% không biết mình mắc bệnh. Vì vậy, mỗi người dân hãy tìm đến bác sĩ hoặc các cơ sở y tế gần nhất để biết cách phòng ngừa đái tháo đường và nếu bị bệnh thì hãy tuân thủ điều trị theo chỉ định của bác sĩ.
Thuận lợi , khó khăn của bệnh viện trong những năm qua.
Được sự quan tâm của bệnh viện Nội tiết Trung ương, Ủy ban nhân dân tỉnh nên bệnh viện Nội tiết Thanh Hóa đã thực hiện tốt công tác phòng chống các rối loạn do thiếu hụt I ốt gây nên và bệnh đái tháo đường tại cộng đồng một cách hiệu quả, tuyên truyền sâu rộng các kiến thức về phòng chống các rối loạn do thiếu hụt I ốt và cách phòng chống bệnh đái tháo đường cho nhân dân trên địa bàn tỉnh thông qua các kênh thông tin như đài phát thanh truyền hình tỉnh, báo Thanh Hóa, các câu lạc bộ đái tháo đường, truyền thông trực tiếp...
Thanh Hóa là một tỉnh rộng, người đông, giao thông đi lại khó khăn nên công tác khám sàng lọc các bệnh rối loạn chuyển hóa phải dàn trải chưa tập trung khoanh vùng để đánh giá hết được, bên cạnh đó kinh phí của Trung ương rất hạn hẹp muốn làm được công tác khám sàng lọc tại cộng đồng thì đơn vị phải bỏ thêm một phần kinh phí mới có thể thực hiện được.
Qua đây bệnh viện nội tiết Tỉnh Thanh Hoá cũng mong các cấp ban ngành quan tâm và Bệnh viện Nội tiết Trung ương tham mưu cho Bộ Y tế cấp đủ kinh phí thực hiện các hạng mục khám sàng lọc cho các địa phương.