Bão mạnh nhất trong nhiều năm qua đe dọa các tỉnh từ Thanh Hóa - Quảng Bình

Nhóm PV| 13/09/2017 16:47

Sáng nay (13/9), tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường đã chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo Trung ương phòng chống thiên tai (TWPCTT) triển khai các biện pháp ứng phó bão số 10.

Bão mạnh nhất trong nhiều năm qua đe dọa các tỉnh từ Thanh Hóa - Quảng Bình
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chủ trì cuộc họp chống bão số 10

Theo Trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương, hồi 13 giờ ngày 13/09, vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,2 độ Vĩ Bắc; 116,0 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 450km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75 đến 90 km/giờ), giật cấp 12. Dự  báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km và mạnh lên. Đến 13 giờ ngày 14/09, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,6 độ Vĩ Bắc; 112,0 độ Kinh Đông, trên khu vực quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135km/giờ), giật cấp 15. 

Do ảnh hưởng của bão, khu vực Bắc và Giữa Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có mưa bão; gió bão mạnh cấp 8-9, sau tăng lên cấp 10-11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12, giật cấp 15; biển động dữ dội. Trong 24 giờ tới, vùng nguy hiểm (gió mạnh từ cấp 6 trở lên): trong khoảng từ 13,0 độ Vĩ Bắc đến 19,0 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 109,5 độ Kinh Đông. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3. Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km và còn tiếp tục mạnh thêm. Đến 13 giờ ngày 15/09, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,0 độ Vĩ Bắc; 107,4 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển các tỉnh Nghệ An - Quảng Trị. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13 (115-150km/giờ), giật cấp 15. 

Từ gần sáng ngày 15/09, ở Vịnh Bắc Bộ, vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi có gió mạnh dần lên cấp 7-8, giật cấp 11; từ chiều ngày 15/09, vùng biển các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Trị có gió bão mạnh dần lên cấp 9-11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12-13, giật cấp 15. Cấp độ rủi ro thiên tai bão vùng biển ven bờ khu vực Nghệ An đến Quảng Bình: cấp 4. Cấp độ rủi ro thiên tai bão các khu vực ảnh hưởng khác: cấp 3.Trong 48 đến 60 giờ tiếp theo, bão di chuyển nhanh theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25km và đi vào đất liền các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Trị. 

Cảnh báo mưa lớn: Từ gần sáng ngày 15/09 đến hết đêm 15/09, ở các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Hà Tĩnh có mưa to đến rất to (100-300mm/đợt, riêng Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị có nơi trên 400mm. Từ chiều 15/09 đến hết ngày 16/09, mưa lớn mở rộng ra ở các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, khu vưc Nam đồng bằng Bắc Bộ, Hòa Bình và Sơn La (100-200mm/đợt, riêng Nghệ An, Thanh Hóa 300-350mm). 

Trước diễn biến của bão, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường nêu rõ, bão số 10 là cơn bão rất nguy hiểm, di chuyển nhanh, với ảnh hưởng biến đổi khí hậu nên diễn biến khó lường, có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta. Trong thời điểm các hồ chứa thủy điện đang xả lũ và những tổn thương do thiên tai gây ra ở các địa phương thời gian qua đã và đang được khắc phục, nay cộng thêm với tác động của bão sẽ làm tăng thêm những hậu quả khôn lường nếu chủ quan trong ứng phó.

Bão mạnh nhất trong nhiều năm qua đe dọa các tỉnh từ Thanh Hóa - Quảng Bình
Vị trí, đường đi của bão 

Bộ trưởng – Trưởng ban yêu cầu, các tỉnh từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa xem xét lệnh cấm biển từ ngày mai (14/9), có phương án di dời người dân  đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân và phương tiện khi neo đậu, nhất là tàu du lịch, tàu vãng lai. Về ứng phó sản xuất nông nghiệp: Khẩn trương thu hoạch lúa mùa theo tinh thần “Xanh nhà hơn già đồng”, không gieo trồng vụ Đông trong thời điểm này, đảm bảo tiêu nước đệm vũng trũng thấp. Về đảm bảo an toàn hồ chứa thủy điện, tiếp tục xả hồ Sơn La 2 cửa đáy, hồ Hòa Bình duy trì xả 3 cửa đáy, phát điện tối đa tất cả các tổ hợp suốt ngày đêm. Yêu cầu ngành điện thực hiện nghiêm ý kiến của Ban chỉ đạo, với tình hình này hoàn lưu bão gây mưa lớn có thể tiếp tục phải xả thêm cửa đáy. Cùng với đó, có các phương án đảm bảo an toàn cho hoạt động nuôi trồng thủy sản ở các lồng, bè; kiểm tra hệ thống hồ thủy lợi, đê điều xung yếu nhằm sẵn sàng khi có mưa lũ xảy ra. Yêu cầu Bộ ngoại giao gửi công hàm phối hợp các nước trong công tác thông tin kêu gọi , cứu hộ cứu nạn tàu thuyền. Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Phòng chống thiên tai trực ban 24/24, bám sát diễn biến bão số 10, tham mưu Ban chỉ đạo báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Đã có người chết trong mưa lũ 


Theo tin từ các ban chỉ huy phòng chống thiên tai(PCTT) tìm kiếm cứu nạn(TKCN) các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang và báo cáo cập nhật của các tỉnh Tuyên Quang, Bắc Cạn tình hình thiệt hại do mưa, lũ, sạt lở từ ngày 9/9 đến 12/9 trên địa bàn các tỉnh như sau:


Về người: 01 người chết (Ông Đặng Nguyên Lý, 40 tuổi thôn Nà Cà, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn bị lũ cuốn trôi, hiện đang tìm kiếm nạn nhân).


Về nhà: 03 nhà bị sập (Bắc Kạn: 02; Hà Giang: 01); 97 nhà bị thiệt hại do sạt lở (Lào Cai: 91; Bắc Kạn: 02; Hà Giang: 04); 02 nhà bị tốc mái tại Hà Giang.


Về nông nghiệp: 97,66 ha lúa và hoa màu bị thiệt hại (Bắc Kạn: 76,88; Tuyên Quang: 18,68; Lào Cai 2,1).


Về giao thông:Quốc lộ 3B sạt lở 04 vị trí tại Yên Bái, tổng khối lượng sạt lở 9.987m3­đất, đá;Quốc lộ 4C sạt lở 01 vị trí tại Hà Giang, tổng khối lượng sạt lở 30m3 đất, đá;Tỉnh lộ ĐT.258 sạt lở 02 vị trí tại Bắc Kạn, tổng khối lượng sạt lở 14.440 m3 đất, đá;Sạt lở 3.150 m3 phía ta luy dương của đường tỉnh lộ (tỉnh Bắc Kạn);Tổng thiệt hại ước tính: 4,875 tỷ đồng.


Theo báo cáo ngày 12/9 của Ban chỉ huy PCTT và TKCN các tỉnh Hà Tĩnh, Bình Dương; do ảnh hưởng của mưa, dông cục bộ từ ngày 9/9 đến 12/9 đã làm: 01 người chết (Ông Đặng Thế Tĩnh, sinh năm 1966 thôn Thọ Lộc, xã Sơn Lễ, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh bị sét đánh chết  trong lúc đi gặt lúa); 142 nhà bị tốc mái (Hà Tĩnh); 102 nhà bị ngập (Bình Dương). Tổng thiệt hại ước tính: 2,14 tỷ đồng. Đến chiều ngày 12/9 nước đã rút hết.


Ngay sau khi thiên tai xảy ra, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN địa phương đã tổ chức, huy động lực lượng hỗ trợ nhân dân tìm kiếm người, thăm hỏi người bị nạn, khắc phục thiệt hại, khôi phục sản xuất; xử lý các tuyến đường bị sạt lở, ngập lụt đảm bảo thông tuyến.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Tọa đàm những vấn đề về kịch bản sân khấu hiện nay
    Với mong muốn tìm ra những nguyên nhân và giải pháp về vấn đề kịch bản sân khấu hiện nay, sáng 22/11, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức tọa đàm “Những vấn đề về kịch bản sân khấu” với sự tham gia của đông đảo hội viên trong hội.
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Khám phá Tây Bắc tại triển lãm "Tây Park - Ngàn"
    Triển lãm thị giác "Tây Park - Ngàn" được thực hiện dựa trên quá trình 10 năm đi và trải nghiệm tại Tây Bắc (Việt Nam) kết hợp sáng tạo nhiếp ảnh của Nguyễn Thanh Tuấn.
  • Huyện Thanh Oai: Đẩy mạnh triển khai Chỉ thị 30-CT/TU với tuyên truyền các Quy tắc ứng xử
    Huyện Thanh Oai đề cao và phát huy vai trò cá nhân của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trong nhiệm vụ xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; vai trò trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng, mỗi gia đình trong xây dựng và giữ gìn môi trường văn hóa lành mạnh.
  • Các xã, phường mới của Hà Nội sau khi sáp nhập
    Sau khi sắp xếp lại, Hà Nội có 526 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 160 phường, 345 xã và 21 thị trấn.
Đừng bỏ lỡ
Bão mạnh nhất trong nhiều năm qua đe dọa các tỉnh từ Thanh Hóa - Quảng Bình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO