PGS, TS. Phạm Ngọc Trung - Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Trong năm qua, doanh nghiệp Việt có nhiều khởi sắc nhờ sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ; Tuy vậy, bên cạnh gần 90.000 doanh nghiệp khởi nghiệp, có trên 32.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc tuyên bố phá sản.Mặc dù chúng ta đã bắt đầu đề cao doanh nghiệp, coi trọng doanh nhân, xác dịnh doanh nghiệp mạnh là động lực thúc đẩy kinh tế đất nước phát triển. Nhưng hiện nay doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang vấp phải nhiều rào cản về cơ chế chính sách, về khả năng huy động vốn, về xuất nhập khẩu, về sự bình đẳng, minh bạch trong khai thác thông tin… Và đặc biệt là đa số các doanh nghiệp còn lúng túng và chưa chú ý đến xây dựng văn hóa doanh nghiệp, hoặc chưa hiểu hết vị trí, vai trò của văn hóa doanh nghiệp đối với sự phát triển của một doanh nghiệp.
Văn hóa doanh nghiệp là tổng thể hệ thống những giá trị, những chuẩn mực của một doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, trong văn hóa ứng xử và trong phong cách phục vụ khách hàng để cho khách hàng tin tưởng về chất lượng sản phẩm tốt, phù hợp với giá cả, vùng với hình thức đẹp. Văn hóa doanh nghiệp không phải chỉ là bộ đồng phục nổi bật của nhân viên, hay hình ảnh logo mang theo nhiều biểu tượng ý nghĩa, mà cái cốt lõi của văn hóa doanh nghiệp là đạo đức doanh nhân, là triết lý kinh doanh, là chữ tín của doanh nghiệp đối với khách hàng.
Mỗi doanh nghiệp phải tự xác định xây dựng văn hóa cho doanh nghiệp của mình là mục tiêu hàng đầu và luôn luôn kiên trì phấn đấu để vươn tới những gì tốt đẹp nhất. Hơn lúc nào hết, trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế hiện nay, các quốc gia tiên tiến đang tiến hành cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0, làn sóng khoa học đó cũng tác động mạnh mẽ đến quá trình hình thành văn hóa doanh nghiệp.
Báo chí, truyền thông hiện đại là một kênh quan trọng thúc đẩy các doanh nhân, doanh nghiệp hãy quan tâm hơn nữa đến xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Báo chí, truyền thông đã tuyên truyền nhiều mô hình tiên tiến, nhiều tấm gương điển hình trong sản xuất, kinh doanh và dịch vụ để cho các doanh nhân noi theo, ngày càng xuất hiện nhiều bài báo, nhiều chương trình phát sóng trên truyền hình hướng dẫn thanh niên khởi nghiệp theo hướng hiện đại nhằm tiếp cận thị trường một cách nhanh chóng, chiếm lĩnh được một phân khúc thị trường với phong cách riêng, độc đáo và hiệu quả.
Những thông tin chuẩn xác, kịp thời của báo chí, truyền thông đã có tác dụng định hướng cho các doanh nghiệp xác định được chiến lược kinh doanh đúng đắn, phù hợp và hiệu quả. Nhiều chương trình truyền hình đã được tổ chức theo cách trao đổi, tương tác, tranh luận giữa các nhà khoa học với các nhà kinh tế về một số vấn đề thời sự trên thương trường đã góp phần hướng dẫn các doanh nhân, đặc biệt là doanh nhân trẻ có thể tiếp cận với những vấn đề phức tạp, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm sâu sắc cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình.
Nhiều phóng viên, biên tập viên đã không quản ngại khó khăn, gian khổ thực hiện những phóng sự điều tra ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới để đấu tranh chống lại những cách làm ăn thiếu đạo đức, không có lương tâm: buôn lậu, làm hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng… Những tác phẩm báo chí đó đã góp phần định hình cho hướng đi của văn hóa doanh nghiệp Việt Nam.
Báo chí, truyền thông là gạch nối giữa doanh nghiệp với công chúng. Tầm ảnh hưởng của báo chí, truyền thông là môi trường tốt đẹp cho những doanh nghiệp chân chính phát huy sức mạnh của mình để góp phần tạo nên thương hiệu quốc gia trên trường thế giới.