Phiên họp của Ủy ban Kiểm tra Trung ương. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN) |
|
Các trường hợp con phạm tội, đảng viên phải chịu trách nhiệm liên đới
Theo Khoản 2, Điều 1, Quy định 102: "Đảng viên sau khi chuyển công tác, nghỉ việc hoặc nghỉ hưu mới phát hiện vi phạm vẫn phải xem xét, kết luận; nếu vi phạm đến mức phải thi hành kỷ luật thì phải thi hành kỷ luật theo đúng quy định của Điều lệ Đảng, pháp luật của Nhà nước và những nội dung nêu trong Quy định này".
Hướng dẫn nêu rõ Đảng viên sau khi chuyển công tác, nghỉ việc hoặc nghỉ hưu và đã chuyển sinh hoạt đảng mới phát hiện có vi phạm ở nơi sinh hoạt đảng trước đây mà chưa được xem xét, xử lý thì tổ chức đảng cấp trên trực tiếp của các tổ chức đảng đó xem xét, xử lý theo quy định. Khi đang xem xét, xử lý đảng viên vi phạm mà tổ chức đảng nơi đảng viên vi phạm đang sinh hoạt bị giải thể, sáp nhập, chia tách hoặc kết thúc hoạt động thì tổ chức đảng có thẩm quyền vẫn tiếp tục xem xét, xử lý hoặc báo cáo tổ chức đảng cấp trên trực tiếp của tổ chức đảng đó xem xét, xử lý kỷ luật đảng viên theo quy định.
Về vi phạm trong công tác phòng, chống tội phạm tại điểm d, khoản 1, Điều 13, Quy định 102: “Thiếu trách nhiệm trong quản lý, giáo dục dẫn đến có vợ (chồng), con hoặc cấp dưới trực tiếp phạm tội,” Hướng dẫn nêu rõ: Con của đảng viên phạm tội mà đảng viên phải chịu trách nhiệm liên đới gồm: con đẻ, con nuôi hợp pháp, con dâu, con rể cùng sống, sinh hoạt trong gia đình và trực tiếp phụ thuộc vào việc nuôi dưỡng, quản lý của đảng viên đó.
Không còn đủ uy tín, cho miễn nhiệm hoặc cho thôi giữ chức vụ
Theo Khoản 3, Điều 2, Quy định 102: "Khi xem xét, xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, phải căn cứ vào nội dung, tính chất, mức độ, tác hại, nguyên nhân vi phạm, các tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ, thái độ tiếp thu phê bình và sửa chữa, khắc phục khuyết điểm, vi phạm, hậu quả đã gây ra, mục tiêu, yêu cầu của việc thực hiện nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng".
Theo Hướng dẫn, khi xem xét, xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, phải làm rõ nội dung, tính chất, mức độ, tác hại, động cơ, nguyên nhân của vi phạm, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ và căn cứ vào thái độ tự giác, tinh thần quyết tâm sửa chữa khuyết điểm, vi phạm và khắc phục hậu quả đã gây ra, chứng cứ đến đâu kết luận đến đấy, không suy diễn. Đồng thời, phải xét hoàn cảnh lịch sử cụ thể, khách quan, toàn diện nhằm đạt mục tiêu, yêu cầu của nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng.
Đảng viên vi phạm bị kỷ luật cảnh cáo hoặc cách chức (nếu có chức vụ) ở khoản 2 của các điều từ Điều 7 đến Điều 34 thì tổ chức đảng có thẩm quyền căn cứ vào quy định nêu trên để xem xét, quyết định cụ thể: Cảnh cáo hoặc cách chức một, một số hoặc tất cả các chức vụ trong Đảng đối với đảng viên đó.
Đảng viên vi phạm bị kỷ luật khiển trách hoặc cảnh cáo, nếu xét thấy không còn đủ uy tín thì tổ chức đảng có thẩm quyền quyết định cho miễn nhiệm hoặc đề nghị cho thôi giữ chức vụ đó.
Không "xử lý nội bộ" khi vi phạm đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự
Đối với khoản 5, Điều 2, Quy định 102: "Đảng viên vi phạm pháp luật đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải truy cứu trách nhiệm hình sự, không "xử lý nội bộ"; bị tòa án tuyên phạt từ hình phạt cải tạo không giam giữ trở lên thì phải khai trừ…,” theo Hướng dẫn, cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy và Ủy ban kiểm tra từ cấp huyện trở lên khi phát hiện đảng viên vi phạm đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải chuyển hồ sơ sang cơ quan tư pháp có thẩm quyền để xem xét, xử lý, không được giữ lại để xử lý nội bộ.
Đảng viên vi phạm pháp luật đang bị cơ quan pháp luật có thẩm quyền thụ lý theo quy định của pháp luật thì tổ chức đảng không được can thiệp để đảng viên chỉ bị xử lý kỷ luật về Đảng, không bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc xử lý về chính quyền, đoàn thể.
Đang mắc bệnh hiểm nghèo chưa xem xét, xử lý kỷ luật
Đối với khoản 1, Điều 5, Quy định 102: "Đảng viên vi phạm đang trong thời gian mang thai, nghỉ thai sản, đang mắc bệnh hiểm nghèo hoặc đang mất khả năng nhận thức, bị ốm nặng đang điều trị nội trú tại bệnh viện được cơ quan y tế có thẩm quyền theo quy định của pháp luật (từ cấp huyện trở lên) xác nhận thì chưa xem xét, xử lỷ kỷ luật", Ủy ban Kiểm tra Trung ương hướng dẫn: Bệnh hiểm nghèo là bệnh nguy hiểm đến tính mạng của người bị mắc do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định. Thời gian chưa xem xét, xử lý kỷ luật nêu trên không tính vào thời hiệu xử lý kỷ luật về Đảng.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương nêu ví dụ Đảng viên A vi phạm cách đây 4 năm, khi tổ chức đảng có thẩm quyền xem xét, kỷ luật, người đó bị ốm phải điều trị nội trú ở bệnh viện thì thời gian điều trị này không tính vào thời hiệu xử lý kỷ luật.
Theo Hướng dẫn, đảng viên qua đời, sau đó mới phát hiện có vi phạm thì không tiến hành kiểm tra. Khi đang kiểm tra hoặc xem xét, xử lý kỷ luật mà đảng viên vi phạm qua đời thì chỉ kết luận, không thi hành kỷ luật. Trường hợp đảng viên vi phạm đặc biệt nghiêm trọng qua đời thì vẫn kiểm tra, kết luận và xử lý kỷ luật./.