Bản đồ Hồng Đức với hình thế Thăng Long năm 1490

Trần Văn Mỹ| 22/01/2021 12:16

Bản đồ Hồng Đức với hình thế Thăng Long năm 1490
Bản đồ Hồng Đức năm 1490
Một lần đến xã Kim Lan, huyện Gia Lâm, TP. Hà Nội tình cờ tôi gặp nhà khảo cổ học Nhật Bản Nishimura Masanari. Biết tôi là người làng Đại Lan Châu, ở bờ Nam, đối diện với làng Kim Lan ở bờ Bắc sông Hồng, ông tặng tôi tập bản đồ Hồng Đức, in tại Sài Gòn trước năm 1975, hiện lưu tại một thư viện ở Tokyo. Trong tập, có bản đồ Thăng Long, cách nay 530 năm. Lần khác, tôi đến Viện Nghiên cứu Hán Nôm tặng tiến sĩ Đinh Khắc Thuân cuốn sách viết về làng Đại Lan Châu, nơi ông đã từng đến nghiên cứu, trong đó có in tấm bản đồ Thăng Long do Nishimura Masanari tặng, ông nói: “Bản đồ này in đen trắng, tôi sẽ chụp cho anh bản đồ Hồng Đức hiện lưu tại đây, nét lắm”. Mừng quá, tấm bản đồ đó, tôi đem in khổ lớn, đóng khung bằng gỗ quý treo ở đình làng quê tôi để đông đảo người dân được chiêm ngưỡng.

Đối chiếu với sử cũ, Hồng Đức là niên hiệu thứ 2 của vua Lê Thánh Tông (1470-1497). Vua húy Tư Thành, con thứ 4 của Lê Thái Tông, ở ngôi 38 năm. “Vua sáng lập chế độ, văn vật khả quan, mở mang đất đai, cõi bờ khá rộng, thực là anh hùng tài lược” (Đại Việt sử ký toàn thư).

Ngày 5 tháng 4 năm Canh Tuất (1490), vua cho vẽ bản đồ Đại Việt gồm 13 xứ thừa tuyên, có 52 phủ, 180 huyện, 50 châu, 20 hương, 36 phường… Khi công việc hoàn tất, bản đồ dâng lên, vua nói với các quần thần rằng: Một thước núi, một thước sông của Thái Tổ để lại là vô cùng quý giá. Kẻ nào để mất một thước núi, một thước sông thì sẽ bị trừng trị nặng. 

Giờ đây, mỗi lần xem tấm bản đồ cổ, càng thấy sự mô tả của câu ca dao về Hà Nội thật chính xác: Nhị Hà quanh bắc sang Đông/ Kim Ngưu Tô Lịch là sông bên này.

Sông Nhĩ Hà, từ ngã ba Hạc chảy về xuôi, đến gần huyện Phúc Thọ thì chảy vào Hát Giang (sông Đáy), chỗ phân nhánh là Hát Giang Khẩu (cửa sông Hát). Song song với với sông Hát ở Tây Nam là sông Nhĩ Hà ở phía Đông Bắc. Chính hai con sông này đã là hào lũy tự nhiên bảo vệ vững chắc vùng đất Đại La - Thăng Long. Qua cửa sông Hát, nơi có bãi Trường Sa là nơi Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa đánh Thái thú Tô Định năm 40 (SCN), là đến đất huyện Đan Phượng, phát tích của sông Nhuệ. Khởi nguồn sông Nhuệ như ba ngón tay, gom nước ở vùng này. Cách đầu nguồn sông Nhuệ không xa là đất hồ Tây, chính giữa là đảo Tây Hồ. Khi đó hồ Tây còn thông với sông Nhĩ Hà. Bản đồ cho thấy, nước sông này chảy vào một đoạn thì hợp lưu với sông Nhuệ. 

Cách đây mấy trăm năm, giao thông vào kinh đô Thăng Long chủ yếu bằng đường sông. Ghi chú trên bản đồ cho thấy ở gần đất Khuyến Lương, phường Trần Phú, quận Hoàng Mai là một cảng sông sầm uất. Tại đây có Giảng vũ đường là nơi tập thủy quân. Bên cạnh địa danh này, có Thanh Trì Tuần là trạm kiểm soát và thu thuế tàu thuyền trước khi vào Thăng Long. Để tiện giao dịch, khi đó, huyện lỵ Thanh Đàm (năm 1573 đổi Thanh Trì) cũng nằm sát bờ sông. Đất Khuyến Lương là cửa sông, qua cửa này, do đất lở mà phình to, giống như một quả bóng. Giữa vùng trời nước mênh mông nổi lên một cù lao. Bản đồ ghi chú, đây là làng Đại Lan Châu và Tiểu Lan Châu, quê hương của các danh sĩ thời Lê như Bảng nhãn Nguyễn Như Đổ, tiến sĩ Nguyễn Như Huân và tiến sĩ Phạm Quốc Trinh. 

Trước đây, con sông chảy qua kinh đô có nhiều tên gọi, đến khi có một học giả đi chơi thuyền trên sông thấy đất Tây Hồ và đất Đại Lan Châu có hình giống vành tai nên mới gọi là Nhĩ Hà, sau đọc chệch là Nhị Hà, nhưng trong dân gian chỉ gọi là sông Cái (sông Mẹ) và sông Hồng vì sông có nước màu đỏ. 

Bản đồ Hồng Đức 1490, với các hình vẽ, và các ghi chú giúp chúng ta hình dung một cách rõ ràng hình thế Thăng Long cách nay hơn 5 thế kỷ. Nhiều địa danh ghi trên bản đồ như cầu Khỉ, cầu Diễn, quán Bạc ở quận Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm vẫn còn đến ngày nay. Chính dựa vào hình thế này, khi triều Nguyễn chuyển kinh đô vào Huế, vùng  đất rộng trù phú nằm giữa sông Hồng và sông Đáy đã được đặt tên là Hà Nội.

Cùng với các bản đồ vẽ cung vua phủ chúa thời Lê, thời Nguyễn, nay bản đồ Thăng Long thời vua Lê Thánh Tông, Hồng Đức thứ 21 (1490), cần được nghiên cứu và giới thiệu rộng rãi, thiết tưởng đó cũng là cách tri ân một trong những vị vua tài giỏi bậc nhất của nước ta vậy.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Bản đồ Hồng Đức với hình thế Thăng Long năm 1490
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO