Văn hóa – Di sản

Làng nghề truyền thống Hà Nội: thăng hoa cùng văn hóa - sáng tạo để hội nhập: Bài 3: Di sản dát vàng quỳ “độc nhất vô nhị” nức trời Nam của Hà Nội

Quỳnh Hoa 12/07/2023 17:47

“Qua hàng trăm năm, người dân Kiêu Kỵ vẫn giữ nghề dát vàng quỳ do cha ông để lại. Chắc chắn các thế hệ dân Kiêu Kỵ sẽ giữ nghề thủ công truyền thống có một không hai tại Việt Nam”, nghệ nhân Nguyễn Thiên Hùng, Chủ tịch Hội Dát vàng bạc quỳ Kiêu Kỵ (xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm, TP. Hà Nội), chia sẻ.

z4590989000332_31feaae8b1d4b0cf879ca24a26766fa6.jpg
Sản phẩm dát vàng quỳ do nghệ nhân làng nghề Kiêu Kỵ tạo nên.

“Dát vàng tinh xảo nức trời Nam

Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng có hàng ngàn làng nghề truyền thống với nhiều tên gọi. Thủ đô nghìn năm văn hiến vang danh với làng nghề truyền thống lụa Vạn Phúc, gốm sứ Bát Tràng, thêu Quất Động, mây tre đan Phú Vinh, sơn mài Hạ Thái, khảm trai Chuôn Ngọ… nhưng nghề dát vàng quỳ chỉ có một, duy nhất hiện diện tại làng Kiêu Kỵ. Từ khi sinh ra và lớn lên, người dân Kiêu Kỵ đã được tiếp xúc với những công đoạn sản xuất, thấy những người thợ miệt mài làm ra các sản phẩm dát vàng quỳ đặc biệt tinh xảo và đậm hồn Việt như hoành phi, câu đối, tranh tùng cúc trúc mai...

img_8406.jpg
Để dát tạo ra một sản phẩm dát vàng quỳ có rất nhiều công đoạn.

Theo nghệ nhân Nguyễn Thiên Hùng, nghề dát vàng quỳ có ở Kiêu Kỵ hàng trăm năm nay. Thế kỷ XVII thời Lê Cảnh Hưng, trong lần đi sứ sang Trung Quốc, Tiến sĩ Nguyễn Quý Trị người Hải Dương đã học được nghề dát đập vàng để sơn thếp câu đối, hoành phi. Trở về nước ông đã truyền nghề dát vàng quỳ cho dân làng Kiêu Kỵ, khi đó thuộc tổng Đa Tốn, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh (nay là xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm). Ghi nhớ công ơn Tiến sĩ Nguyễn Quý Trị, người dân Kiêu Kỵ sau đó dựng “nhà Tràng”, đắp tượng và để thờ, suy tôn ông là Tổ sư nghề quỳ vàng. Ngày 17/8 Âm lịch hàng năm, người dân Kiêu Kỵ vẫn đến nhà Tràng giỗ Tổ nghề.

Người dân Kiêu Kỵ hiện thuộc lòng đôi câu thơ, thể hiện niềm tự hào về nghề thủ công truyền thống của mình: Phá giặc uy danh lừng đất Bắc/ Dát vàng tinh xảo nức trời Nam. “Đây là nghề đặc thù nhất trong các nghề thủ công truyền thống, đòi hỏi tính cần cù, kiên nhẫn và khéo tay của người thợ”, nghệ nhân Nguyễn Thiên Hùng, khẳng định. Theo lối làm truyền thống, để dát được một lá vàng mỏng thếp lên các bức tượng, hoành phi, câu đối… phải trải qua gần 50 công đoạn, từ khâu “đập quỳ”, đến sang vàng (còn gọi là “trại quỳ”) rồi dát vàng quỳ (thiếp vàng).

z4590989000333_2565b0a24b48ec8e992656b66b235b32.jpg
Bộ sản phẩm dát vàng quỳ tùng cúc trúc mai.

Đặc biệt là công đoạn làm ra một lá quỳ. Những thỏi (miếng) vàng thật được đập dài và mỏng (gọi là đập diệp) có bề ngang 1cm, cắt thành những hình vuông nhỏ 1cm2 rồi đặt vào lá quỳ. Lá quỳ có cạnh dài 4cm kén từ loại giấy dó được “lướt” nhiều lần bằng mực tự chế làm bằng bồ hóng, trộn với keo da trâu, tạo cho giấy quỳ bền chắc. Mỗi quỳ 500 lá, trên mỗi lá đặt một mảnh vàng nhỏ 1cm2, dùng vải dường bâu gói lại, đặt lên đe bằng đá, dùng búa đập lên tập lá quỳ, sao cho mảnh vàng mỏng và tràn bằng lá quỳ. Sau khoảng một giờ đồng hồ, người thợ có thể dàn mỏng một chỉ vàng thành lá vàng có diện tích hơn 1m2, điều này chưa có nơi nào làm được, kể cả công nghiệp dát vàng của Nhật Bản. Ngoài ra, nghệ nhân Nguyễn Thiên Hùng cho biết, công đoạn cắt dòng, trại quỳ phải làm trong phòng kín gió, không được bật quạt vì vàng sau khi quỳ rất mỏng, chỉ cần gió nhẹ cũng có thể thổi bay.

img_8355.jpg
Người thợ làng nghề dát vàng quỳ Kiêu Kỵ đang "đập diệp".
img_8361.jpg
Công đoạn sơn lót trên bình sứ.

Nhờ trí sáng tạo, đôi bàn tay khéo léo và sự chăm chỉ, tỉ mỉ, người dân Kiêu Kỵ đã dát vàng quỳ cho nhiều công trình lớn của Việt Nam như Triệu Tổ miếu (Hoàng thành Huế), Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã (Thừa Thiên Huế), chùa Nam Thiên Nhất Trụ (TP. Hồ Chí Minh), Miếu Bà Chúa xứ (An Giang), Đền Trần (Nam Định)...

Nhiều sản phẩm của nghệ nhân làng Kiêu Kỵ xuất hiện ở khắp cả nước như quả pháo phi vật thể dát vàng trên gỗ được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Văn hóa Việt Nam; tượng Bồ Tát Phổ Hiền Đại Hạnh dát vàng lưu giữ tại Thiền viện Trúc Lâm Hàm Rồng (Thanh Hóa)…

Nghề độc nhất vô nhị sẽ đi cùng năm tháng

Nghề dát vàng quỳ Kiêu Kỵ từng phát triển hưng thịnh, nhất là trước Cách mạng tháng Tám, Kiêu Kỵ là địa phương cung cấp vàng quỳ cho hầu hết các công trình tín ngưỡng cung đình để dát lên các tượng phật, ngai vàng, hoành phi, câu đối, kiệu rước… Nhưng trong hai cuộc chiến tranh vệ quốc, làng nghề dát vàng quỳ lắng xuống chứ không mai một như nhiều người vẫn nghĩ.

img_8417.jpg
Nghệ nhân Nguyễn Thiên Hùng khẳng định: "Hoạt động làng nghề dát vàng quỳ sẽ không bao giờ mai một và ngắt quãng".

Đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, kinh tế ngày một phát triển, các công trình di tích lịch sử tại Việt Nam được nâng cấp, trùng tu và tôn tạo kéo theo nghề dát vàng quỳ Kiêu Kỵ dần sôi động trở lại. Hiện nay ở Kiêu Kỵ còn khoảng 30 hộ dân với khoảng 500 lao động làm nghề dát vàng quỳ. Người làm nghề làng Kiêu Kỵ có thu nhập ổn định, thợ mới đi làm tại các cơ sở được trả công từ 200.000 đồng/ngày trở lên, với thợ lành nghề thu nhập sẽ cao hơn nhiều. Để làm được nghề dát vàng, nghệ nhân Nguyễn Thiên Hùng cho biết, người nghệ nhân/lao động phải có tính kiên trì, chịu khó, khéo léo, tỉ mỉ và đặc biệt là có đức tính trung thực, thật thà vì sản phẩm làm ra đều từ vàng thật.

Để định vị thương hiệu, tránh việc bị làm “nhái”, Chủ tịch Hội Dát vàng bạc quỳ Kiêu Kỵ chia sẻ, sản phẩm dát vàng quỳ Kiêu Kỵ khi bán ra thị trường ngoài dán tem mác thì tất cả đều phải có con dấu của Hội làng nghề đóng lên tem mác đó. “Sản phẩm quỳ dát vàng ngoài thị trường có tem mác nhưng không có con dấu của Hội làng nghề thì đều là hàng giả”, nghệ nhân Nguyễn Thiên Hùng nhấn mạnh.

img_8331.jpg
img_8375.jpg
Qua những thăng trầm, con dân Kiêu Kỵ vẫn giữ nghề dát vàng quỳ do Tổ nghề để lại.

 Các mặt hàng của làng nghề dát vàng quỳ Kiêu Kỵ ngày một đa dạng, không chỉ là các sản phẩm truyền thống như tượng thờ, hoành phi mà còn cả các vật dụng trang trí như đồ lưu niệm, tranh sơn mài, sản phẩm trưng bày, trang trí nội thất… được người dùng ưa chuộng; con dân Kiêu Kỵ vẫn giữ nghề dát vàng quỳ do Tổ nghề để lại. Năm 2021, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã ghi danh nghề vàng bạc quỳ Kiêu Kỵ vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây được xem là một sự tôn vinh xứng đáng, tạo cơ hội bảo tồn, gìn giữ tinh hoa làng nghề độc đáo đất nhất cả nước cũng như của mảnh đất Hà thành./.

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Bài 3: Di sản dát vàng quỳ “độc nhất vô nhị” nức trời Nam của Hà Nội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO