“Chiến lược phát triển Du lịch tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030” có mục tiêu tổng quát là: “Phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, có trọng tâm, trọng điểm; chú trọng phát triển theo chiều sâu, đảm bảo chất lượng, hiệu quả, khẳng định thương hiệu và khả năng cạnh tranh, phù hợp mục tiêu chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều rộng, sang phát triển hài hòa giữa chiều rộng và chiều sâu của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, với trọng điểm là Đô thị du lịch Sầm Sơn và Điểm du lịch quốc gia Thành Nhà Hồ.
Phấn đấu đến năm 2030, Thanh Hóa trở thành một trong các trung tâm phát triển du lịch của khu vực Bắc Trung bộ và cả nước, du lịch trở trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tính chuyên nghiệp, có hệ thống cơ sở vật chất - kỹ thuật tương đối đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc”.
Thác Ma Hao huyện Lang Chánh
Mục tiêu kinh tế cụ thể được đặt ra là đến năm 2020 thu hút 230 nghìn lượt khách quốc tế (tốc độ tăng trung bình 13,0%/năm), phục vụ 8,77 triệu lượt khách nội địa (tốc độ tăng trung bình 10,8%/năm).
Năm 2025 thu hút 350 nghìn lượt khách quốc tế (tốc độ tăng trung bình 10,0%/năm), phục vụ 12,5 triệu lượt khách nội địa (tốc độ tăng trung bình 7,5%/năm). Năm 2030 thu hút 500 nghìn lượt khách quốc tế (tốc độ tăng trung bình 7,4%/năm) và 16,0 triệu lượt khách nội địa (tốc độ tăng trung bình 5,1%/năm). Về tổng thu từ khách du lịch năm 2020 đạt 15.303 tỷ đồng (tốc độ tăng trung bình 24,2%/năm). Năm 2025 đạt 31.800 tỷ đồng (tốc độ tăng trung bình 15,7%/năm). Năm 2030 đạt 64.600 tỷ đồng (tốc độ tăng trung bình 15,0%/năm).
Sáu quan điểm hiện thực hóa tiềm năng
Như vậy, để đạt được các mục tiêu cần phải hiện thực hóa được càng tiềm năng trong phát triển du lịch.
Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Duy Phương, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch và Thanh Hóa cho biết, Thanh Hóa là tỉnh có nhiều tiềm năng, thế mạnh, hội tụ đủ các điều kiện để huy động các nguồn lực thỏa mãn nhu cầu phát triển ngành kinh tế du lịch trở thành trọng điểm du lịch quốc gia. Tuy nhiên, những tiềm năng này mới chỉ phát huy được một phần nào đó.
Biển Hải Tiến, huyện Hoằng Hóa
Theo Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch và Thanh Hóa, để hiện thực hóa các tiềm năng, tỉnh Thanh Hóa đã đưa ra 6 quan điểm phát triển du lịch.
Trước hết là phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh với tỷ trọng của du lịch ngày càng cao trong cơ cấu GDP, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, từng bước khẳng định Thanh Hóa là trọng điểm phát triển du lịch của cả nước.
Biển Hải Hòa, huyện Tĩnh Gia
Thứ hai là phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, có trọng tâm, trọng điểm; chú trọng đa dạng hóa sản phẩm du lịch kết hợp với cải thiện chất lượng các sản phẩm du lịch hiện có nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư khai thác du lịch và khẳng định thương hiệu, năng lực cạnh tranh.
Thứ ba là tập trung khai thác hiệu quả thị trường nội địa, phát triển thị trường khách du lịch quốc tế với mục đích kinh doanh - thương mại gắn với Khu kinh tế Nghi Sơn.
Khu du lịch Pù Luông, huyện Bá Thước
Thứ tư là phát triển du lịch bền vững, gắn chặt với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc; giữ gìn cảnh quan, bảo vệ môi trường; bảo đảm quốc phòng – an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Thứ năm là đẩy mạnh xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực cả trong và ngoài nước đầu tư phát triển du lịch; phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của các yếu tố tự nhiên và văn hóa dân tộc, thế mạnh đặc trưng của từng khu vực trên địa bàn tỉnh.
Và cuối cùng là tăng cường liên kết nội tỉnh cũng như giữa Thanh Hóa với các địa phương trong vùng và cả nước trong việc đầu tư, khai thác, phát triển du lịch.