Tại Hà Nội, sau chiến thắng Điện Biên Phủ 07/5/1954, địch có ý đồ rút phương tiện máy móc chữa cháy vào Nam. Đội cứu hỏa Hà Nội đã tích cực đấu tranh và giữ lại được toàn bộ phương tiện máy móc cho đến ngày giải phóng Thủ đô. Ngày 11/10/1954, Sở Liêm Phóng Hà Nội tiếp quản Đội cứu hỏa và đến tháng 12/1954 thành lập Đại đội cứu hỏa gồm 60 cán bộ, chiến sĩ (CBCS), trong đó có 30 công nhân cứu hỏa cũ, 8 người ngoài số kháng chiến vào tiếp quản, số còn lại là cảnh binh thuộc Phòng Trị an dân cảnh Công an Hà Nội. Hai lực lượng này là nòng cốt của lực lượng Cảnh sát PCCC Thủ đô.
Ở các địa phương, theo sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, lần lượt được thành lập lực lượng Cảnh sát PCCC thuộc các Ty Công an địa phương. Cán bộ chiến sỹ của đơn vị chữa cháy thuộc Sở Công an Hà Nội, Ty Công an Sài Gòn – Chợ Lớn được điều động đến các đơn vị Cảnh sát PCCC mới thành lập làm nòng cốt. Nhiều địa phương, hầu hết số binh sĩ, công nhân cứu hỏa đã tham gia kháng chiến, giành giật phương tiện khỏi tay thực dân Pháp.
Năm 1958, Bộ Công an có Quyết định thành lập phòng Phòng hỏa, cứu hỏa (P8) trực thuộc Vụ Trị an dân cảnh (V10). Đây là tổ chức tiền thân của Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Ngày truyền thống 04/10/1961
Ngày 04/10/1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Lệnh công bố Pháp lệnh “Quy định việc quản lý Nhà nước đối với công tác phòng cháy và chữa cháy”. Từ đó đến nay, vào dịp tháng 10 và ngày 04/10 hằng năm lực lượng Cảnh sát PCCC đều tham mưu, đề xuất lãnh đạo Bộ, UBND địa phương tổ chức các hoạt động về lĩnh vực PCCC nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy cho người dân; lực lượng Cảnh sát PCCC tổ chức thi nghiệp vụ; tổ chức tuyên truyền phổ biến kiến thức về pháp luật và nghiệp vụ PCCC trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức mít tinh, hội họp, tuyên dương thành tích tập thể và cá nhân có nhiều thành tích trong công tác PCCC.
Ngày 04/10/1996, nhân dịp kỷ niệm 35 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Lệnh công bố Pháp lệnh quy định việc quản lý Nhà nước đối với công tác PCCC, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 369/1996/QĐ-TTg về việc lấy ngày 4/10 hàng năm là “Ngày phòng cháy, chữa cháy toàn dân” và Luật PCCC ban hành năm 2001 đã quy định lấy ngày 04/10 hằng năm là “Ngày toàn dân PCCC”. Kể từ khi có văn bản pháp luật quy định thì ngày 04/10 càng được thực hiện nhiều hoạt động PCCC và lực lượng Cảnh sát PCCC tổ chức các hoạt động mang tính truyền thống. Đến ngày 22/9/2015, Bộ Công an đã ban hành Quyết định số 5490/QĐ-BCA-X11 xác định ngày 04/10/1961 là Ngày truyền thống của lực lượng Cảnh sát PCCC.
Tham gia vào cuộc kháng chiến chống Pháp
Đầu năm 1945, cùng với phong trào cách mạng của cả dân tộc, một số anh em binh sỹ Sở Cứu hỏa Sài Gòn - Chợ Lớn đã bắt liên lạc với cán bộ cách mạng, đã tổ chức nhiều cuộc diễn thuyết tố cáo sự áp bức bóc lột của thực dân Pháp ở đồn điền cao su Phú Riềng, xưởng đóng tàu Ba Son, đồng thời thành lập tổ chức Thanh niên tiền phong và Việt Minh của Sở để tổ chức giành chính quyền cơ sở.
Ngày 24/8/1945, Sở Chữa lửa Sài Gòn - Chợ Lớn là một trong 6 đơn vị treo cờ đỏ sao vàng đầu tiên của thành phố, cờ đỏ sao vàng đã phấp phới bay trên đỉnh tháp tập của Sở Chữa lửa Sài Gòn - Chợ Lớn. Tiếp đó, ngày 28/8/1945 anh em của Sở Chữa lửa Sài Gòn - Chợ Lớn đi trên xe chữa cháy tham gia diễu hành cùng hàng vạn người của thành phố. Sở đã giao 2 chiến sỹ chữa cháy bảo vệ lá cờ đỏ sao vàng và một trong hai chiến sỹ đã hy sinh dưới tháp tập đó là đồng chí Hạnh Bum do thực dân Pháp bắn. Vào lúc 8h00 ngày 24/9/1945, chiến sỹ Sở chữa lửa được lệnh rút ra căn cứ. Đến tối 24/9, lực lượng chúng ta đã tổ chức đánh vào Sở chữa lửa cướp xe chữa cháy rút về Gò Đen, Bến Lức, Long An. Nhưng có 3 xe chữa cháy bị kẹt lại ở thành phố Sài Gòn – Chợ Lớn. Lực lượng, phương tiện này đã tham gia cuộc kháng chiến chống Pháp.
Tại miền Bắc, thất bại ở Điện Biên Phủ ngày 07/5/1954, thực dân Pháp có ý đồ di chuyển phương tiện, xe chữa cháy của Hà Nội rút vào Nam. Nhưng Tổ công đoàn do đồng chí lái xe Nguyễn Văn Dần (Đảng viên năm 1949 hoạt động bí mật) chỉ huy đã đấu tranh giữ toàn bộ phương tiện chữa cháy của Sở cho đến ngày giải phóng Thủ đô. Ngày 11/10/1954, đoàn cán bộ thuộc Sở Liêm Phóng vào tiếp quản Đội Cứu hỏa Hà Nội. Tháng 12/1954 Đại đội cứu hỏa Hà Nội thuộc Phòng Trị an dân cảnh được thành lập với 7 xe chữa cháy và gần 60 cán bộ chiến sỹ. Lực lượng này tham gia giữ gìn trật tự an toàn, cứu chữa các vụ cháy xảy ra và các vụ cháy do đốt phá của thực dân.