Những ký ức sâu sắc về Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được các nhà văn, các nhà hoạt động sân khấu, điện ảnh, âm nhạc, hội họa… ghi lại trong nhiều bài viết, hồi ký. Nhìn một cách tổng quát đó là một bức tranh toàn cảnh về tấm lòng, về mối quan tâm của Người đối với mặt trận văn hóa - nghệ thuật.
Bác Hồ thân mật trò chuyện với họa sĩ lão thành Nguyễn Phan Chánh. (Ảnh tư liệu)
Dù bận trăm công nghìn việc, dường như Bác Hồ vẫn thường xuyên nắm vững công việc của từng tác giả văn học - nghệ thuật. Trò chuyện với nhà văn Nga Puph Beratxki, Bác nói: “Như tôi biết, chính Tô Hoài mà các bạn đã biết, hằng năm đều đi đến các vùng dân tộc ít người ở miền núi, nơi anh ấy đã chiến đấu; Hằng Phương mà các bạn cũng đã làm quen với nữ thi sĩ ấy, trong thời gian cải cách ruộng đất, đã về nông thôn và ở đó cùng lao động với nông dân. Do đó, thơ của Hằng Phương, như các bạn hiểu đấy, chỉ hay hơn mà thôi. Và Nguyễn Đình Thi bao giờ cũng sát bên nhân dân. Cả nhà thơ xuất sắc Tố Hữu của chúng tôi cũng vậy, chỉ có nhân dân mới nuôi dưỡng cho sáng tác của nhà văn bằng những nguồn nhựa sống. Còn nếu các nhà văn quên điều đó, nhân dân cũng sẽ quên anh ta”.
Ngày 21/10/1962, nhà thơ Thanh Hải vào Phủ Chủ tịch thăm Bác. Bác đã hỏi thăm các văn nghệ sĩ miền Nam và còn căn dặn Thanh Hải: “Làm nhà văn, nhà thơ phải có thực tế thì tác phẩm mới phục vụ được đồng bào, chiến sĩ. Cháu cố gắng viết cho có tình và muốn viết cho có tình cháu phải sống như người chiến sĩ, sống gần gũi với đồng bào, phải hiểu thật nhiều về họ”.
Yêu quý và trân trọng các văn nghệ sĩ đang chiến đấu và sáng tác ở chiến trường miền Nam khói lửa, Người đã dành thì giờ đi xem từng bức ký họa của các họa sĩ miền Nam gửi ra năm 1967. Người hỏi tỉ mỉ về từng tác giả, đời sống và cách làm việc của họ. Người dặn các cán bộ quản lý phải giữ gìn tranh cho tốt và còn dặn cho in ra nhiều bản để đồng bào các nơi được xem...
Năm 1968, Đoàn Ca múa miền Nam (tiền thân của Đoàn Bông Sen) chuẩn bị vào Trường Sơn, Bác cho mời tất cả 50 anh chị em vào Phủ Chủ tịch biểu diễn. Bác rất hài lòng, khen ngợi và tặng các nghệ sĩ những bó hoa tươi thắm, chúc họ lên đường phục vụ tốt đồng bào, chiến sĩ.
Trên đây chỉ là một vài ví dụ trong rất nhiều sự kiện nói lên tình cảm yêu thương, sự động viên, khích lệ của Bác đối với các văn nghệ sĩ. Chúng ta có thể tìm đọc hồi ký của nhà điêu khắc Diệp Minh Châu, nhà văn Phan Tứ, NSND Y Brơm, Văn Hoàng và sẽ thấy tình cảm đó, sự quan tâm đó rất cụ thể, thiết thực. Chẳng hạn: biết Văn Hoàng là một thương binh chỉ còn một tay trái mà vẫn tập đàn, Bác mời vào, hỏi anh đã bị thương như thế nào cũng như sự vất vả, thử thách trong quá trình tập đàn. Bác đã thưởng cho anh cây đàn ghi ta có cắm điện và bộ phận tăng âm.
Bác Hồ với các nghệ sĩ nhiếp ảnh. (Ảnh tư liệu)
Đối với các văn nghệ sĩ là người dân tộc thiểu số, là phụ nữ, là người cao tuổi hoặc là mầm non của các loại hình nghệ thuật, Bác đều có sự quan tâm đặc biệt như thế. Nhiều nghệ sĩ còn được Bác mời vào Phủ Chủ tịch ăn cơm với Bác, được Bác cho quà, cho kẹo, kể cả sách nghiệp vụ về điện ảnh, hội họa, âm nhạc.
Thương yêu các nghệ sĩ, Bác gửi cho mỗi thành viên đoàn văn công Tây Nguyên một chiếc áo dạ để chống rét. Biết các nghệ sĩ xiếc vất vả mà ăn không được no, Bác đã tăng tiêu chuẩn gạo từ 14kg lên 22kg mỗi tháng. Thấy Ái Xuân lúc nào cũng chỉ mặc chiếc áo cũ lên biểu diễn, Bác dặn cán bộ quản lý mua cho Ái Xuân chiếc áo mới.
Yêu thương, chăm sóc, nhưng Bác cũng thường xuyên nhắc nhở các nghệ sĩ không ngừng rèn luyện, phấn đấu về mọi mặt đạo đức cũng như nghệ thuật. Với nghệ sĩ Kim Liên, Bác nói: “Kim Liên là bông sen vàng nhớ “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn””. Với diễn viên điện ảnh Trà Giang, Bác dặn: “Trẻ mà có thành tích cháu càng phải chăm học và nhất là phải hết sức khiêm tốn”. Nghe nghệ sĩ Linh Nhâm hát dân ca quan họ Bắc Ninh, Bác khen: “Giọng cháu tốt, cháu nên học ngâm thơ để có nhiều tiết mục phục vụ bộ đội”. Bác cũng động viên nghệ sĩ Thương Huyền: “Cháu hát tốt lắm, nhưng phải cố gắng, tập thêm nhiều bài mới để phục vụ đồng bào, chiến sĩ và phải chú ý thuộc nhiều dân ca”.
Thăm hỏi các nghệ sĩ đến từ Khu 5, Bác vui vẻ nói: “Các cháu hát dân ca như thế là khá. Nhưng các cháu phải biết hát nhiều dân ca các miền, vì mỗi miền đều có dân ca hay, chẳng những người địa phương đó thích, mà người địa phương khác cũng thích”. Những ngày ở Việt Bắc, nhà điêu khắc Diệp Minh Châu được Bác động viên: “Chú cố gắng vẽ đi nhé!”. Có lần, Bác kéo ông đến ngồi cạnh, chỉ qua khung cửa sổ để thấy mảnh trăng lưỡi liềm vừa nhô lên khỏi núi, tỏa sắc xanh huyền ảo xuống những dãy rừng xa và nói: “Của chú đấy!”.
Đúng như nhà văn Tô Hoài từng nói: “Không ai hiểu và yêu quý giới văn học nghệ thuật, báo chí như Bác”. Vì hiểu và yêu quý, Bác luôn luôn nhắc nhở họ làm tốt công việc sáng tạo để phục vụ quần chúng cách mạng. Năm 1952, khi được nhạc sĩ Đỗ Nhuận hỏi sáng tác thế nào để thể hiện được tính dân tộc mà hiện đại? Bác giải thích: “Bác không phải là nhạc sĩ. Nhưng chú soạn thế nào cho nhân dân thích, nhất là quần chúng công nông binh và trí thức thích, thế là vừa dân tộc vừa hiện đại”.
Trong thư gửi các họa sĩ năm 1951, Bác căn dặn: “Chiến sĩ nghệ thuật cần có lập trường vững, tư tưởng đúng, nói tóm lại là phải đặt lợi ích của kháng chiến, của Tổ quốc, của nhân dân lên trên hết, trước hết”.
Năm 1963, sau khi xem triển lãm nghệ thuật tạo hình ở phố Tràng Tiền, Bác nhận xét: “Các chú làm việc tốt đấy. Tranh, tượng thế là có tình người!” Rồi Bác khuyên các họa sĩ cố gắng dìu dắt các thế hệ trẻ: “Có kinh nghiệm gì thì phải tận tình bày vẽ cho anh chị em. Nhưng cũng phải cẩn thận, chú ý đừng để mất khiếu sáng tạo của họ”.
Bác cũng căn dặn các đạo diễn điện ảnh: “Phim của các chú tốt, có nhiều phim hay. Nhưng có phim còn nhanh, đồng bào xem không hiểu. Làm phim cho đồng bào xem mà đồng bào chưa hiểu, chưa thấy bổ ích thì không thể gọi là tốt và hay”. Với anh chị em thuyết minh phim, Bác cũng nhắc nhở: “Các cô, chú cần nói cho rõ ràng, dễ hiểu. Nếu chỗ nào phim nhanh quá, đồng bào chưa nắm được thì có thể chiếu lại đoạn ấy cho đồng bào xem”. Có lần Người tới thăm xưởng phim Thời sự Tư liệu. Bác đến đột ngột, không báo trước, Bác đi thăm khắp nơi, vào cả phòng in tráng phim. Bác hỏi thăm sức khỏe công nhân và cán bộ kỹ thuật. Các đồng nghiệp nước ngoài biết câu chuyện này, reo lên vì thích thú và kinh ngạc: “Chủ tịch của một nước mà đi tận vào phòng in tráng xem làm phim? Hạnh phúc thay những người làm công tác điện ảnh Việt Nam!”
Với các ngành khác như nhiếp ảnh, âm nhạc, sân khấu cũng vậy. Không chỉ động viên, khen ngợi, nhắc nhở, Bác còn có những nhận xét chuyên môn, nhiều khía cạnh rất cụ thể. Nhưng, cao hơn cả là những lời căn dặn trau dồi chuyên môn, tu luyện đạo đức, trình độ chính trị, học hỏi vốn cổ dân tộc, học hỏi các nước bạn, tạo nên một nền văn nghệ tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.