Ấn tượng “Tết làng Việt” xuân Ất Tỵ tại làng cổ Đường Lâm
Tham dự chương trình “Tết làng Việt” xuân Ất Tỵ ngày 18/1 (tức ngày 19 tháng Chạp), Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cùng các đại sứ, du khách trong và ngoài nước ngoài bày tỏ sự ấn tượng về không gian Tết Việt tại làng cổ Đường Lâm (xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, TP. Hà Nội).
Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Lê Đại Thăng, cho biết, chương trình Tết Làng Việt năm 2025 được Thị xã Sơn Tây tổ chức tại di tích Quốc gia Làng cổ ở Đường Lâm - là năm thứ tư được diễn ra, chương trình được tổ chức thường niên với mục tiêu giữ gìn những nét đẹp văn hóa truyền thống cho các thế hệ mai sau và quảng bá những giá trị văn hóa dân tộc tới bạn bè quốc tế.
“Chương trình cũng nhằm đẩy mạnh hoạt động xúc tiến giới thiệu, du lịch Làng cổ ở Đường Lâm, các đặc sản địa phương, điểm đến du lịch tới người dân và du khách, đặc biệt là người nước ngoài đang sinh sống tại Việt Nam và kiều bào Việt Nam ở nước ngoài. Đây cũng là cơ hội gặp gỡ và giao lưu văn hóa nhằm tăng cường tình hữu nghị, sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân Việt Nam và bạn bè thế giới”, ông Lê Đại Thăng, nhấn mạnh.
Trong những năm qua, di tích quốc gia Làng cổ ở Đường Lâm với sự quan tâm của Thành phố Hà Nội đã được bảo tồn và phát huy giá trị một cách bền vững, di tích Làng cổ ở Đường Lâm đã trở thành điểm du lịch của Thành phố thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, nghiên cứu. Trong hai năm (2024, 2025) di tích Làng cổ ở Đường Lâm được Hiệp hội du lịch Châu Á và Đông Nam Á tôn vinh trao 2 giải thưởng danh giá trong lĩnh vực du lịch là sản phẩm du lịch bền vững ASEAN 2024 và sản phẩm Homestay của năm 2025.
Đến với chương trình Tết Làng Việt xuân Tất Tỵ, các đại sứ và nhân dân được trải nghiệm các phong tục truyền thống ngày tết, tham quan không gian chợ tết, trải làm diều sáo, nặn tò he, hoa thủy tiên, các sản phẩm lưu niệm; trải nghiệm làng nghề của địa phương thông qua việc tự làm bánh chưng, bánh tẻ, các loại kẹo lạc, kẹo dồi…
Tham gia các trò chơi dân gian bịt mắt đập niêu, ô ăn quan, diều sáo, bắt chạch trong chum, đấu vật, đá cầu, cờ người, nhảy sạp, chọi gà…, các nghề thủ công truyền thống đặc sắc và thưởng thức những giai điệu âm nhạc truyền thống gồm hát văn, hát xẩm, hát chèo, trống hội, tuồng…
“Chúng tôi hy vọng rằng chương trình sẽ đem đến cho các vị đại biểu khách quý, bạn bè quốc tế những trải nghiệm thú vị về những giá trị đặc sắc và lòng mến khách của nhân dân làng cổ Đường Lâm, đồng thời mở ra những cơ hội hợp tác mới với thị xã Sơn Tây trong thời gian tới” – ông Lê Đại Thăng, nhấn mạnh.
Tới dự chương trình “Tết làng Việt” xuân Ất Tỵ tại làng cổ Đường Lâm, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong đánh giá cao thị xã Sơn Tây cũng như chính quyền địa phương trong công tác tổ chức. Đồng chí Nguyễn Văn Phong cho rằng, qua chương trình này sẽ góp phần bảo tồn và gìn giữ các giá trị truyền thống văn hóa đặc sắc của làng cổ Đường Lâm nói riêng, Việt Nam nói chung.
“Tôi hy vọng các đại sứ sẽ hài lòng khi đến với làng cổ Đường Lâm và tham gia chương trình Tết Làng Việt tại đây, cũng như chia sẻ hình ảnh của làng cổ Đường Lâm và các cảnh sắc đặc biệt khác tại Thủ đô Hà Nội đến với du khách của nước bạn. Tôi sẵn sàng trở thành người hướng dẫn để các đại sứ trải nghiệm các thắng cảnh của Hà Nội và Việt Nam” – Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong chia sẻ với đại sứ các nước dự chương trình.
Ban tổ chức cho biết, “Tết làng Việt” năm 2025 tại Làng cổ Đường Lâm diễn ra từ ngày 18/1 đến 16/2/2025 (từ 19 tháng Chạp năm Giáp Thìn đến ngày 19 tháng Giêng năm Ất Tỵ).
Với nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật, trải nghiệm làng nghề đặc sắc gắn với Tết cổ truyền, chương trình tiếp tục góp phần phát huy các giá trị di tích, di sản trên địa bàn và kích cầu du lịch. Bên cạnh đó, chương trình giữ gìn những nét đẹp văn hóa truyền thống cho các thế hệ mai sau và quảng bá giá trị văn hóa dân tộc tới bạn bè quốc tế./.