Sự kiện & Bình luận

An toàn thông tin là yếu tố sống còn của Doanh nghiệp trong kỷ nguyên số

Đình Thế 20:16 26/09/2024

Ngày 26/9, tại tọa đàm với chủ đề "An toàn thông tin - Yếu tố sống còn của Doanh nghiệp trong kỷ nguyên số" hướng tới cung cấp các thông tin hữu ích, thiết thực cho các doanh nghiệp và doanh nghiệp nhỏ và vừa, góp phần nâng cao nhận thức và năng lực bảo vệ thông tin, dữ liệu, tài sản số của các doanh nghiệp tại Việt Nam, nhất là những doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nền kinh tế số.

5a795af55514f34aaa05.jpg
Các diễn giả tham gia tọa đàm "An toàn thông tin - Yếu tố sống còn của Doanh nghiệp trong kỷ nguyên số".

Trao đổi tại tọa đàm, các chuyên gia an toàn thông tin đã điểm ra các mối nguy an toàn, an ninh mạng phổ biến trên không gian mạng Việt Nam thời gian gần đây, đồng thời khuyến nghị các giải pháp các tổ chức, doanh nghiệp cần lưu ý để an toàn khi tham gia hoạt động trên môi trường số.

Theo ông Lê Công Phú, Phó Giám đốc Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam nhấn mạnh, đặt trong bối cảnh gia tăng các chiến dịch tấn công mạng gắn với những cuộc tranh chấp và xung đột địa chính trị, quân sự trên thế giới, tình hình mất an toàn thông tin mạng tại Việt Nam thời gian vừa qua cũng diễn biến phức tạp, khó đoán.

"Tấn công mạng ngày càng có xu hướng tập trung vào những hạ tầng thông tin quan trọng. Trong thời gian vừa qua, cả trên thế giới và tại Việt Nam, đã xuất hiện nhiều sự cố nghiêm trọng liên quan đến lĩnh vực tài chính, ngân hàng, năng lượng, y tế và các tổ chức doanh nghiệp tư nhân", ông Lê Công Phú chia sẻ.

z5868679375346_f86d92be9647d40ea118f1cfd642b210.jpg
Ông Lê Công Phú, Phó Giám đốc Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam thông tin.

Các sự cố tấn công mạng vào hệ thống thông tin của các doanh nghiệp như VNDIRECT, PVOIL... trong các tháng đầu năm nay không những gây ra thiệt hại về tài chính, uy tín của đơn vị đó mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động bảo đảm an toàn không gian mạng quốc gia.

An toàn thông tin mạng không chỉ là một vấn đề kỹ thuật mà còn là trụ cột quan trọng duy trì sự phát triển bền vững của nền kinh tế trong kỷ nguyên số, góp phần đảm bảo môi trường kinh doanh ổn định và đáng tin cậy.

z5868679357153_c39627ddcf50a20e8403c9e8a3b3d8ce.jpg
Ông Nguyễn Quang Huy, Giám đốc Khối Dịch vụ An toàn thông tin Savvycom trao đổi tại tọa đàm.

Tại tọa đàm, ông Nguyễn Quang Huy - Giám đốc Khối Dịch vụ An toàn Thông tin Savvycom đã chia sẻ, những thống kê cho thấy an ninh mạng hiện nay đang là rủi ro rất lớn cho các doanh nghiệp và đồng thời chia sẻ các biện pháp thực hành cụ thể nhằm nâng cao bảo mật và ứng phó các tình huống bị tấn công mạng.

Trích dẫn một báo cáo của CNBC năm 2023, ông Huy cho biết 42% doanh nghiệp hiện nay không có kế hoạch ứng phó với các mối đe dọa về an ninh mạng. Trong đó, còn 1/3 doanh nghiệp vẫn đang dựa vào các phần mềm miễn phí, bảo mật kém.

"Con người là mắt xích yếu nhất trong an ninh mạng. Vì thế, chúng ta cần nâng cao nhận thức và tỉnh táo hơn khi phát hiện thấy các hoạt động đáng ngờ", ông Nguyễn Quang Huy chia sẻ.

Đặc biệt, năm 2023 là năm bùng nổ về tấn công mã hoá dữ liệu. Ông Nguyễn Quang Hoàng nhận định: "Tấn công mạng năm 2023 đã có sự thay đổi lớn, với lỗ hổng từ yếu tố con người và công nghệ trở thành mục tiêu chính".

Đồng thời, theo thống kê thiệt hại do tấn công mã độc từ BKAV, kết thúc năm 2023, 716 triệu USD là mức thiệt hại do mã độc gây ra cho người dùng Việt Nam và trên 745.000 máy tính bị nhiễm mã độc.

Theo ông Vũ Phạm, Phó Giám đốc công nghệ CTCP Hanel, người dùng cá nhân và cả doanh nghiệp nên chuẩn bị sẵn tâm thế rằng mình có thể bị tấn công bất kỳ lúc nào.

"Từ đó, chúng ta mới có được sự cảnh giác và xây dựng chiến lược bảo mật dựa trên giả định này", ông Vũ chia sẻ.

z5868679363623_188d479b464d516b3f038c2d81fa72b8.jpg
Ông Ngô Minh Hiếu, Chủ tịch CyPeace chia sẻ tại tọa đàm.

Chia sẻ của Ngô Minh Hiếu, Chủ tịch CyPeace chi tiêu cho an toàn thông tin và quản trị rủi ro trên toàn cầu năm 2023 đã đạt khoảng 188,1 tỉ USD, tăng trưởng 14,2% so với năm trước đó. Tuy vậy, đi kèm với đó là những rủi ro về bảo mật và mất an toàn thông tin ATTT cũng ngày càng gia tăng nhanh chóng.

Một con số đáng báo động khác cũng được đại diện CyPeace đề nghị các doanh nghiệp quan tâm khi triển khai các giải pháp bảo vệ hệ thống thông tin của đơn vị mình, đó là tổng số lỗ hổng bảo mật được phát hiện và công bố năm 2023 đã tăng 11,1% so với năm 2022, trong đó các lỗ hổng mức cao và nghiêm trọng chiếm tỉ trọng xấp xỉ 56% xuất hiện trên các sản phẩm, phần mềm phổ biến./.

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
An toàn thông tin là yếu tố sống còn của Doanh nghiệp trong kỷ nguyên số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO