Cùng dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Y tế; các thành viên trong Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; cùng hơn 500 đại biểu là lãnh đạo các Bộ, ban, ngành ở Trung ương, các cơ quan, đơn vị Hiệp hội nghề nghiệp và đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng khẳng định, việc tổng kết, nhìn lại kết quả 10 năm qua trong thực hiện Cuộc vận động là hết sức cần thiết, từ đó rút ra những kinh nghiệm, bài học, xác định chính xác về mục tiêu, nhiệm vụ trong giai đoạn tới để Cuộc vận động ngày càng được triển khai rộng rãi, thiết thực, hiệu quả.
Thời gian qua, thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều Chỉ thị, Nghị quyết, Quyết định và các văn bản chỉ đạo điều hành để tổ chức thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định, Cuộc vận động là động lực, yêu cầu khách quan để Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương nỗ lực hoàn thiện hệ thống cơ chế - chính sách khuyến khích mọi loại hình doanh nghiệp; mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm Việt.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Quang Vinh.
Đồng thời, các cấp, ngành, doanh nghiệp cần chung tay tập trung thực hiện các giải pháp xúc tiến thương mại trong nước, lành mạnh hóa mạng lưới phân phối, ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn hàng hóa phù hợp với cam kết quốc tế nhằm từng bước kiểm soát nhập khẩu và trật tự thị trường. Đặc biệt, các ngành chức năng cần tăng cường công tác quản lý thị trường, xử lý nghiêm các hành vi mua bán hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng, hàng nhập khẩu trái phép...
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh, Cuộc vận động đã góp phần phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam và sản xuất ra nhiều hàng Việt Nam có chất lượng, sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Đồng chí Trần Quốc Vượng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Quang Vinh.
Tuy nhiên, đồng chí Trần Quốc Vượng cũng cho rằng, việc triển khai Cuộc vận động vẫn còn nhiều hạn chế và gặp khó khăn, thách thức. Cạnh tranh hàng hóa, dịch vụ trên thị trường trong nước ngày càng phức tạp hơn, nhất là khi thực hiện theo các thỏa thuận, hiệp định đa phương, song phương mà Việt Nam đã ký kết. Đó vừa là cơ hội, vừa là thách thức, tạo sức ép cạnh tranh lớn về sản xuất, thương mại. Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học – công nghệ tác động không nhỏ đến sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng của doanh nghiệp và nhân dân. Người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn, yêu cầu cao hơn đối với hàng hóa Việt về quy chuẩn, chất lượng.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của đất nước, Thường trực Ban Bí thư cho rằng Cuộc vận động cần được tiếp tục triển khai mạnh mẽ, sáng tạo, thiết thực hơn nữa trong thời gian tới.
Bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động, để người tiêu dùng trong nước tin và yêu thích dùng hàng Việt, các doanh nghiệp, người sản xuất cần không ngừng đổi mới, triệt để ứng dụng khoa học - công nghệ, khơi dậy bản lĩnh, ý chí, sức sáng tạo của người Việt Nam trong sản xuất, kinh doanh, chú trọng xây dựng thương hiệu hàng Việt, phấn đấu hàng hóa Việt Nam phải bảo đảm các điều kiện về bảo vệ môi trường, an toàn, chất lượng cao, giá thành hạ, tính cạnh tranh lớn, chinh phục được người tiêu dùng Việt Nam, chiếm lĩnh thị trường trong nước, thâm nhập sâu vào thị trường quốc tế.
Đồng thời, các cơ chế, chính sách về cải thiện môi trường sản xuất kinh doanh cần sớm được nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người sản xuất tháo gỡ khó khăn, tập trung kết nối cung - cầu; đẩy mạnh liên kết giữa nhà sản xuất - nhà phân phối - người tiêu dùng…
“Cuộc vận động sẽ tiếp tục có bước tiến bộ mới, tiếp tục khơi dậy niềm tự hào, tự tôn dân tộc của người Việt trong tiêu dùng hàng Việt”, đồng chí Trần Quốc Vượng nói.
Đồng chí Trần Thanh Mẫn phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Quang Vinh.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng, ý kiến phát biểu của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, đồng chí Trần Thanh Mẫn , Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động đề nghị, thời gian tới Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động cần tiếp tục rà soát chính sách, nghiên cứu đánh giá thực tiễn đối với việc tiêu dùng hàng hóa trong nước, chính sách nào hiệu quả, chính sách nào còn vướng mắc, vướng ở đâu; giải pháp phải xuất phát từ ngành hàng, từ nhu cầu địa phương, phù hợp với yêu cầu của người tiêu dùng từng vùng miền thì mới bền vững, hiệu quả.
Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị liên quan cần nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực thị trường, hải quan, thuế; xử lý nghiêm vi phạm về chất lượng sản phẩm hàng hóa; các doanh nghiệp thực hiện các cam kết bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng; phát triển hệ thống phân phối để đưa hàng Việt đến tận tay người tiêu dùng, nhất là vùng nông thôn, miền núi, khu công nghiệp, khu chế xuất.
Tại hội nghị, các đại biểu tham dự đã tập trung thảo luận các giải pháp để nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, vận động, cũng như bàn về việc tận dụng thời cơ, phát huy thế mạnh, ứng phó với những thách thức khi Việt Nam chính thức tham gia các hiệp định thương mại thế hệ mới.
Dịp này, Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động cũng đã biểu dương 82 tập thể và 147 cá nhân có thành tích xuất sắc trong 10 năm qua.