Yến Lan

Yến Lan| 12/12/2019 11:03

Tên thật là Lâm Thanh Lang. Quê gốc huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định, Yến Lan làm thơ từ chặng đầu của phong trào Thơ Mới, 1937. Khi ấy ở Bình Định có nhóm bạn trẻ làm thơ khá nổi. Họ kết thân với nhau, gọi là Bàn Thành tứ hữu. Quách Tấn cao tuổi nhất trong nhóm, sinh năm 1910. Hàn Mặc Tử sinh 1912, Yến Lan sinh 1916, ít tuổi nhất là Chế Lan Viên sinh 1920. Đất Bình Định không lớn, nhưng ảnh hưởng của nhóm thơ này, đặc biệt là Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, vào nền thơ Việt hiện đại lại không nhỏ.

Yến Lan

Lại về tỉnh nhỏ

Tỉnh nhỏ
Đìu hiu
Mặt trời ngủ giữa chiều,
Thả mình bên mái rạ
Cây trễ bóng trên hè
Tay xương nắm lá
Như tay người đưa thư
Áo vải tay vàng,
Hai vai đã vá,
Đi giữa đường mấp mô
Không có kẻ đợi chờ
Đôi chiếc xe dụm đầu ngái ngủ…
Tỉnh nhỏ
         Cô em
               Nằm xem
                         Kiếm hiệp
Sân bàn cờ, cửa trường gài liếp,
Mòn thước gõ đầu trò
Ông giáo đã hoa râm
Môi mùa hè đỏ bầm
Rụng theo hoa cành gạo
Gương bi chiếu tường cong,
Trên cột lều nhà thợ cạo
Bức tranh tố nữ mưa thu đã nhạt má hồng
Hàng rong
Gặp hàng rong,
Liếc mắt nhìn nhau qua mẹt bánh
Anh khóa nghèo lên tỉnh
Lá đơn cặp với cán ô
Ông chủ hiệu R.A.R.O (1)
Lấm lét trông chừng lính đoan đầu ngõ.
Võ vàng,
Nắng thắt ngang hầu thị trấn
Gập ghềnh trên đường vắng:
Cuộc đời,
Hay cỗ xe bò,
Nhắm về phía mả mồ
Chậm rãi lê từng bước một?
Hiên nhà ủ dột
Chống trời nhìn kẻ khuất phương xa
Chuông nhà thờ ngân nga
Báo hiệu một ngày đang chết.
Cảnh cũ
Hôm nay đổi thay dấu vết
Mười sáu năm tôi trở lại đây 
Xương thịt tay gầy,
Cây gạo ngày xưa vẫn nở
Mặt đường còn rỗ
                          Dấu bom,
Ngực vách đang đau
                           Vết đạn.
Nhưng mỗi vật đang bừng ánh sáng
Tự do.
Ảnh Bác Hồ
               Cười qua khung cửa.
Tỉnh nhỏ,
Dập dìu
Mặt trời trẻ buổi chiều
Reo trên mái lá
Cuộc đời như mạ
Con nước về
                Đang nhích từng phân

Quần lĩnh tía, áo tứ thân
Chen cửa hàng mậu dịch.
Áp phích rao hai tối kịch,
Cô em
     Đứng xem
               Lòng đầy tiếng hát.
Xe gạch đuổi xe cát.
Anh nối em 
Rẽ vào lối công trường.
Chuyện cải cách nông thôn.
Vào ca dao,
Tiếng mẹ hát cao cao,
Chớp chớp bàn tay con vỗ,
Tỉnh nhỏ
Nắng vàng
Chảy tràn
Lên tóc
Tôi đi qua trường học
Đầy áo hoa, chắc ông giáo đã bạc đầu
Kìa ai tưới vườn rau,
Sao giống cô em
Buổi trước nằm xem kiếm hiệp
Xe trên đường chạy tiếp:
Hà Nội - Cao Bằng
Phú Thọ - Tuyên Quang,
Mỗi người khách:
Một luống cày vừa xới.
Màn cửa nhà ai phấp phới ?
Như tình yêu
Tung cánh buồm chiều
Bơi giữa lòng thị trấn

Mặt trời không muốn lặn,
Mặt trời len vào mắt con người.
                            19/5/1956
(1) Cửa hàng bán rượu (R.A) và thuốc phiện (R.O) 
thời Pháp thuộc tỉnh nhỏ

Bến My Lăng

Bến My Lăng nằm không, 
thuyền đợi khách,
Rượu hết rồi, ông lái chẳng buông câu.
Trăng thì đầy rơi vàng trên mặt sách,
Ông lái buồn để gió lên mơn râu.

Ông không muốn run người ra tiếng địch
Chở mãi hồn lên tắm bến trăng cao.
Vì đìu hiu, đìu hiu, trời tĩnh mịch,
Trời võ vàng, trời thiếu những vì sao.
Trôi quanh thuyền, những lá vàng 
quá lạnh
Tơ vương trời, nhưng chỉ rải trăng trăng,
Chiều ngui ngút dài trôi về nẻo quạnh,
Để đêm buồn vây phủ bến My Lăng.

Nhưng đêm kia đến một chàng kỵ mã,
Nhúng đầy trăng màu áo ngực lưu ly,
Chàng gọi đò, gọi đò như hối hả
Sợ trăng vàng rơi khuất lối chưa đi.

Ông lão vẫn say trăng, đầu gối sách,
Để thuyền hồn bơi khỏi bến My Lăng.
Tiếng gọi đò, gọi đò như oán trách,
Gọi đò thôi run rẩy cả ngành trăng .

Bến My Lăng còn lạnh, bến My Lăng
Ông lái buồn đợi khách suốt bao trăng.

Mùa xuân 
         lên cao

Bút ký bằng thơ

(Trích)
Ta từ những miền:
Mặt ao tròn như những lá khoai;
Gánh trĩu nương chè: đồi cong đôi vai;
Hội diễn mùa xuân: cọ xoè quạt lá;
Măng uốn cần câu: thuyền thon mình cá.
Ta qua những làng
Máng rủ suối sang,
Chàm ngâm tím vại,
Trâu kéo gỗ về sông Yên Bái,
Bến Âu Lâu thóc trẩy sang đò;
Ta dừng trên những nương ngô
Phấn bay giếng nước,
Giàn su quả dày.
Vườn cam quả sây.
Cam hay chim nở,
Cam hay em nhỏ,
Trên cành múa lay;
Cam hay má đỏ
Tay sờ mát tay.
Nứa chuối chân ngàn
Nhìn ngon con mắt;
Ngọn suối cổ đeo vòng bạc
Thảnh thơi giã cối nếp vàng,
Tay ai chẻ lạt
Bó tròn lá dong;
Rung rinh làng mạc
Con nước xuôi bè lá bánh chưng.
Ta về quên cả phố phường;
Đêm nay lửa sưởi công trường,
Câu hát đồng bằng bay phấn đá
Nghe giọng miền Nam giòn giã,
Mắt nào không có bóng quê hương!
Đường "ray" ta theo:
Lào Cai - Hồ Kiều,
Chiếc cầu biên giới,
Hai cánh cờ giao thắm một màu,
Xuân chưa vào hội
Mà lòng dựng nêu;
Người ra bến lội,
Hai nước cùng nhen bếp lửa chiều,
Bên kia ai nói ?
Nghe cả bên kia tiếng Việt kiều.
Đêm nằm Bát Xát,
Hồn ta nghe cựa gốc sông Hồng,
Đồn giặc trên cao đà đổ nát,
Những áo chàm xanh hết khóc chồng,
Những áo chàm xanh vào hội nghị,
Trang sổ ghi đầy lịch đổi công.

Sau một công trình thủy lợi

Sông vẫn sông xưa nước đổi nguồn
Uống vào khang khác vị quê hương
Chút vì tươi trẻ từng bơi lặn
Kỷ niệm hòa vào hóa nhớ thương.
An Trường 1989

Tiếng võng ru

Ai giải dùm ta tiếng võng đưa
Của bao người mẹ tự bao giờ
Những chiều năm xửa năm xưa ấy
Trong lúc ngoài trời lén đổ mưa.
1939
Dệt thổ cẩm

Xa nhau trăng khuyết bữa nay tròn
Thổ cẩm em chưa đầy một vuông
Thư ở công trường anh gửi đến 
Đường dây thủy điện đã lên non

Họa mi trong lồng
Tặng Quang Dũng
Tàu điện xa dần phía chợ Mơ
Phòng văn được phút lặng không ngờ
Họa mi ai nhốt sau lồng trúc 
Vọng tiếng rừng sang góp với thơ.
10/1973

Tiếng khua đêm

Xóm nhỏ nhà tranh đôi mái sương
Cây rơm đống mạ cúi nhìn mương
Canh ba chưa kịp vang hồi mõ
Tiếng gậy lùa dê đã mở đường.
27/2/1998

.............................................................

Thơ tuyển rút từ tập “Yến Lan thơ với tuổi hoa” NXB Kim Đồng 2003; “Tuyển tập thơ tứ tuyệt” NXB Văn học Hà Nội 2006
(0) Bình luận
  • Cô gái Thái và hoa ban trắng
    Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài thơ Cô gái Thái và hoa ban trắng của tác giả Tạ Văn Hoạt.
  • Hoa chiến dịch Tây Bắc
    Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài thơ Hoa chiến dịch Tây Bắc của tác giả Nguyễn Tiến Luận.
  • Cảm tác Điện Biên
    Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài thơ Cảm tác Điện Biên của tác giả Trần Quang Bình.
  • Chiến sỹ Điện Biên
    Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài thơ Chiến sỹ Điện Biên của tác giả Vũ Lan Phương.
  • Mùa xuân Điện Biên
    Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài thơ Mùa xuân Điện Biên của tác giả Nguyễn Địch Long.
  • Trước tượng đài chiến sĩ Điện Biên
    Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài thơ Trước tượng đài chiến sĩ Điện Biên của tác giả Lương Sơn.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Dự án nghệ thuật công cộng trên cầu đi bộ Trần Nhật Duật sẽ khai mạc ngày 3/5
    Dự án nghệ thuật công cộng trên cầu đi bộ Trần Nhật Duật (quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội) trên cơ sở là cây cầu đi bộ bắc ngang qua phố Trần Nhật Duật được xây dựng và đưa vào sử dụng từ năm 2014. Dưới sự chung tay của các nghệ sĩ, các tác phẩm nghệ thuật sắp đặt trên cầu đi bộ phố Trần Nhật Duật đã biến không gian công cộng thành một không gian nghệ thuật hấp dẫn, đặc sắc.
  • Tiếp nối mạch nguồn, tạo sự bứt phá
    Giá trị VHNT Hà Nội - Huế - Thành phố Hồ Chí Minh là một bộ phận nền tảng quan trọng, mang ý nghĩa văn hóa, xã hội trong tiến trình phát triển của đất nước. Điều này được thể hiện rõ nét trên các lĩnh lực: văn học, văn nghệ dân gian, âm nhạc, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu, điện ảnh, kiến trúc, múa. Nhìn lại chặng đường gần 50 năm kể từ ngày thống nhất đất nước của VHNT 3 thành phố, có thể thấy rõ những thành tựu và cả những mặt hạn chế tồn tại cần phải thay đổi để tiếp nối mạch nguồn, tạo sự bứt phá.
  • Độc đáo “ngõ cổng vòm” giữa lòng Thủ đô
    Thời gian gần đây, ngách 5/1 phố Từ Hoa (Tây Hồ, Hà Nội) trở thành một địa điểm check-in, chụp hình quen thuộc của người dân Thủ đô. Với lối kiến trúc mộc mạc, con ngách đã trở thành một “góc xưa” giữa Thủ đô hiện đại.
  • Thông tin người phụ nữ bán 3 quả dứa 500 nghìn đồng ở phố cổ cho du khách là không chính xác
    Ngày 1/5, Công an quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội cho biết, qua xác minh, chưa có cơ sở xác định người phụ nữ bán hàng rong trên phố cổ “chặt chém” du khách nước ngoài với việc bán 3 quả dứa giá 500.000 đồng.
  • Hà Nội mùa đông lịch sử
    Đêm Hà Nội những ngày tháng 12, không khí lạnh tăng cường, nhiệt độ thấp nhất ở mức 7-8 độ C, tôi trằn trọc trở mình trong chăn đệm êm ấm, rưng rưng lắng nghe những ca từ xúc động trong bài hát “Cảm xúc tháng Mười” vang lên từ ngôi nhà kế bên. Ngoài kia gió rít từng cơn thổn thức, những cảm xúc nghẹn ngào thôi thúc tôi dậy mở máy tính, xem lại những thước phim tư liệu về 60 ngày đêm bảo vệ Thủ đô của Hà Nội năm 1946. Từ hiện tại bình yên, tôi đã được trở về với mùa đông lịch sử của thành Rồng - một mùa đông giá buốt nhưng rực lửa.
Đừng bỏ lỡ
Yến Lan
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO