Chuyển mình mạnh mẽ trong đào tạo chuyên khoa sâu, cao nghiệp vụ, bồi dưỡng thêm kiến thức, kĩ năng toàn diện cho y bác sĩ và xác định: Kết hợp giữa y học cổ truyền và y học phương Tây là chìa khóa quan trọng trong cuộc chiến chống dịch Covid-19.
Phóng viên Tạp chí Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Đậu Xuân Cảnh, Giám đốc Học viện Y Dược học cổ truyền Tuệ Tĩnh về những đổi mới trong đào tạo nhằm thích ứng với thực tiễn hiện nay.
PV: Thưa ông, tình hình dịch bệnh covid 19 vẫn đang diễn ra phức tạp, y học hiện đại cũng đang oằn mình để giành giật sự sống cho người bệnh, vậy y học cổ truyền nói chung, Tuệ Tĩnh nói riêng sẽ tham gia vào trận chiến này thế nào?
PGS.TS Đậu Xuân Cảnh, Giám đốc Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam.
PGS.TS Đậu Xuân Cảnh: Cùng với việc nghiên cứu các bài thuốc hay, phương pháp chữa bệnh mới bằng y học cổ truyền (YHCT), thời gian qua, Học viện Tuệ Tĩnh còn chú trọng kết hợp YHCT với y học hiện đại (YHHĐ), xem đây là nhiệm vụ quan trọng để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, từng bước đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, đặc biệt trong bố cảnh dịch bệnh covid 19 hiện nay. Theo đó, chúng tôi đang tiếp tục chuyển mình bằng việc đào tạo chuyên khoa sâu sau đại học cho các y bác sỹ nhằm bổ sung kiến thức, kỹ năng chuyên môn để cùng kết hợp với y học hiện đại để điều trị được những bệnh nguy cấp, nan y.
PV: Vậy để chuyển mình cùng y tế cả nước, y học cổ truyền sẽ lấy gì làm nền tảng thưa ông?
PGS.TS Đậu Xuân Cảnh: Theo tôi, đào tạo bài bản là nền tảng quan trọng nhất. So với trước đây, việc đào tạo chuyên khoa sâu hầu như chỉ dành cho các bác sỹ ở bệnh viện tuyến trung ương hoặc tuyến tỉnh có nhu cầu. Tuy nhiên, nhu cầu này hiện nay đã thay đổi từ vài năm trước, những đơn vị y tế tuyến huyện cũng đã quan tâm đến trình độ chuyên khoa sâu, toàn diện và có sự đầu tư bài bản cho đội ngũ y bác sỹ theo hướng đông, tây y kết hợp.
Trong chương trình đào tạo nhân lực y tế ở bậc đại học hiện hành, khi tốt nghiệp hệ đại học, các bác sỹ mới chỉ dừng ở mức độ đa khoa và chưa được đào tạo ở chuyên khoa sâu. Vì thế, sau khi có chứng chỉ hành nghề và đi làm, đội ngũ này thường có nhu cầu được tiếp tục đi học bổ sung kiến thức bác sỹ chuyên khoa sâu như: chuyên khoa cấp I, chuyên khoa cấp II, thạc sĩ y khoa, tiến sĩ y khoa…
Đối với lĩnh vực y dược học cổ truyền, thời gian tới Học viện sẽ có các lớp trình độ chuyên khoa nội y học cổ truyền, ngoại y học cổ truyền, nhi y học cổ truyền hoặc các chuyên khoa lẻ như: tâm thần kinh, mắt, da liễu, tai mũi họng, hô hấp răng hàm mặt….
Sự phân chia này dựa trên cấu trúc các loại bệnh lý, nên các bác sĩ thuộc lĩnh vực này cũng có nhu cầu được đào tạo chuyên khoa sâu để phục vụ chính công việc của họ sau khi tốt nghiệp đại học.
Chính nhu cầu thực tế từ các y bác sỹ và sự cấp thiết của xã hội, Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam đã có chủ trương đẩy mạnh đào tạo sau đại học giúp đáp ứng tốt hơn việc mong mỏi chăm sóc sức khỏe của người dân.
PV: Vậy mong muốn này sẽ được cụ thể hóa và xác định như thế nào trong thời gian tới, thưa ông?
PGS.TS Đậu Xuân Cảnh: Chúng tôi muốn đào tạo nhiều chuyên khoa khác nhau để khi ra trường, các bác sỹ tự tin hành nghề và phát huy được kiến thức, năng lực, sở trường của mình, nhằm phục vụ tốt hơn công việc chăm sóc sức khỏe cho người dân trong mọi tình huống nguy cấp.
Đồng thời, trong khung trình độ chung ở hệ đại học chính quy và sau đại học, Học viện vẫn đang có định hướng đến việc cá thể hóa trong đào tạo. Ví dụ như một khoá đại học, sinh viên cùng được đào tạo ngành nội y học cổ truyền nhưng sẽ có bạn thiên về châm cứu, xoa bóp, tim mạch, hô hấp… chú trọng phát huy những khả năng của chính bản thân người học.
Hoặc với hệ đào tạo sau đại học, các bác sĩ có mong muốn được học tập, nghiên cứu chuyên khoa sâu về bệnh nhi y học cổ truyền, nhà trường xây dựng, hình thành chương trình học để sẽ đáp ứng những nhu cầu đó, gắn đào tạo với thực hành lâm sàng…
Áp dụng các liệu pháp chấm cứu, bấm huyệt y học cổ truyền trong khám chữa bệnh.
Việc lựa chọn chương trình học tập là do người học, chúng tôi sẽ phân loại để điều chỉnh và tạo điều kiện cho học viên được thực tập, trải nghiệm thực tế nhiều hơn, đặc biệt là những vận dụng linh hoạt trong việc điều trị cho bệnh nhân.
Hiện nay, công tác tuyển sinh đại học và sau đại học nói đang là bài toán đối với các cơ sở giáo dục đại học. Học viện tập trung kết hợp kiến thức giữa y học hiện đại với y học cổ truyền. Đây vừa là bản sắc riêng cũng là phương thức để cho ra lò những bác sĩ đa di năng có đủ hiểu biết cả đông y và tây y.
Hơn nữa, hiện nay các trường đại học đang được tự chủ trong các vấn đề về tuyển sinh, đào tạo và đánh giá chất lượng. Do đó, Học viện xác định, học viên là khách hàng, đã là khách hàng thì sẽ được cung cấp đầy đủ thông tin minh bạch và bảo đảm nhu cầu đào tạo cùng tất cả những quyền lợi chính đáng của họ khi theo học.
PV: Tôi được biết, trong đại dịch covid 19 vừa qua, ở Trung Quốc chữa hàng chục ngàn ca nhiễm Covid-19 bằng y học cổ truyền? xin ông chia sẻ thông tin này?
PGS.TS Đậu Xuân Cảnh: Tôi được biết, kể từ khi dịch bùng phát, Chính phủ Trung Quốc kết hợp cả y học cổ truyền và y học phương Tây, huy động lực lượng nghiên cứu khoa học và y tế ở cả hai lĩnh vực để điều trị bệnh nhân. Tôi cũng nghĩ, sự kết hợp giữa y học cổ truyền và y học phương Tây là chìa khóa quan trọng trong cuộc chiến chống dịch Covid-19.
Trung Quốc đã đưa hơn 2.200 nhân viên y tế từ các trường đại học và bệnh viện y học cổ truyền trên khắp Trung Quốc tới Vũ Hán để hỗ trợ kể từ đầu mùa dịch. Y học cổ truyền cũng được sử dụng phòng ngừa và kiểm soát Covid-19 ở cấp cộng đồng. Bằng cách phối hợp các nguồn lực của y học cổ truyền Trung Quốc và phương Tây, Trung Quốc đã cố gắng cải thiện tỷ lệ chữa khỏi và giảm tỷ lệ tử vong xuống mức thấp nhất có thể để bảo vệ sức khỏe của người dân.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!