Xúc động tấm tình nghệ sĩ trong ngày giỗ tổ sân khấu

Hồng Thinh| 28/09/2020 16:11

Hàng trăm nghệ sĩ sân khấu đã cùng tề tựu tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ (Hà Nội) để dâng hương giỗ tổ sân khấu và thưởng thức vở kịch “Dưới ánh đèn”. Thêm một lần nữa, những tấm tình nghệ sĩ được trao gửi, sẻ chia trong biết bao xúc động, tự hào…

Chung tay sẻ chia

Lễ dâng hương giỗ tổ sân khấu nhân Ngày Sân khấu Việt Nam (12/8 âm lịch) được Công ty Cổ phần Nhà hát thử nghiệm Việt Nam phối hợp với Câu lạc bộ Sân khấu thử nghiệm (Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam) tổ chức tối ngày 27/9 thật trang trọng và ấm tình nghệ sĩ. 

Bên tiệc trà thanh mát, những cái bắt tay thật chặt, những lời chúc được gửi trao để rồi bạn bè cùng râm ran sẻ san bao chuyện đời, chuyện nghề…

Xúc động tấm tình nghệ sĩ trong ngày giỗ tổ sân khấu

Nghệ sĩ chụp hình kỷ niệm tại lễ dâng hương giỗ tổ sân khấu tối ngày 27/9. Ảnh: HT

Đây là lễ dâng hương báo công tổ nghề của đội ngũ nghệ sĩ sân khấu phía Bắc đang tích cực hoạt động theo mô hình xã hội hóa. Dù còn rất nhiều khó khăn, thách thức nhưng những năm qua, đội ngũ nghệ sĩ này vẫn bền bỉ từng bước kết nối, tổ chức một số chương trình nghệ thuật, dàn dựng những vở diễn.

Những chương trình nghệ thuật ấy đã góp thêm phần hương sắc cho sân khấu nước nhà, tiêu biểu như vở “Dưới ánh đèn” đã  giành Huy chương Bạc tại Liên hoan Sân khấu Kịch nói toàn quốc năm 2018.

Không chỉ thế, đội ngũ sân khấu xã hội hóa còn tích cực tri ân những thế hệ nghệ sĩ gạo cội đã có nhiều đóng góp vào sự phát triển của sân khấu, đồng thời nỗ lực góp gom những tấm lòng thiện nguyện để chung tay sẻ chia với những nhọc nhằn vì phải bươn trải với cuộc sống của không ít nghệ sĩ hôm nay.

Xúc động tấm tình nghệ sĩ trong ngày giỗ tổ sân khấu

Ban tổ chức tặng quà cho các nghệ sĩ cao tuổi và có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: Thanh Tùng

Từ năm 2016 đến nay, ban tổ chức đã trao hơn 100 suất quà với tổng trị giá hàng trăm triệu đồng cho các nghệ sĩ. Đặc biệt, ngay tại lễ dâng hương giỗ tổ năm nay, ban tổ chức đã trao 30 suất quà, tổng trị giá 120 triệu đồng cho các nghệ sĩ cao tuổi và các nghệ sĩ có hoàn cảnh khó khăn ở Hà Nội và một số tỉnh thành phía Bắc.

Trước đó, tại lễ kỷ niệm Ngày Sân khấu Việt Nam do Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức ngày 25/9 tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Câu lạc bộ Sân khấu thử nghiệm đã phối hợp với Công ty TNHH Long Hải trao 122 suất quà trị giá khoảng 40 triệu đồng cho các nghệ sĩ.

Tấm tình trao gửi

Lễ dâng hương giỗ tổ sân khấu năm nay còn mang đến cho các thế hệ nghệ sĩ và khán giả món quà đặc biệt ý nghĩa và xúc động khi biểu diễn vở kịch “Dưới ánh đèn” để báo công với tổ nghề.

“Dưới ánh đèn” kể về con đường đến với nghệ thuật của nghệ sĩ Bảo Long – một con đường đầy nhọc nhằn, gian nan, thậm chí có cả máu và nước mắt. 
Ban đầu là sự ngăn cản của cha Bảo Long – dẫu ông đã từng là một nghệ sĩ tuồng tâm huyết nhưng vì gặp tai nạn nghề và sự ganh ghét đố kỵ mà mang nỗi hận với nghề.

Tuy vậy, Bảo Long vẫn quyết chí theo đuổi niềm đam mê, dấn thân vào con đường nghệ thuật. Dù phải chịu biết bao cay đắng ngay chính đồng nghiệp cũng như những giông bão cuộc đời bủa vây, có lúc còn tưởng như không thể vươn tới ước mơ nhưng Bảo Long vẫn không chùn bước… 

Có thể nói, khát vọng vươn tới nghệ thuật của Bảo Long trong “Dưới ánh đèn” cũng chính là khát vọng của biết bao đời nghệ sĩ. Khát vọng ấy đã được ê kíp sáng tạo gồm tác giả: Chu Thơm, đạo diễn: NSND Trần Nhượng, họa sĩ: NSƯT Đạt Tăng, nhạc sĩ: Tiến Minh, biên đạo múa: NSND Ngọc Bích, biên vũ đạo tuồng: NSND Hương Thơm… cùng các nghệ sĩ: Ca sĩ Long Nhật, NSƯT Tiến Quang, Công Vượng, Công Dũng, Kim Quý, Hồng Gấm, Việt Bắc và Trịnh Huyền tái hiện trên sân khấu bằng một câu chuyện tuy đơn giản song khá chân thực trong những cảm xúc thăng hoa.

Xúc động tấm tình nghệ sĩ trong ngày giỗ tổ sân khấu

Vở kịch "Dưới ánh đèn" trở lại với khán giả mừng Ngày sân khấu Việt Nam. Ảnh: Thanh Tùng.


Được dàn dựng từ nguồn kinh phí xã hội hóa, góp gom từ lòng say nghề của các nghệ sĩ cũng như ê kíp sáng tạo song “Dưới ánh đèn” vẫn xuất sắc tỏa sáng tại Liên hoan Sân khấu Kịch nói toàn quốc năm 2018 khi giành Huy chương Bạc vở diễn cùng 2 Huy chương Vàng và 1 Huy chương Bạc cá nhân. Sau liên hoan, vở diễn đã được công diễn ở Hà Nội, Huế, Hải Dương…

Theo NSND Trần Nhượng, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Sân khấu thử nghiệm, Giám đốc Công ty Cổ phần Nhà hát thử nghiệm Việt Nam, tất cả các nghệ sĩ tham gia vở diễn bằng tình yêu sân khấu vô điều kiện. Chuyện không có sàn tập và ăn cơm hộp để tập vở là rất đỗi bình thường! 

Chia sẻ thêm về những nỗ lực này của các  nghệ sĩ, tác giả Chu Thơm nói: “Giữa thời sân khấu không còn "đắt hàng" thì việc làm sân khấu xã hội hóa càng khó khăn gấp bội phần. Vậy nên, thật trân trọng trước những tấm lòng vì nghệ thuật của các nghệ sĩ trong suốt mấy năm qua để  “Dưới ánh đèn” được kể với công chúng những tiếng lòng đời nghệ sĩ”.

Bài liên quan
  • Hà Nội: Chú trọng đẩy mạnh phát triển văn hóa đọc, tiến tới xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh
    Được sự chỉ đạo của Vụ Thư viện - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và trực tiếp là sự quan tâm của UBND thành phố Hà Nội, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội luôn quan tâm đầu tư kinh phí cho hoạt động, cải tạo và nâng cấp thư viện, mua sắm trang thiết bị tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động chuyên môn của Thư viện Hà Nội. Theo đó, Thư viện Hà Nội đã thay đổi phương thức làm việc nhằm tạo hiệu quả cho hoạt động chuyên môn và hoàn thành tốt các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Video] Sóng lụa làng nghề Vạn Phúc
    Là một trong những làng nghề thủ công ra đời sớm nhất vùng Đồng bằng sông Hồng cũng như cả nước, làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông) là làng nghề dệt lụa tơ tằm nổi tiếng từ xa xưa. Nhiều mẫu hoa văn của lụa Vạn Phúc từng được chọn may quốc phục dưới các triều đại phong kiến. Ngày nay, ngoài việc gìn giữ, phát huy giá trị của nghề truyền thống qua các sản phẩm, làng lụa Vạn Phúc còn là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách trong nước và quốc tế.
  • Tọa đàm những vấn đề về kịch bản sân khấu hiện nay
    Với mong muốn tìm ra những nguyên nhân và giải pháp về vấn đề kịch bản sân khấu hiện nay, sáng 22/11, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức tọa đàm “Những vấn đề về kịch bản sân khấu” với sự tham gia của đông đảo hội viên trong hội.
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Triển lãm "Cộng đồng kiến tạo": Vinh danh những đóng góp giá trị cho xã hội
    Sáng 22/11, tại sân Bái Đường, Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã diễn ra Triển lãm "Hành động vì cộng đồng" - Human Act Prize 2024 với chủ đề “Cộng đồng kiến tạo”.
  • Đồng chí Nguyễn Việt Phương giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội
    Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thanh Trì Nguyễn Việt Phương được điều động đến công tác tại Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội, giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy khóa XVII.
Đừng bỏ lỡ
Xúc động tấm tình nghệ sĩ trong ngày giỗ tổ sân khấu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO