Xây hạnh phúc gia đình từ... món ngon văn chương

Miên Thảo | 08/03/2021 09:30

Là một cây bút nữ sắp bước sang U60 nhưng dường như những trở ngại về tuổi tác và giới tính không hề hiện hữu trên trang văn Kiều Bích Hậu. Trái lại, ở chị luôn dồi dào nguồn lực và ăm ắp sự mạnh mẽ, tươi trẻ. Nhân dịp kỷ niệm 111 năm Ngày Quốc tế phụ nữ (8/3/1910 - 8/3/2021), mời độc giả cùng Người Hà Nội trò chuyện, chia sẻ với nữ nhà văn từ góc nhìn đầy thú vị về phụ nữ và văn chương.

Xây hạnh phúc gia đình từ...
Khi cầm bút, tính nữ, cùng ý thức bảo vệ quyền lợi phụ nữ luôn thường trực và tỏa ra từ ngòi bút của Kiều Bích Hậu. Ảnh: NVCC.
Mỗi phụ nữ Việt Nam đều là người đáng trọng bậc nhất

PV: Đọc những tập truyện, cuốn tiểu thuyết của chị, độc giả thấy nhà văn có phần "thiên vị" cho những nhân vật nữ, liệu có phải vì sự đồng cảm giới tính hay còn vì điều gì nữa? 

Nhà văn Kiều Bích Hậu: Trước hết, tôi là một phụ nữ viết văn, và khi cầm bút, tính nữ, cùng ý thức bảo vệ quyền lợi phụ nữ, phát triển tận lực người phụ nữ, giải phóng họ khỏi những dây trói vô hình của xã hội, tâm trí,… luôn thường trực và tỏa ra từ ngòi bút. Tôi luôn tin tưởng rằng mỗi người phụ nữ Việt Nam đều là người đáng trọng bậc nhất bởi khí chất kiên cường, chịu thương chịu khó, chăm chỉ cần cù lao động, giàu lòng yêu người, yêu cuộc sống. Nhiều phụ nữ có tài năng tiềm ẩn. Tuy nhiên, những luật lệ bất thành văn của xã hội, hủ tục Nho giáo, tập quán, quan niệm chung bao đời đã cố ý ràng trói người phụ nữ trong khuôn khổ chật hẹp, để trục lợi từ họ, đòi hỏi họ hy sinh bản thân thật nhiều và nhiều hơn nữa, không cho họ tự do bứt phá phát triển bản thân đến tận cùng, và tận hưởng cuộc sống đến tận cùng. Tôi mong muốn qua văn chương, cởi sợi dây trói vô hình cho phụ nữ, động viên họ tin tưởng vào bản thân, vào tương lai và thành quả tốt đẹp khi họ dám đứng lên thực hiện mơ ước đời mình, sống cuộc đời mình mong muốn, tháo bỏ mặt nạ, vỏ bọc để chân thực là mình từng giây phút sống quý giá trên đời. Bạn đọc có thể thấy điều đó qua các tác phẩm “Chọn chồng”, “Cầu Gon”, “Cất tiếng gọi trời”, “Thú dữ”, “Đợi đò”, “Tóc trinh”,…

PV: Bao năm sống và làm việc tại Hà Nội, hẳn rằng chất Hà Nội thấm vào những nhân vật nữ ở tác phẩm của chị? Đây là một thế mạnh chị luôn ý thức khai thác hay là một lẽ tự nhiên?

Nhà văn Kiều Bích Hậu: Hà Nội là không khí tôi thở, là lời ăn tiếng nói, là cư xử, là từng chữ tôi viết ra hàng ngày. Những nhân vật nữ của tôi, tuy trong những tác phẩm có thể không định ra nơi sinh sống thường xuyên là Hà Nội, nhưng họ Hà Nội hơn ai hết. Khí chất thanh tao, dịu dàng, sâu lắng trong họ là thường ngày hiển hiện, nhưng ẩn sâu lại là ý chí mạnh mẽ, vươn lên trong cuộc sống hiện đại, tự tôn mà tinh tế. Phụ nữ ở nơi “ngàn năm văn hiến” vừa thông thái thừa hưởng sự giàu có của truyền thống Hà Nội, vừa cởi mở chọn lọc đón nhận tinh hoa nhân loại để tự thăng hoa và cống hiến vẻ đẹp riêng mình, chẳng phải để được người ta thán phục, mà bởi Hà Nội là mình, thế thôi. Bạn đọc hẳn sẽ muốn mình được sống thỏa nguyện và có đời sống phong phú như những nhân vật trong “Xuyến chi xanh”, “Đối tác”, “Sóng mồ côi”,…

Ghét nhàm chán – đòi hỏi sự mới mẻ

PV: Nhân vật nữ trong những trang văn của chị thường cá tính, mạnh mẽ, sôi nổi và gây bất ngờ xem ra không được đồng nhất với một cây bút không còn "trẻ" như chị - nếu về tuổi đời thì đang “chấp chới” giữa U50 và U60 còn về tuổi nghề thì cũng đã ngót 30 năm? 

Nhà văn Kiều Bích Hậu: Tôi sống thế nào thì viết thế ấy. Tôi vừa già hơn tuổi thực, lại vừa trẻ hơn tuổi thực. Tôi càng nhiều tuổi hơn thì tôi sống càng thơ trẻ và mãnh liệt hơn. Một số nhân vật trong truyện của tôi cũng thể hiện lối sống ấy, hoặc mong muốn ấy. Chẳng cố định vào tuổi nào trong khi tôi viết. Và hầu như tôi đã quên mất tuổi của mình. Tóm lại nó chỉ là một con số thôi mà. Điều quan trọng là chính giây phút này tôi cảm thấy thế nào, tôi viết ra sao. 

PV: Vì sao lại có sự "đảo chiều" thú vị này, thưa nhà văn? 

Nhà văn Kiều Bích Hậu: Tôi ghét sự nhàm chán và luôn đòi hỏi mới mẻ, sáng tạo. Ai sống với tôi mà cứ lặp đi lặp lại một kiểu, một thông điệp, một câu chuyện, tôi sẽ chán rất nhanh. Văn chương thì lại càng phải khác biệt, bất ngờ, nếu không thì đừng viết, có viết cũng không ai đọc. Người già thì thiên về ổn định, an toàn, thích nắm chắc cái gì đã biết. Người trẻ thì thích đổi mới, sáng tạo, học hỏi cái chưa biết. Ta có thể đã 81 tuổi nhưng vẫn sống như một người 18 tuổi nếu ta còn biết học hỏi, biết chơi đùa, biết gây bất ngờ trong cách sống hàng ngày. Nhân vật Lin trong truyện “Thú dữ” của tôi là một thí dụ, có trời biết cô ấy ở đâu, làm gì, những tay săn đầu người tài ba nhất Tây Âu cũng lắc đầu không truy ra dấu vết cô ấy, dù cô ấy có thể hiển hiện ngay trước mặt anh ta. Nhưng năng lực siêu việt của Lin thì đến các tập đoàn công nghệ đa quốc gia cũng phải thèm khát. Lin thực ra chỉ là một cô gái tuổi hai mươi.

PV: Thế, chị thấy sao trước sự "đảo chiều" về hình tượng người phụ nữ Việt trong văn học hôm nay - chuyển từ những chuẩn mực được định sẵn trong khuôn phép như: ngoan hiền, cam chịu, lệ thuộc... sang mạnh mẽ, tự chủ, độc lập, dám vượt ra ngoài khuôn phép...? 

Nhà văn Kiều Bích Hậu: Thực ra đó là khao khát mãnh liệt của phụ nữ Việt bao lâu nay, nhưng chưa hề có điều kiện như hiện nay để bứt phá. Phụ nữ Việt là những người mạnh mẽ, tự chủ, biết cách khôn khéo vượt ra ngoài các giới hạn. Xưa kia chúng ta có Bà Trưng, Bà Triệu, và trong lịch sử hiện đại cũng có bà Bình, bà Định, trong văn chương có Hồ Xuân Hương. Ngày nay, trong thời đại công nghệ số, mọi giới hạn đều có thể được dỡ bỏ, thì phụ nữ Việt sẽ càng phát triển mạnh mẽ và làm nên lịch sử của riêng mình. Văn tôi viết ra là một phần để động viên họ dám sống là mình, đúng với bản chất của mình, đồng nhất tâm – trí - thân.

PV: Theo chị, sự "đảo chiều" này đã đáp ứng được thực tế thời đại hay chưa và có khi nào bị lạm dụng, đẩy quá đà?

Nhà văn Kiều Bích Hậu: Nếu không bây giờ thì đến bao giờ? Sự lạm dụng và quá đà có thể diễn ra trong bất cứ lĩnh vực nào. Tôi tin vào những phụ nữ thông thái, họ biết mình có thể tiến đến đâu, dừng lúc nào, tiếp tục nâng cao bản thân mình khi nào, không ai, cái gì có thể đẩy họ ngã nhào xuống vực.

Hạnh phúc vì sống tự nhiên như cây cỏ

PV: Những năm gần đây có vẻ cây bút nữ viết văn xuôi (nhất là viết tiểu thuyết) dường như không được nhộn nhịp bằng thơ. Chị lý giải như thế nào về thực tế này? 

Nhà văn Kiều Bích Hậu: Thời đại thông tin nhiễu loạn, sự kiện dồn dập khiến nhiều cây bút khó tĩnh tâm lâu dài cho tiểu thuyết. Với đặc điểm như thế, thơ xem ra là thể loại có thể phù hợp. Ngay như bản thân tôi cũng viết thơ, khi thời gian bị xé vụn. Đôi câu thơ trong lúc chờ xe buýt, trong lúc đợi bạn, lúc đang nấu ăn cũng có thể hoàn thành mà.

Xây hạnh phúc gia đình từ...
“Gia đình chúng tôi ai cũng sống cùng văn chương như cơm ăn 
nước uống hàng ngày” - trong ảnh: 4 thế hệ phụ nữ của gia đình 
nhà văn Kiều Bích Hậu hiện nay. Ảnh: NVCC.
PV: Được biết, bên cạnh văn xuôi, mới đây chị cũng ghé sang thi ca với tập "Ẩn số" phát hành trên Amazon. Và điều thật lạ khi "Ẩn số" được chị viết bằng tiếng Anh, phải chăng ở thơ chị nghiêng về phụ nữ phương Tây?

Nhà văn Kiều Bích Hậu: Đó là cái tinh hoa phương Tây được tôi chắt lọc và thể hiện bằng ngôn ngữ Anh. Ngôn ngữ là văn hóa. Khi đó tôi sống ở châu Âu, cho phép bản thân phiêu du trong trường văn hóa phương Tây và để tâm hồn Hà Nội được bứt phá một phen. Thế là thơ Anh ngữ, tư duy nguyên bản Anh ngữ tuôn ra ào ạt và tôi cứ thế mà ghi ra thôi. Tôi nghiêng về phụ nữ, chứ không phải về phụ nữ riêng một phương trời nào. Tôi viết thơ ấy ra cho phụ nữ, động viên phụ nữ hãy yêu và hãy tự do.

PV: Chị từng khoe bức ảnh 4 thế hệ phụ nữ của đại gia đình mình với niềm hạnh phúc, sung sướng và cả tự hào. Có bí quyết nào cho niềm hạnh phúc lớn lao này không, thưa chị? 

Nhà văn Kiều Bích Hậu: Bí quyết ấy là chúng tôi luôn bên nhau, sống tự nhiên như cây cỏ, sống thật với bản chất của chính mình. Bà ngoại tôi, hơn 90 tuổi, từng động viên cô cháu gái hơn 30 tuổi của bà rằng, cháu không việc gì phải lấy chồng cho khổ nếu cháu thấy xung quanh hôn nhân chẳng có gì hay ho. Chúng tôi đã cực kỳ ngạc nhiên khi bà mạnh bạo phát biểu một điều trái ngược như thế, trong khi bất cứ ai cũng giục giã cháu gái bà lấy chồng đi. 

PV: Và văn chương có góp phần xây dựng hạnh phúc lớn lao ấy của đại gia đình chị nói riêng và nhiều đại gia đình khác nữa hay không? 

Nhà văn Kiều Bích Hậu: Văn chương là cốt lõi của văn hóa, chúng tôi đọc sách hàng ngày từ tấm bé. Bà ngoại tôi hơn 90 tuổi vẫn đọc làu làu cả một trường ca dài cho chúng tôi nghe mà chẳng cần văn bản nào. Gia đình chúng tôi ai cũng sống cùng văn chương như cơm ăn nước uống hàng ngày, tự nhiên như vậy. Các gia đình khác tôi nghĩ họ có cách của họ, nhưng khó ai có thể bỏ qua “món ngon văn chương” nhỉ!

PV: Cảm ơn nhà văn đã dành cho Người Hà Nội cuộc trò chuyện thú vị này!
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Video] Sóng lụa làng nghề Vạn Phúc
    Là một trong những làng nghề thủ công ra đời sớm nhất vùng Đồng bằng sông Hồng cũng như cả nước, làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông) là làng nghề dệt lụa tơ tằm nổi tiếng từ xa xưa. Nhiều mẫu hoa văn của lụa Vạn Phúc từng được chọn may quốc phục dưới các triều đại phong kiến. Ngày nay, ngoài việc gìn giữ, phát huy giá trị của nghề truyền thống qua các sản phẩm, làng lụa Vạn Phúc còn là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách trong nước và quốc tế.
  • Tọa đàm những vấn đề về kịch bản sân khấu hiện nay
    Với mong muốn tìm ra những nguyên nhân và giải pháp về vấn đề kịch bản sân khấu hiện nay, sáng 22/11, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức tọa đàm “Những vấn đề về kịch bản sân khấu” với sự tham gia của đông đảo hội viên trong hội.
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Triển lãm "Cộng đồng kiến tạo": Vinh danh những đóng góp giá trị cho xã hội
    Sáng 22/11, tại sân Bái Đường, Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã diễn ra Triển lãm "Hành động vì cộng đồng" - Human Act Prize 2024 với chủ đề “Cộng đồng kiến tạo”.
  • Đồng chí Nguyễn Việt Phương giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội
    Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thanh Trì Nguyễn Việt Phương được điều động đến công tác tại Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội, giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy khóa XVII.
Đừng bỏ lỡ
Xây hạnh phúc gia đình từ... món ngon văn chương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO